Thứ 2, 20/05/2024 20:54:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 15:18, 02/02/2023 GMT+7

Lại thói điêu ngoa, trơ trẽn

Thảo Linh
Thứ 5, 02/02/2023 | 15:18:06 730 lượt xem
BPO - Theo thông tin từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước, trước tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cả nước có 14 địa phương đề xuất Chính phủ cấp gạo hỗ trợ người dân thiếu đói. Việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho địa phương trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong đó có việc hỗ trợ lương thực thể hiện tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn của Chính phủ với người dân khi tết đến, xuân về. Hơn nữa, nhiều năm qua, từ Chính phủ đến các cơ quan nhà nước, Quốc hội, các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã đều kêu gọi cộng đồng hỗ trợ để chăm lo tết cho người nghèo. Và trong các mặt hàng hỗ trợ luôn có lương thực cùng các thực phẩm thiết yếu. Thế nhưng, việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc ấy lại bị các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc theo chiều hướng xấu.

Ngày 15-1-2023, trang Người Việt có bài: Việt Nam có 14 tỉnh phải xin cấp gạo cứu đói tết Quý Mão. Bài viết đăng hình ảnh những người phụ nữ đang lượm ve chai. Đi kèm theo đó là nội dung mang tính đả kích như: Báo chí tại Việt Nam mừng rỡ đưa tin nền kinh tế của Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 8,02%, cao nhất châu Á như là sự hãnh diện cho thành tích xuất sắc của chế độ… Trong khi nhiều tỉnh vẫn phải xin cứu đói vào dịp tết truyền thống. Trước đó, ngày 27-12-2022 vẫn trang Người Việt có bài: Bỏ tiền tỷ xây tượng đài, nhưng 14 tỉnh xin gạo cứu đói dịp tết Quý Mão. Bài viết này chĩa mũi dùi vào việc xây dựng tượng đài và sử dụng hình ảnh khánh thành tượng đài Nơ Trang Long ở Đắk Nông. Chưa hết, tác giả bài viết còn sử dụng hình ảnh giống như người dân một vùng nông thôn miền núi đứng cách nhau theo quy định về phòng dịch để chờ tiêm vắc xin, nhưng lại chú thích là “Dân Hà Nội ngồi chờ nhận gạo cứu đói”... Vẫn giọng điệu xuyên tạc, ngày 14-1-2023, trang RFA có bài: 500 ngàn người dân cần hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp tết. Tương tự, trang Việt Tân cũng có bài viết xuyên tạc việc một số tỉnh xin gạo cứu đói cho dân ăn tết và đặt câu hỏi: Quốc gia có sức mạnh thứ 30 thế giới nhưng 10 tỉnh vẫn phải xin gạo cứu đói cho dân ăn tết? Và dù những thông tin, lập luận trong các bài viết nêu trên đều rất khiên cưỡng, bịa đặt, quy kết nhưng các “nhà dân chủ Việt”, những kẻ cơ hội chính trị vẫn hăng hái chia sẻ và bình phẩm trên mạng xã hội. 

Trước hết cần khẳng định, những thành quả về xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam thời gian qua không chỉ được nhân dân trong nước ghi nhận mà cộng đồng quốc tế cũng đánh giá rất cao. Số liệu từ Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho thấy: Năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí khoảng 23.000 tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, như hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ giáo dục và đào tạo; hỗ trợ y tế, nhà ở, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ về văn hóa, thông tin… Cùng với Chính phủ, rất nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, từng bước nâng cao mức sống người dân. Trong mắt của cộng đồng quốc tế, nhiều năm qua, Liên hợp quốc xem Việt Nam là quốc gia tiêu biểu về xóa đói, giảm nghèo và coi đây là một trong những thành công nổi bật của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Những đánh giá khách quan của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế được công bố công khai với những nội dung rất cụ thể, như báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam”, do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố: Đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, nhất là các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh 13%, là mức giảm mạnh nhất trong thập niên vừa qua. Sự thật rành rành như thế, nhưng các trang mạng phản động như Việt Tân, Người Việt, RFA… cùng các phần tử cơ hội, phản động vẫn trơ trẽn và điêu ngoa thổi phồng, bịa đặt tình trạng đói nghèo ở Việt Nam và đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ. 

Một luận điệu xuyên tạc khác của các trang mạng chống cộng được lặp lại nhiều năm qua là đổ lỗi tình trạng đói nghèo ở một số tỉnh là do dành nhiều kinh phí để xây dựng tượng đài. Không riêng gì Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng quan tâm xây dựng tượng đài và coi đây là một lĩnh vực nghệ thuật, là một trong những phương tiện giáo dục truyền thống yêu nước của các thế hệ. Và Liên bang Nga là một trong những quốc gia như thế. Người Nga luôn tự hào về những quần thể tượng đài rất hoành tráng như tượng đài Ngàn năm nước Nga, tượng đài Peter Đại đế, tượng đài Mẹ Tổ quốc kêu gọi… Ngoài ra, ở Nga còn có rất nhiều tượng đài đơn lẻ. Đó là tượng đài của những vị vua, các nhà lãnh đạo quốc gia, nhà quân sự, nhà khoa học, nghệ sĩ, chiến sĩ, dân quân du kích, người nông dân, anh thợ hàn, chị lao công... 

Câu hỏi đặt ra là việc xây dựng tượng đài có làm người dân Việt Nam, người dân Nga và nhiều quốc gia khác đói nghèo đi không? Chắc chắn là không! Bởi lẽ nguồn kinh phí xây dựng tượng đài chỉ chiếm một phần rất nhỏ và thường được vận động xã hội hóa. Với một đất nước phải chịu ảnh hưởng nhiều do thiên tai như Việt Nam, cho dù Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chương trình, dự án, đề án chủ động phòng, chống thiên tai như nhà tránh lũ, quai đê lấn biển, trồng rừng giữ đất… nhưng những hiểm họa do bão lũ, hạn hán, triều cường, xâm nhập mặn… gây ra luôn là nguyên nhân trực tiếp và thường trực của tình trạng khó khăn, nghèo đói. Thế nhưng như đã đề cập, bất chấp những điều đó, Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá là quốc gia điển hình về giảm nghèo hiệu quả. Thế nên, việc Việt Tân cùng các trang mạng chống cộng xuyên tạc việc Chính phủ hỗ trợ gạo cho người dân dịp tết Nguyên đán vừa qua thành chuyện “Hàng trăm ngàn người đói nghèo là do dựng nhiều tượng đài” chỉ là tự vả vào mặt mình mà thôi!

  • Từ khóa
160529

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu