Thứ 6, 10/05/2024 05:48:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:24, 27/02/2023 GMT+7

Lèo lái dư luận

Anh Tú
Thứ 2, 27/02/2023 | 09:24:26 737 lượt xem
BPO - “Đánh nhau với cối xay gió” là đoạn trích tiêu biểu trong tác phẩm Đôn Ki-hô-tê của nhà văn nổi tiếng Xéc-van-téc. Ở một khía cạnh nhất định, thông qua tác phẩm và nhân vật Đôn Ki-hô-tê, tác giả đã nêu ra mâu thuẫn trong xã hội đương thời, khi mà con người ta có đầy những ý tưởng tốt đẹp nhưng lại phi thực tế, không thể thực hiện bởi lực bất tòng tâm. Vậy nhưng bằng một cách lập luận phi logic, các đối tượng xấu đang cố tình dắt mũi dư luận, cho rằng công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta cũng y như Đôn Ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió. Chúng cho rằng công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng của nước ta là ảo tưởng, phi thực tế, không thể mang lại hiệu quả…

Đài Á châu tự do - RFA từ lâu đã nổi tiếng là một kênh truyền thông có cái nhìn thiếu thiện cảm với Việt Nam. Nhiều bài viết, thông tin, quan điểm sai trái, lệch lạc, phiến diện, một chiều, xuyên tạc sự thật đã được RFA đăng tải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định xã hội của Việt Nam. Gần đây, RFA tiếp tục thể hiện sự cục cằn, thô lỗ và mưu mô chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam khi cho rằng: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chỉ đạo công cuộc chống tham nhũng rộng khắp trong Đảng Cộng sản Việt Nam - được ví như dũng sĩ Đôn Ki-hô-tê”, “hàng ngàn đảng viên bao gồm cả những lãnh đạo cấp cao đã bị kỷ luật, khởi tố, đi tù nhưng dường như công cuộc chống tham nhũng vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại, cuộc chiến được ví như trận đấu vô vọng của dũng sĩ Đôn Ki-hô-tê với cối xay gió”... Cũng từ bài viết của RFA, hàng loạt “nhà dân chủ” đã tát nước theo mưa, đơm đặt những luận điệu lệch lạc như: “Cơ chế tạo ra cái vòng luẩn quẩn”, “Đôn Ki-hô-tê còn có lòng tin chính nghĩa, còn cái công cuộc “đốt lò” ở đây, chỉ là lòng tin chính trị!”, “chỉ là phe phái đấu đá chen ghế lẫn nhau thôi”, “càng chống càng nhũng, đụng tới đâu tham nhũng tới đó”...

Xuyên tạc công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta không phải là mới. Đây là hoạt động được các thế lực phản động, chống đối, cơ hội chính trị thường xuyên thực hiện. Lợi dụng tâm lý khinh ghét tham nhũng của người dân, các đối tượng xấu đã bẻ lái, đánh võng thông tin và tung ra những luận điệu phiến diện, lệch lạc nhằm hướng lái dư luận trở nên tiêu cực, bất mãn, không đồng thuận với chính quyền. Tuy nhiên, dù có “nói ngả nói nghiêng” thì các “nhà dân chủ” cũng không thể phủ nhận một thực tế đang tồn tại là Đảng, Nhà nước Việt Nam đang làm hết sức quyết liệt, bài bản và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Trước hết, Đảng, Nhà nước ta đã luôn nhìn thẳng vào sự thật để đề ra nhiều biện pháp nhằm đấu tranh, phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả. Cách đây 17 năm, tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Đảng đã nêu ra thực trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21-8-2006 để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12-5-2009 về chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Trải qua gần 2 thập kỷ, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã có những kết quả tích cực. Đến Đại hội XIII, tình trạng tham nhũng ở nước ta được xác định là đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm.

Rõ ràng, phòng, chống tham nhũng không phải là hành động “đánh nhau với cối xay gió” như luận điệu được RFA gán ghép. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đang ngày càng đi vào chiều sâu, được thực hiện một cách quyết liệt, toàn diện, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thời gian qua, nhiều sai phạm lớn trong các lĩnh vực như quản lý đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, y tế… đã được phanh phui. Hàng loạt quan chức ở các cấp, các ngành, các địa phương đã bị đưa ra xử lý.

Tham nhũng không phải là “sản phẩm riêng” của Việt Nam hay của chế độ cộng sản. Tham nhũng là vấn đề phức tạp của mọi quốc gia trên thế giới. Nguồn gốc của tham nhũng không phải là đơn đảng hay đa đảng, không phải là vì chế độ cộng sản hay chế độ tư sản. Nguồn gốc của tham nhũng là do quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện thể chế để kiên quyết “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Đánh giá về nguyên nhân phát sinh tham nhũng tại Việt Nam, có thể thấy nổi lên một số vấn đề lớn, đó là hệ thống chính sách, pháp luật chưa đồng bộ; hoạt động của một số cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội; một số cán bộ, công chức thiếu tính chuyên nghiệp, ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống còn thấp. Nhận thức được điều này, Đảng, Nhà nước ta đã tập trung nhiều nguồn lực cũng như phát huy trí tuệ của toàn xã hội để lấp dần những “khoảng trống”. Công tác hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật ngày càng được công khai, minh bạch. Tổ chức bộ máy, hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị được tinh gọn, bảo đảm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Các quy định về chế độ công vụ, công chức, thực thi công vụ dần hoàn thiện. Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng được nâng cao.

Chống tham nhũng không phải là “ảo vọng”. Trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, không phải chỉ có một mình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà toàn Đảng, toàn dân đều tham gia. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã trở thành phong trào, xu thế mà không ai đứng ngoài cuộc. Vẫn biết để loại trừ tận gốc tham nhũng là vô cùng khó khăn, đòi hỏi công sức lớn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà có thể phủ nhận những kết quả tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

  • Từ khóa
161966

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu