Thứ 2, 20/05/2024 22:25:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:19, 31/01/2023 GMT+7

Luận điệu của “cà cuống”

Đỗ Thành
Thứ 3, 31/01/2023 | 10:19:46 850 lượt xem
BPO - “Hành động của các ông rất trắng trợn và thô bạo. Các ông cứ tưởng rằng có thể khuất phục được chúng tôi. Các ông nhầm to, nhân dân chúng tôi cũng không hề khiếp sợ. Các ông không những thất bại mà còn làm đàm phán thêm khó khăn hơn. Chính các ông đã làm cho danh dự nước Mỹ hoen ố. Bây giờ các ông muốn hòa bình thì chúng tôi giải quyết hòa bình. Các ông muốn tiếp tục đánh thì chúng tôi tiếp tục đánh, không hề khiếp sợ, khuất phục”. Đó chính là những lời lẽ đanh thép mà cố vấn Lê Đức Thọ đã gửi đến Henry Kissinger (đại diện phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ) trong đàm phán để đi đến thống nhất và ký kết Hiệp định Paris năm 1973.

Trong những ngày qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã và đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không; 50 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhiều cuộc hội thảo khoa học, triển lãm trưng bày, gặp mặt, kỷ niệm… về các sự kiện được tổ chức. Ai cũng háo hức hòa mình trong những chiến công và các câu chuyện chiến đấu cảm động. 50 năm đi qua đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học, nghiên cứu làm sáng tỏ kết quả, ý nghĩa của Hiệp định Paris. Những số liệu đưa ra đã được thẩm định, đánh giá với bằng chứng xác thực mà cả phía Mỹ và Việt Nam đều thừa nhận. Việc ký kết Hiệp định Paris đánh dấu thắng lợi hết sức to lớn, mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng Việt Nam và thế giới. Thế nhưng đâu đó trên không gian mạng vẫn xuất hiện các bài viết, video clip xuyên tạc lịch sử, phủ nhận kết quả và giá trị của Hiệp định Paris. Và một trong những luận điệu xuyên tạc trắng trợn lịch sử như thế đã xuất hiện trên Đài Á châu tự do (RFA). Ngày 26-1-2023, RFA cho đăng bài viết “50 năm Hiệp định Paris: Thắng lợi vĩ đại hay hòa bình cay đắng?” của tác giả Tường An.

Trong bài viết này, ngoài quan điểm nhào nặn, xuyên tạc Hiệp định Paris thì tác giả còn lôi kéo thêm Từ Thức (được cho là có mặt trong phái đoàn đàm phán Việt Nam Cộng hòa) và Lâm Chấn Thọ (luật sư hành nghề tại Canada) để tăng thêm sự tin tưởng của người đọc. Từ Thức thì cho rằng miền Bắc Việt Nam “bày ra chuyện hội nghị, nhưng sự thật vẫn tiếp tục đánh ở miền Nam”. Thật hay cho cái câu “bày ra chuyện hội nghị” của Từ Thức. Từ Thức đã lớn tuổi mà nói như trẻ con hay già rồi lú lẫn không nhớ. Sau khi kết thúc chiến dịch lịch sử 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, trước sự lên án của dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế, chính Mỹ đánh tiếng đàm phán vô điều kiện. Người nào vô ý lỡ đọc qua bài viết này cũng mong bỏ qua cho Từ Thức, vì ông ấy đã già nên có phần lú lẫn, nhưng không thể bỏ qua cho Lâm Chấn Thọ. Một người đang hành nghề luật sư mà không phân biệt nổi thế nào là chính nghĩa, thế nào là phi nghĩa thì làm luật sư làm gì, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ai? Cụ thể, Thọ cho rằng sau khi ký Hiệp định Paris, Cộng sản Việt Nam đã vi phạm Điều 7, họ tiếp tục đưa quân vào miền Nam của chúng ta… Miền Nam nào của chúng ta thế luật sư? Chỉ có Việt Nam thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cả thế giới đã công nhận. Ông luật sư nói Cộng sản Việt Nam vi phạm Điều 7 trong hiệp định, ý nói sẽ thống nhất bằng đường lối hòa bình thông qua tổng tuyển cử, thế nhưng đã bị ta phá hoại. Nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Trước và ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền đã phá hoại Hiệp định Paris. Chúng tập trung lực lượng tiến hành kế hoạch tràn ngập lãnh thổ, cắm cờ lấn đất giành dân, đẩy mạnh lấn chiếm vùng ta làm chủ. Chúng sử dụng pháo bắn vào vùng giải phóng, mở các đợt càn quét, đôn quân, bắt lính, củng cố lực lượng phòng vệ dân sự, tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo cách mạng vi phạm Hiệp định Paris, tổ chức mạng lưới tình báo gián điệp để kiềm kẹp nhân dân. Chiến sự diễn ra ác liệt nhưng quân và dân miền Nam vẫn giành quyền chủ động, lực lượng vũ trang chiến đấu quyết liệt, bảo vệ từng cây cờ, từng thôn xóm để quần chúng có điều kiện tổ chức mít tinh, biểu tình, hội họp đón mừng hòa bình. Vậy thì ai đã vi phạm trước thế vị “luật sư đáng kính”?

50 năm trước, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là một cuộc đấu tranh dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới, kéo dài từ ngày 13-5-1968 đến 27-1-1973. Đây cũng là cuộc đấu trí quyết liệt giữa Việt Nam và Mỹ. Những bài học thắng lợi của Hiệp định Paris có ý nghĩa như một mốc son của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, mà trong đó là nghệ thuật vừa đánh vừa đàm. Để đi đến ký kết Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chúng ta đã kiên định quan điểm độc lập, tự chủ, giành thế chủ động trong đàm phán, kiên trì mục tiêu đấu tranh và biết nắm thời cơ để giành thắng lợi. Thực hiện phương châm vừa đánh vừa đàm, Việt Nam đã nhiều lần giành thắng lợi từng bước, dùng ngoại giao để tạo thế, dùng những đòn tấn công quân sự để tạo lực, chủ động vận dụng chiến lược về hội nghị 4 bên để buộc Mỹ phải xuống thang trên chiến trường.

Tuy thời gian kéo dài 4 năm, 9 tháng, Hiệp định Paris đã trải qua hơn 200 phiên họp, trong đó có 45 cuộc họp kín giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Kissinger. Phần lớn các cuộc họp kín được phía Mỹ hẹn lúc nửa đêm, có cuộc căng thẳng kéo dài tới 14 tiếng đồng hồ. Suốt thời gian diễn ra hội nghị, đã có hàng trăm cuộc họp báo, hàng ngàn cuộc mít tinh chống chiến tranh ủng hộ Việt Nam. Ta vận dụng tư tưởng đánh lâu dài, không chịu sức ép, kiên trì đấu tranh để tạo thế chủ động trong đàm phán. Ta đã khéo léo xoáy vào thế yếu của Mỹ bị sa lầy ở Việt Nam và chịu nhiều sức ép nên phải tìm cách kết thúc sớm chiến tranh. Từ đầu năm 1968-1972, ta đã chủ động tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, tạo ra những thay đổi về so sánh lực lượng có lợi cho ta, làm phá sản hoàn toàn chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ; làm thất bại các cuộc leo thang bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc mà đỉnh cao là Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Như vậy, với thắng lợi từng bước bằng Hiệp định Paris, Việt Nam đã buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân về nước. Thắng lợi của Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của 3 mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Đây là thắng lợi có ý nghĩa quyết định đối với chiều hướng và kết quả của chiến tranh, mở đường cho đại thắng mùa xuân năm 1975. 50 năm đã trôi qua, song ý nghĩa lịch sử của sự kiện ký kết Hiệp định Paris, đỉnh cao của mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Thù hằn, tức tối vì không đạt được mục đích chính trị thấp hèn, những “con cà cuống” gần đất xa trời vẫn hằng ngày, hằng giờ tỏ thái độ cay cú, hằn học nhưng không thể thay đổi được lịch sử.

  • Từ khóa
160164

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu