Thứ 2, 20/05/2024 23:51:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 15:09, 15/02/2023 GMT+7

“Thương vay khóc mướn”

Đỗ Thành
Thứ 4, 15/02/2023 | 15:09:09 1,573 lượt xem
BPO - “Thương vay khóc mướn” là thành ngữ chỉ một nghề của những người nghèo trước đây vì miếng cơm, manh áo mà phải khóc trong đám tang của người khác. Người xưa thường nói “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Xã hội hiện nay đã ngày một phát triển, chính vì thế không còn ai đi kiếm cơm bằng nghề “thương vay khóc mướn” nữa. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số kẻ cố tình hành nghề này vì những động cơ, mục đích không trong sáng. Đó chính là tổ chức khủng bố Việt Tân.

Cụ thể, với nhan đề bài viết “Nhân quyền Việt Nam và những cái chết đáng ngờ” đăng ngày 3-2-2023, facebook Việt Tân đã “khóc mướn” một loạt cái chết của những người được cho là theo đạo đang phải chấp hành hình phạt tù. Gần đây nhất là mục sư Đinh Diêm, thụ án 16 năm tù tại Trại giam số 6 thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, chết ngày 5-1-2023. Hai là ông Phan Văn Thu, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo (tổ chức Phật giáo độc lập) với án tù chung thân tại Trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, chết ngày 20-11-2022. Ba là cựu giáo chức Đào Quang Thực, chịu án 13 năm tù tại Trại giam số 6, chết ngày 10-11-2019. Bốn là ông Đoàn Đình Nam, chịu mức án 16 năm tù tại Trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chết vào tháng 10-2019. Mặc dù những cái chết này đều đã được cơ quan chức năng làm rõ trắng đen, tuy nhiên dưới cái miệng “lu loa” của Việt Tân thì nó không khác gì những cái chết đầy tính nghi hoặc. Chúng cho rằng chính quyền cộng sản không có biện pháp gì để cho hương hồn những người chết được siêu thoát. Rồi thì chính quyền cộng sản vẫn tiếp tục làm ngơ với những hành động đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng…

Mục đích của Việt Tân đưa ra bản danh sách kia thì ai cũng hiểu. Cũng chẳng lạ lẫm gì khi quyền con người, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam thường được chúng xuyên tạc, bóp méo để chia rẽ khối đại đoàn kết các tôn giáo; hướng lái sự chú ý của các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như cổ xúy cho những kẻ được mệnh danh là nhà đấu tranh dân chủ, rồi thì tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo. Mục đích cuối cùng của chúng là nhằm thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với hơn 90% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Đến thời điểm này, ở Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận; cả nước có hơn 29.000 cơ sở thờ tự với khoảng 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 26 triệu tín đồ. Hằng năm có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, thu hút đông tín đồ và quần chúng nhân dân tham gia. Việc ra đời các tổ chức tôn giáo không chỉ thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận. 

Ngược dòng lịch sử, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”. Năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta ra đời ghi rõ: “Mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do tín ngưỡng”. Trong Sắc lệnh số 234 ngày 14-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”. Điều đó cho thấy rõ, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã hết sức quan tâm đến đời sống tôn giáo, tự do tín ngưỡng của nhân dân. Qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc, sự gắn bó giữa Nhà nước và cộng đồng các tôn giáo càng được minh chứng chân thực. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc, nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước. 

Hiến pháp năm 2013 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là lời bác bỏ chân thực trước những luận điệu xuyên tạc về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điều 24, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, phù hợp với thực tiễn sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đất nước trong thời kỳ mới; bảo đảm hơn nữa quyền tự do tôn giáo của người dân Việt Nam. Đồng thời, lý giải về sự thất bại liên tục của các thế lực thù địch âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đã xây dựng cho mình đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, có tôn chỉ hoạt động rõ rệt. Cụ thể, Phật giáo có chủ trương “đạo pháp dân tộc chủ nghĩa xã hội”. Công giáo thì hướng tới mục tiêu “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Đạo Tin lành luôn đề cao việc “sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”. “Nước vinh, đạo sáng” là tôn chỉ hoạt động của đạo Cao Đài. Hay “vì đạo pháp, vì dân tộc” là mục đích tối thượng của Phật giáo Hòa Hảo. 

Việt Nam là quốc gia được thế giới tín nhiệm lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Không chỉ trong những sự kiện, ngày truyền thống của các tôn giáo, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng, chức sắc, tín đồ tôn giáo đã trở thành truyền thống tốt đẹp mỗi dịp tết đến, xuân về. Điều đó không chỉ thể hiện sự chăm lo toàn diện của Đảng, Nhà nước đối với đời sống sinh hoạt tôn giáo mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng của đông chức sắc, tín đồ về đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng qua những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc. 

Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn có quan điểm nhất quán, xuyên suốt, xác định rõ tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của nhân dân và sẽ luôn đồng hành với dân tộc trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Mọi sự bịa đặt, xuyên tạc về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam của những kẻ “khóc thuê” trở nên lạc lõng trước thực tế không thể phủ nhận.

  • Từ khóa
161360

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu