Thứ 2, 20/05/2024 23:51:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:50, 09/01/2023 GMT+7

Câu trả lời thỏa đáng về tự do tôn giáo

Bảo Khanh
Thứ 2, 09/01/2023 | 09:50:52 974 lượt xem
BPO - Ngày 2-12-2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào cái gọi là “Danh sách theo dõi đặc biệt” về tự do tôn giáo. Trước Việt Nam, hàng loạt nước cũng bị đưa vào “danh sách đen” về tự do tôn giáo, như: Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan… Dù lời tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ không có giá trị và hoàn toàn không khách quan, trung thực về tình hình tự do tôn giáo ở nước ta nhưng bởi ông ta là Ngoại trưởng của “nước lớn” nên những kẻ có dã tâm phá hoại Việt Nam đã hý hửng, coi đây là miếng mồi béo để “tung đòn” thực hiện chiến dịch xuyên tạc, chống phá nước ta.

Ngày 4-12-2022, trang BBC tiếng Việt có bài: “Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt vì vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo”. Sau khi khua môi múa mép với những thông tin bịa đặt về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, bài viết nêu các “dẫn chứng” về “tình trạng vi phạm tự do tôn giáo”, trong đó nhấn mạnh vụ án Tịnh thất Bồng Lai.

Nếu ai đã từng theo dõi vụ án này, hẳn phải nhớ rõ những tình tiết có thể nói là “rợn người” về sự vi phạm của các đối tượng bị đưa ra xét xử. Ngoài tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cụ thể là dàn dựng và đăng tải các video, bài viết trên mạng xã hội với thông tin bịa đặt, bôi nhọ uy tín của Công an huyện Đức Hòa; xúc phạm uy tín Phật giáo, danh dự và nhân phẩm cá nhân... Vậy mà những ngày vụ án được đưa ra xét xử, trang BBC tiếng Việt lại hăng hái lên tiếng bênh vực các bị cáo trong vụ Tịnh thất Bồng Lai. Còn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) lại đưa các bị cáo trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai vào danh sách “Nạn nhân tự do tôn giáo và niềm tin toàn cầu”.

Tiếp đó, trang RFA có bài: Việt Nam thuộc nhóm các nước bị Hoa Kỳ giám sát đặc biệt về tự do tôn giáo. Trang VOA tiếng Việt có bài: Mỹ đưa Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc biệt” vì vi phạm tự do tôn giáo. Trang Facebook Việt Tân có bài: Việt Nam cần tôn trọng quyền con người khi đã gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc… Những bài viết trên các trang mạng chống cộng nêu trên, mỗi trang một vẻ, nhưng đều cùng một giọng điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Thông qua các bài viết, các trang mạng chống cộng đều lên tiếng kêu gọi bảo vệ tự do cho những đối tượng đã xâm phạm nghiêm trọng tự do của các cá nhân, tổ chức khác với đầy đủ tang chứng, vật chứng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của công dân, làm rối loạn an ninh trật tự của cộng đồng xã hội. Thế nhưng, những bài viết xuyên tạc nêu trên lại được các anh hùng bàn phím trong giới “dân chủ Việt” tích cực chia sẻ và bình luận với giọng điệu khiêu khích, kích động.

Về cái gọi là Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, đây chỉ là một đơn vị tham vấn độc lập cho Chính phủ Hoa Kỳ, nhưng lại tự cho mình quyền giám sát tự do tôn giáo trên toàn thế giới, trên cơ sở đó khuyến nghị cho Tổng thống, Ngoại trưởng và Quốc hội Hoa Kỳ về các chính sách đối với các quốc gia bị đưa vào “danh sách đen”. Tuy nhiên, qua những báo cáo hằng năm của tổ chức này về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam đã cho thấy tổ chức này chỉ mượn cớ về vấn đề tự do tôn giáo ở các quốc gia để hoạt động chính trị. Hễ quốc gia nào “trái ý” thì y như rằng sẽ có tên trong danh sách đen về tự do tôn giáo. Năm 2006, Việt Nam đã được Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách “những quốc gia bị quan tâm đặc biệt về tôn giáo”. Thế nhưng báo cáo hằng năm của USCIRF vẫn cứ đến hẹn lại lên, tham vấn và khuyến nghị Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào lại danh sách đen. Nhưng đã qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống, dù thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa thì đề xuất của USCIRF cho đến bây giờ đều thất bại!

Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng và không một quốc gia nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác. Vấn đề dân chủ, nhân quyền và quyền tự do tôn giáo phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật phù hợp điều kiện phát triển kinh tế và lịch sử truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Các quyền và tự do của mỗi cá nhân, trong đó có tự do tôn giáo chỉ có thể được bảo đảm trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng. Luận điệu “quyền con người cao hơn chủ quyền” hay “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, đặc biệt là quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà một số tổ chức của phương Tây, trong đó có USCIRF vẫn thường rêu rao chỉ là chiêu bài nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, trong đó có Việt Nam. Nhưng cho dù ẩn nấp dưới tấm áo nào thì việc các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng vấn đề tôn giáo và quyền tự do tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, nhất là các quốc gia có thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản là điều thấy rõ nhất.

Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo. Trong mỗi giai đoạn lãnh đạo cách mạng, Ðảng, Nhà nước ta đều ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tạo hành lang pháp lý để các tôn giáo hoạt động ổn định, tăng cường củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và các tôn giáo. Nhờ đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được bảo đảm ngày càng tốt hơn, số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng. Việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu cao chính là câu trả lời thỏa đáng nhất về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, chứ không phải cái “Danh sách theo dõi đặc biệt” mà năm nào USCIRF cũng mất công để in ra.

  • Từ khóa
159006

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu