Thứ 2, 20/05/2024 22:43:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:25, 17/12/2022 GMT+7

Chiêu bài quen thuộc

H.L
Thứ 7, 17/12/2022 | 09:25:02 1,145 lượt xem
BPO - Ngày 2-12-2022, trong báo cáo thường niên tự do tôn giáo thế giới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại một lần nữa liệt Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo với cáo buộc: “Chính quyền Việt Nam đã sách nhiễu, hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập”. Cụ thể, phía Hoa Kỳ cáo buộc giới chức Việt Nam “bắt giữ và xét xử bốn người của Tịnh thất Bồng Lai - một tổ chức tôn giáo độc lập ở Long An” (!?).


Qua sự việc nêu trên có thể thấy rằng: Chơi với Mỹ, hợp tác làm ăn với Mỹ nhưng đừng quá tin tưởng, ảo vọng về sự thân thiện thực lòng của chính quyền Mỹ! Với bản chất của mình, Mỹ luôn luôn hành động vì lợi ích của chính mình, luôn luôn hành xử vì lợi ích của quốc gia - dân tộc mình! Vì vậy, không đơn thuần mà trong chính sách tôn giáo này, chúng ta dễ dàng nhận thấy các quốc gia chống đối hoặc không thân thiện với Mỹ đều góp mặt! Và, cũng không đơn giản chỉ dừng lại ở việc xếp Việt Nam, lên án Việt Nam không có tự do tôn giáo, cần theo dõi đặc biệt, danh sách này đã gây thiệt hại không nhỏ cho Việt Nam trong các quan hệ kinh tế với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Đây chính là các rào cản về mặt chính trị - điều kiện ràng buộc - trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết với Mỹ và các đồng minh. Điều đó có nghĩa, chỉ khi nào Việt Nam đáp ứng các điều kiện về tự do tôn giáo theo tiêu chí của Mỹ thì các hiệp định, dự án hợp tác kinh tế song phương, đa phương mới suôn sẻ, mới thuận buồm xuôi gió. Vì vậy, chẳng lạ là các tổ chức, thế lực chống phá Việt Nam ở hải ngoại luôn ra sức kêu gào, yêu cầu Chính phủ Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo. Điều này là hiển nhiên, bởi vì “tôn giáo” chính là “ngòi nổ” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà Mỹ và các đồng minh đã, đang thực thi với Việt Nam. Cũng bằng hành động này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hình ảnh, uy tín của Việt Nam ít nhiều đã bị ảnh hưởng, giảm sút trên trường quốc tế và bạn bè thế giới. Việt Nam thiệt đơn, thiệt kép là câu chuyện có thật, rất đáng quan tâm. 

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo (trong hàng ngàn tín ngưỡng thì phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên và tín ngưỡng thờ Mẫu). Đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Hằng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội, gồm 5 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa - thể thao và ngành nghề. Riêng lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, hơn 147.000 chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật giáo 15,1 triệu, Công giáo 7,1 triệu, Cao đài 1,1 triệu, Tin lành 1 triệu, Hồi giáo 80.000, Phật giáo Hòa Hảo 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Ba-La-môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo…). 

Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các tôn giáo được hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Công dân Việt Nam được tự do lựa chọn, quyết định theo hoặc không theo tôn giáo. Điều đặc biệt là ở Việt Nam, các tôn giáo đều đoàn kết, hòa hợp với nhau vì một mục tiêu “sống tốt đời đẹp đạo”, “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”, “dân tộc, đạo pháp và xã hội chủ nghĩa”. Nếu Nhà nước Việt Nam không tôn trọng tự do tôn giáo, cấm đoán các tôn giáo thì thử hỏi, đất nước Việt Nam có bình yên không? Các tôn giáo có yên tâm mà tập trung vào hoạt động của mình không? Hay là ra mặt chống đối chính quyền? Nếu Nhà nước Việt Nam đối xử không công bằng với các tôn giáo thì thử hỏi, các tôn giáo có chung sống hòa bình, hòa hợp nhau không, hay đang xung đột như một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới hiện nay? Việc chúng ta tổ chức thành công Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027 hay xa hơn nữa là tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 16 năm 2019 (Vesak 2019) đã chứng minh cho tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Thật nực cười khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại lấy lý do câu chuyện loạn luân, vi phạm pháp luật tại “Tịnh Thất Bồng Lai” của Lê Tùng Vân để xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo. Chúng ta thường nói vui rằng: Lý do to hơn mục đích là vậy! Câu chuyện Lê Tùng Vân chỉ là nguyên cớ, còn nguyên nhân sâu xa chính là âm mưu và hành động chống phá Việt Nam quyết liệt, tìm mọi cách làm cho Việt Nam suy yếu. “Tịnh Thất Bồng Lai” không phải là một cơ sở tôn giáo hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và Lê Tùng Vân cũng thừa nhận mình không theo một tôn giáo nào. Thế thì, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lấy câu chuyện của “Tịnh Thất Bồng Lai” để xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo là một câu chuyện phi lý, hoang đường. Bởi vì, nó không chính đáng, thiếu thuyết phục. Điều này một lần nữa phản ánh bản chất chống cộng điên cuồng của Mỹ và các nước đồng minh.

Tóm lại, Việt Nam có hay không tự do tôn giáo là câu chuyện nội bộ của Việt Nam, phải do Việt Nam quyết định và trả lời bằng thực tế. Không thể áp đặt tiêu chuẩn của mình cho một quốc gia độc lập, có chủ quyền khác. Lấy tôn giáo để chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động là chiêu bài quen thuộc, không còn mới mẻ trong một thế giới rộng mở hiện nay.

  • Từ khóa
157157

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu