Thứ 2, 20/05/2024 20:31:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 15:59, 27/12/2022 GMT+7

Hạ giải hay hạ bệ lịch sử

H.L
Thứ 3, 27/12/2022 | 15:59:30 904 lượt xem
BPO - Những ngày gần đây, liên quan đến tòa nhà Cục Tác chiến, có ý kiến cho rằng cần “hạ giải”, tức là di dời để trả lại không gian kiến trúc cho Hoàng thành Thăng Long, bởi lý do: “Kết quả khảo sát năm 2007 cho thấy đây không phải là di tích lịch sử và không có giá trị sử dụng theo đánh giá phân loại của hội đồng khoa học thành phố”.

Đây là ý kiến khó có thể chấp nhận được, vì lịch sử là cội nguồn, gốc rễ của dân tộc; lịch sử là cái gốc, tương lai là ngọn, chỉ có trên cơ sở gốc rễ chắc chắn thì tương lai mới vững bền, “gốc có vững cây mới bền” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Tôn trọng lịch sử, trân quý lịch sử nhưng phải có cái nhìn toàn diện, khoa học về lịch sử; phải đối xử công bằng với lịch sử. Hoàng thành Thăng Long là một di tích lịch sử, tòa nhà Cục Tác chiến cũng là một di tích lịch sử. Vì vậy, cần thận trọng, thấu đáo vì tòa nhà Cục Tác chiến là di tích lịch sử với hiện vật (kết cấu xây dựng) đang tồn tại thực tế; còn công trình, kết cấu gì đó theo suy đoán của các nhà khoa học lịch sử dưới móng nhà Cục Tác chiến là một điều rất mơ hồ, mang cảm tính cá nhân, chưa chắc chắn, chỉ là suy luận, phỏng đoán. Vì vậy, có nên phá bỏ đi cái thực để theo đuổi cái hư vô, đập bỏ cái đang tồn tại để phục dựng cái chưa chắc chắn đã có thực? Chưa nói là Hoàng thành Thăng Long đã được phục dựng dưới thời nhà Nguyễn. Thế thì, phục dựng kiến trúc thời Lê sơ như ý tưởng đề xuất của các nhà khoa học lịch sử có còn mang tính khách quan lịch sử hay chỉ là phục dựng lại công trình đã được phục dựng của nhà Nguyễn? Nếu như vậy thì không thuyết phục, bởi khi xây dựng nhà Cục Tác chiến để phục vụ công cuộc xâm lược, chắc chắn, thực dân Pháp đã phá hủy hoàn toàn các kết cấu kiến trúc của công trình cũ. Vậy, câu hỏi đặt ra là phục dựng cái gì? Có còn nguyên vẹn hay không?

Nhà Cục Tác chiến hiện nay là di tích lịch sử quốc gia gắn liền với thời đại huy hoàng, sáng chói nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chính tại nơi đây, các bộ não tinh túy nhất của dân tộc đã ra các quyết sách có một không hai để đánh cho thực dân đế quốc sừng sỏ nhất của mọi thời đại - đế quốc Mỹ - phải cút khỏi Việt Nam trong nhục nhã ê chề! Với ý nghĩa như thế, nhà Cục Tác chiến là một chứng tích hào hùng nhất, vững chắc nhất cho một giai đoạn lịch sử vinh quang nhất của dân tộc. Lịch sử đó phải được trân trọng, ghi nhận hơn bao giờ hết! Hay cũng vì lẽ đó mà Cục Tác chiến trở thành cái gai phải nhổ bỏ bằng mọi giá trong mắt các thế lực thù địch, phản động và bọn “lật sử”? Nhân dân có quyền nghi ngờ khi những người đã đề xuất “hạ giải” tòa nhà Cục Tác chiến không phải ai khác, mà chính là các “gương mặt thân quen”, là tác giả của bộ quốc sử 30 tập đang gây tranh cãi gần 3 năm nay với việc đề xuất công nhận ngụy quân, ngụy quyền là một chính thể hợp pháp trong lịch sử dân tộc! Đáng buồn thay, việc hạ bệ lịch sử, “lật sử” không còn diễn ra về mặt nhận thức tư tưởng trong sách giáo khoa, trên báo chí, mạng xã hội mà đã biến thành hành động cụ thể: kêu gọi phá bỏ các di tích, chứng tích, hiện vật lịch sử. Thật nguy hại thay!

Là các nhà khoa học lịch sử, đương nhiên các tác giả của ý tưởng “hạ giải” tòa nhà Cục Tác chiến thừa biết đây là một di tích lịch sử. Nó phải được đối xử rất khoa học và công bằng với các di tích lịch sử khác, chẳng hạn là với Hoàng thành Thăng Long. Nhân dân trông chờ vào các giải pháp khả thi, sáng tạo, độc đáo của các nhà khoa học lịch sử trong việc bảo tồn, tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử chứ không phải là cách làm trái khoáy như cách họ đề xuất: đập bỏ di tích này để phục dựng di tích khác! “Hạ giải” theo cách nói của các vị, nhưng thử hỏi, với một công trình có kết cấu tường chịu lực, 2 tầng cao, khá dài, không có khung bê tông cốt thép, được xây dựng cách đây hàng trăm năm thì rõ ràng việc di dời dễ bị hư hỏng hoặc sụp đổ. Những người trong ngành kỹ thuật xây dựng đều thấy rất rõ nguy cơ tòa nhà sẽ thành phế tích, thành đống gạch vụn mà không một ông “thần đèn” nào đảm đương nổi. Làm hỏng rồi xây lại hoặc sửa chữa, khôi phục thì không còn đầy đủ giá trị của di tích lịch sử.

Đáng buồn thay cho đề xuất của các nhà khoa học lịch sử hiện tại. Nếu có tâm với lịch sử dân tộc, không một ai lại có ý nghĩ quái đản như vậy! Câu hỏi đặt ra ở đây là “hạ giải” hay hạ bệ lịch sử dân tộc?

  • Từ khóa
157976

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu