Thứ 6, 10/05/2024 11:36:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:09, 28/02/2023 GMT+7

RFA lại “giả mù, giả điếc”

Đỗ Thành
Thứ 3, 28/02/2023 | 10:09:33 1,784 lượt xem
BPO - Các nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra hằng năm, trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ. Chính vì vậy, cuộc chiến chống tham nhũng được tất cả quốc gia trên thế giới quan tâm. Để đối phó với tình trạng này, ngày 9-12-2003, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ban hành Công ước về phòng, chống tham nhũng. Với những quốc gia phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì cuộc chiến chống tham nhũng là một phần không thể thiếu. Vậy, một nước đang phát triển như Việt Nam có tham gia Công ước về phòng, chống tham nhũng không?

Câu trả lời thì bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng đều biết. Đó là vào ngày 3-7-2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký, phê chuẩn công ước này. Tuy nhiên, vẫn có những “cái loa” ở nước ngoài thường xuyên “giả mù, giả điếc”, hằng ngày ra rả giọng điệu một cách vô thức, xuyên tạc, phủ nhận thành quả Việt Nam đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đài Á châu tự do (RFA) là một trong những ví dụ điển hình cho kiểu này. Chúng “giả mù, giả điếc”, cho đó là “Trò chơi chính trị quyền lực cấp cao”. Rồi thì phe ông Trọng (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) ngoài loại bỏ các đối thủ còn gây bất ổn thể chế, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đầu tư. Những từ ngữ sặc mùi kích động, chia rẽ làm cho người đọc nhầm tưởng nền kinh tế Việt Nam ảm đạm được “cái loa bẩn” này nghĩ ra vào ngày 19-2-2023. Chúng cho rằng việc một số cán bộ lãnh đạo bị bắt, khởi tố sẽ làm cho những người kế nhiệm thận trọng hơn trong phê duyệt các dự án đầu tư; các doanh nghiệp thì tăng cường phương án giảm thiểu rủi ro trong làn sóng chống tham nhũng dễ bị chính trị hóa; Đảng Cộng sản thì tăng cường kiểm soát nội bộ, siết chặt các quy định, hạn chế tự do kinh doanh… Những luận điệu này đều nhằm mục đích bịa đặt, xuyên tạc cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng đang khiến nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu. Chúng đăng tải nhiều bài viết suy diễn công tác phòng, chống tham nhũng dài hạn được nhìn nhận là tích cực, nhưng trong ngắn hạn có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh, đặc biệt việc thực thi pháp luật bị cho là không rõ ràng và có động cơ chính trị.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ rõ: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Chống tham nhũng, tiêu cực không thể ngày một ngày hai, nó là cuộc chiến lâu dài, phức tạp và gặp nhiều gian truân. Nó góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng các thế lực thù địch với tâm địa đen tối, hằn học lại ra sức tung hô những luận điệu vô căn cứ nhằm phủ nhận thành quả, nỗ lực của Đảng trong công tác quan trọng này.

Tình trạng tham nhũng chính là căn bệnh cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Cạn nguồn đầu tư nội địa, giảm đáng kể các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đó là những gì tham nhũng mang lại. Thực tế, cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam đã và đang tạo động lực rất lớn cho đầu tư, phát triển kinh tế. Thành quả của nó mang lại chính là việc bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư vào Việt Nam. Có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân. Nhờ vậy trong năm 2022, GDP Việt Nam tăng hơn 8%, mức cao nhất trong 12 năm qua; thu ngân sách tăng 13,8% so với năm trước; chi ngân sách ước tăng 8,1% so với năm 2021; bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh… 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cao nhất trong 5 năm qua. Rõ ràng, những số liệu cụ thể đó là minh chứng tiêu biểu về một nền kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Điều đó đã góp phần tích cực cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. 

Thời gian qua, với những nỗ lực phát hiện và phòng, chống tham nhũng của Đảng, chúng ta nhận ra một sự thật rằng: tham ô, tham nhũng không còn riêng lẻ mà mang tính chất tập thể, có tổ chức, câu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ nhà nước với bên ngoài. Điều đó càng khiến Đảng ta có những quyết tâm cao hơn nữa để giải quyết vấn đề này. Tính tới thời điểm hiện tại, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, các cấp, ngành có chuyển biến rõ rệt. So sánh số liệu năm 2022 với năm 2021, các địa phương, các cấp, ngành đã phát hiện, khởi tố 453 vụ án tham nhũng, tăng 1,5 lần; các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá trên 364.000 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần; công tác thu hồi tài sản do tham ô, tham nhũng đạt 27.400 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần. Những tài sản được thu hồi trong công tác xử lý tham nhũng sẽ được Nhà nước sử dụng một cách minh bạch. Những nỗ lực của chúng ta cũng đã được thế giới ghi nhận. Theo TI, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 77/180. Điều đó cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng trong nước năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực sẽ góp phần loại bỏ những đảng viên thoái hóa, biến chất, làm trong sạch Đảng. Qua đó củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh; củng cố và khẳng định vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Tất cả luận điệu vu cáo nhằm bôi nhọ công cuộc phòng, chống tham nhũng và phát triển kinh tế của Việt Nam là hết sức phi lý, vô nghĩa. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn có quan điểm rất rõ ràng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều bình thường. Nhà nước luôn tạo điều kiện, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, không phân biệt đó là đầu tư công hay tư. Như vậy, đã trong sạch, không tham ô, tham nhũng thì không phải e dè, sợ sệt trong công việc của mình cũng giống như thành ngữ: “Cây ngay không sợ chết đứng”.

  • Từ khóa
162156

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu