Thứ 2, 20/05/2024 23:09:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 15:56, 10/01/2023 GMT+7

Ai là “cu-li”?

H.L
Thứ 3, 10/01/2023 | 15:56:30 1,979 lượt xem
BPO - Xuất khẩu lao động, đem về nguồn thu nhập cho bản thân, gia đình và đất nước là việc làm đúng đắn, đáp ứng lòng mong đợi của người lao động. Song, các thế lực thù địch lại lợi dụng chủ trương, chính sách này để chống phá Đảng, Nhà nước.

Chúng cho rằng: “Mỹ xuất khẩu nhiều kiểu máy bay Boeing, xe hơi, vũ khí tối tân, máy móc điện tử, phần mềm, nông phẩm đủ loại. Đức xuất cảng đủ thứ thiết bị nhà máy, máy móc tinh xảo đắt tiền, đủ loại và hiệu xe hơi. Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan xuất khẩu đủ thứ mặt hàng giá trị đem lại cho ngân sách quốc gia hàng năm hàng chục, hàng trăm tỷ đô la. Còn Việt Nam chuyên xuất khẩu mồ hôi và thậm chí nước mắt và mạng sống của cả triệu thanh niên Việt Nam. Điều trớ trêu là Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước kêu gọi người Việt hải ngoại trở về góp sức xây dựng đất nước, còn cả triệu thanh niên đang tuổi sung mãn về cả tinh thần và thể chất thì họ mang ra cho các nước sử dụng, thậm chí đày đọa như công nhân, osin ở các xứ Ả Rập, Trung Đông”. Hay: “Số thanh niên đó đi bán sức lao động có mệnh hệ nào, bệnh tật, bị hà hiếp, giết chết gì, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy là họ không ngó ngàng gì tới, chỉ ngó đống tiền đô thơm phức thôi. Đi buôn không vốn mà lãi khủng, trách sao đảng vẫn một mực duy trì lối buôn bán bất nhân này! Họ không có khả năng quản trị quốc gia hay cố tình tạo ra tình trạng này khiến dân sống trong nước không nổi, phải tìm cách ra nước ngoài làm việc hầu có tiền gửi về giúp gia đình?”.

Xin thưa rằng, xuất khẩu lao động là ngành nghề kinh doanh xuất hiện và được chấp nhận trên thế giới từ lâu, thuộc mảng dịch vụ. Dịch vụ xuất khẩu lao động là một thành tố gắn liền với nền kinh tế thị trường. Vì vậy, không có gì là lạ khi Việt Nam xuất khẩu lao động sang các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực. Cung - cầu là quy luật rất quan trọng của nền kinh tế thị trường. Những nơi đáp ứng đủ nguồn cung đương nhiên sẽ là đối tác của các quốc gia có nhu cầu về nguồn lao động bằng các hợp đồng kinh doanh theo quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp nước sở tại. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, lượng lao động rất dồi dào, đương nhiên sẽ là nguồn cung cấp đáng tin cậy cho thị trường lao động thế giới. Xuất khẩu lao động góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết việc làm và nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Lao động chân chính bằng chính sức lực, trí tuệ của mình là một việc làm đáng hoan nghênh; là động lực để phát triển, hoàn thiện con người và dựng xây đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”. Nhà văn Xô-viết nổi tiếng Maksim Gorky cho rằng: “Lao động là đôi cánh của ước mơ”. Nghề nào cũng cao quý, miễn là lao động chân chính, bằng trí óc và sức lực của mình. Các quốc gia phát triển thiếu nguồn lao động chân tay, lao động phổ thông, họ có nhu cầu thì đây là một cơ hội rất lớn cho thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam. Và đương nhiên, người lao động phải bỏ ra một số chi phí ban đầu để được khám sức khỏe, học tập, tìm hiểu về phong tục tập quán, ngôn ngữ của quốc gia mình đến lao động; phí hồ sơ giấy tờ dịch thuật; phí làm visa, giấy tờ, vé máy bay; phí dịch vụ môi giới và các phụ phí khác. Chi phí này do các công ty xuất khẩu lao động sẽ thu của người lao động chứ Nhà nước không trực tiếp thu. Nếu được đi xuất khẩu lao động, người lao động có thu nhập hằng tháng và gửi về gia đình, đó là một điều rất đáng mừng chứ sao lại báng bổ, xuyên tạc kiểu “Đảng có đầu óc làm ăn ghê, nhất là ăn trên mồ hôi, nước mắt của những người dân lao động” (?).

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Việt Nam hiện nay rất thấp, chỉ chiếm 26,1% lao động cả nước, đây là tỷ lệ còn rất khiêm tốn so với thế giới. Lao động chân tay là một trong 2 hình thức, nếu đem so với lao động trí óc không phải là điều gì đó đáng xấu hổ vì đó là sự phân công lao động xã hội. Khi hạ thấp, xỉ nhục họ, gọi họ là “cu-li” thì các thế lực thù địch, phản động đã thể hiện rõ bản chất, bộ mặt bưng bô, bợ đỡ quan thầy của mình.

Danh xưng “cu-li” là cách gọi miệt thị mà bọn thực dân đế quốc sử dụng để chỉ người dân lao động các nước thuộc địa. Nếu là người có văn hóa, có tri thức, có lương tâm thì không bao giờ buông ra những lời lẽ miệt thị như vậy với người lao động phổ thông. Lao động trí óc, lao động có tay nghề cao được hưởng lương cao; lao động phổ thông, lao động chân tay thì hưởng lương thấp, hoàn toàn phù hợp và người lao động chân tay cũng chấp nhận điều đó. Họ biết rõ điều này và họ có nguyện vọng chính đáng được xuất khẩu lao động. Nhà nước chỉ là cầu nối đảm bảo pháp lý để giúp họ được xuất khẩu lao động, mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhà nước Việt Nam không cưỡng ép họ phải ra nước ngoài lao động để kiếm tiền như các thế lực thù địch phản động đã và đang xuyên tạc, rêu rao. Dù ít dù nhiều, bằng cách này hay cách khác thì người lao động Việt Nam hiện nay đang góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia sở tại cũng như đóng góp nguồn ngoại hối lớn cho đất nước.

Không riêng gì Việt Nam, các quốc gia đang phát triển, thậm chí là các nước phát triển đều quan tâm đến thị trường xuất khẩu lao động, đều có lao động được xuất khẩu sang các quốc gia khác. Ở Việt Nam cũng có nhiều lao động người nước ngoài đang công tác, đó là một xu thế tất yếu khách quan của nền kinh tế thị trường. Thế thì lên án Việt Nam xuất khẩu lao động với một ngôn từ “chợ búa”, rất dung tục: “bán” - mà thế lực thù địch, phản động sử dụng, chúng có còn là con người hay không?

  • Từ khóa
159164

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu