Thứ 2, 20/05/2024 21:14:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:45, 15/12/2022 GMT+7

Quen thói tức tối và hậm hực

Đỗ Thành
Thứ 5, 15/12/2022 | 09:45:55 972 lượt xem
BPO - Ngày nhân quyền quốc tế 10-12 năm nay trên trang facebook của Việt Tân, Chân trời mới Media và một số trang chống cộng ở hải ngoại diễn ra rất sôi động.

Hoạt động copy bài của nhau rồi đăng cho kịp số lượng, thời gian diễn ra khá rầm rộ. Nội dung của những bài viết này không mới, luận điệu quanh đi quẩn lại cũng chỉ là “Việt Nam thế này, Việt Nam thế kia”, rồi đòi tự do cho số mà chúng gọi là nhà báo độc lập, nhà báo tự do, nhà hoạt động nhân quyền… Điểm mới duy nhất là chúng đã bỏ ra chút “chất xám” khi xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam để từ đó nói Việt Nam không xứng đáng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025.

Cụ thể, trên trang Việt Tân và Chân trời mới Media chúng cho rằng, mặc dù Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền thế giới nhưng sự chà đạp một cách có hệ thống về quyền con người vẫn diễn ra thường xuyên trên đất nước này. Sau đó, chúng đưa ra một loạt cáo buộc mơ hồ, không có căn cứ việc Việt Nam vi phạm nhân quyền. Cuối cùng, chúng kết luận Việt Nam tìm mọi cách vào Hội đồng Nhân quyền LHQ để tiếp tục gian dối, che giấu cho những vi phạm nghiêm trọng của họ. Phương hướng chúng đề ra là muốn cùng với người dân và các tổ chức hội, đoàn đẩy mạnh áp lực hơn nữa với Việt Nam trong thời gian tới. Đây không khác gì hành động tức tối, hậm hực, ganh ghét của kẻ tiểu nhân.

Ngày 11-10 vừa qua, tại trụ sở của LHQ, Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam cùng 13 quốc gia khác làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Sự kiện này đã khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và nâng cao, thêm một lần nữa ghi dấu ấn thắng lợi trong lĩnh vực ngoại giao.

Trước thời điểm bỏ phiếu, tổ chức phản động Việt Tân đã liên tục chống phá qua nhiều kênh thông tin, bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, cho rằng Việt Nam không đủ điều kiện, không xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền thế giới. Chúng đồng thanh kêu gọi các quốc gia là thành viên LHQ bác tư cách ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Việt Nam. Không chỉ vậy, nhiều trang cá nhân của các đối tượng chống đối, phản động cũng đồng loạt lên tiếng với thái độ hằn học, xuyên tạc, bôi nhọ vị thế của Việt Nam. Chúng cho rằng Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, do đó không xứng đáng để tham gia vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ. Nhưng tiếc thay, công lý vẫn được thực thi, mọi nỗ lực xuyên tạc, bôi nhọ của chúng đều thất bại.

Việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là kết quả hoàn toàn khách quan, công tâm, phản ánh tính tất yếu của quá trình vận động, kiến tạo và nỗ lực đóng góp của Việt Nam vào công tác bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới. Đặc biệt, đây là một trong 3 nhiệm vụ trụ cột của LHQ. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, củng cố, nâng cao với việc chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và hiện nay là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Điều đó cho thấy những nỗ lực sáng tạo trong tư duy chiến lược, tính hiệu quả của đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta những năm gần đây. Điều này cũng lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh con người, đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đề cao giá trị nhân văn, nhân đạo. Đồng thời, những thành tích đó của Việt Nam cũng giúp truyền tải chính xác, đúng đắn hơn về chủ trương, chính sách và thành tựu trong bảo đảm quyền con người ở nước ta.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán, xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, việc bảo vệ quyền con người luôn được lồng ghép và cụ thể hóa để tổ chức thực hiện. Ngoài ra, quyền con người còn được thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ các quyền của công dân về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được thực hiện nghiêm túc. Quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước về coi trọng, phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh và khẳng định rất rõ.

Với chủ trương, chính sách lấy con người làm trung tâm, những thành tựu của đất nước ta đạt được về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, tín ngưỡng, tôn giáo, quốc phòng, an ninh… đều vì con người, vì nhân dân. Điều này thể hiện rất rõ sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Thực tế đó là minh chứng hùng hồn nhất cho việc bảo đảm quyền con người, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí, vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế và có quan hệ hợp tác tốt đẹp với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đó cũng là lý do giúp quốc gia hình chữ S được các nước tín nhiệm bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Đồng thời, việc Việt Nam luôn tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền đã giúp các nước đánh giá được sự nỗ lực, khả năng đóng góp của chúng ta với tư cách một nước thành viên của tổ chức này.

Cùng với nỗ lực nêu trên, nhiều hoạt động trong công tác thúc đẩy, bảo vệ quyền con người gắn với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực đã được các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức xã hội triển khai, thực hiện hiệu quả. Các tổ chức chính trị từ Trung ương đến địa phương đã kịp thời phối hợp với cơ quan truyền thông giúp cộng đồng quốc tế có thông tin thực tế, tránh ý kiến một chiều, định kiến hoặc thông tin chưa chính xác, đầy đủ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trên mọi mặt đời sống xã hội sau gần 10 năm nhiệm kỳ đầu tiên tại Hội đồng Nhân quyền. Việc lần thứ 2 trúng cử vào tổ chức này càng thể hiện quyết tâm, sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế; sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, Việt Nam chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Bắt đầu từ tháng 1-2023, 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ 3 năm. Những vấn đề ưu tiên của Việt Nam nhằm bảo đảm, thúc đẩy quyền con người đã, đang và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nâng tầm. Nó được kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện thông điệp “tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người” mà Việt Nam đã đưa ra. Vì vậy, việc Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 có ý nghĩa rất quan trọng. Đó chính là lời khẳng định đanh thép, đập tan các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Những lời nói, bài viết mang tính tức tối, hậm hực, ganh ghét của chúng không thể nào phủ nhận được thực tế tình hình nhân quyền tại Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, ủng hộ.

  • Từ khóa
157098

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu