Thứ 2, 20/05/2024 22:43:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:57, 03/12/2022 GMT+7

Những “cái loa” không biết suy nghĩ

Đỗ Thành
Thứ 7, 03/12/2022 | 08:57:50 1,112 lượt xem
BPO - Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 14 diễn ra từ ngày 16 đến 17-11-2022 tại Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác tổ chức, điều hành cũng như các ý kiến chất lượng tham gia thảo luận. Tuy vậy, những kẻ “yêu nước bằng bàn phím” có “tay nhanh hơn não” ở trong nước và số đối tượng có cái nhìn thù địch, chống đối tại hải ngoại thì lại có kiểu suy nghĩ thiển cận, nhược tiểu.

Bất kỳ diễn biến nào về biển Đông cũng trở thành đề tài để các tổ chức, đối tượng phản động khai thác, nhào nặn rồi biến tấu thành các bài viết, tung lên các trang mạng xã hội với những tiêu đề được giật rất kêu để “câu view”. Những hành động của chúng ngoài gây chú ý còn nhằm chia rẽ, tạo sự bất ổn trong nước bằng cách xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề biển đảo. Nội dung của các bài viết này thường quanh quẩn mấy luận điệu xưa cũ như: “Chính phủ Việt Nam nhu nhược, hèn nhát, Cộng sản Việt Nam làm ngơ về Biển Đông”; “Đảng, Nhà nước Việt Nam không có giải pháp mạnh, im lặng vì đã thỏa hiệp với nước ngoài, tổ chức hội thảo khoa học chỉ là cái vỏ bọc để im miệng dân”; “Chính phủ Việt Nam bịt miệng báo chí, Hội thảo lần thứ 14 cũng không giải quyết được vấn đề gì”... 

Từ trước đến nay, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Từ việc lợi dụng các vấn đề chính trị, xã hội trong nước, kể cả nước ngoài. Vì vậy, tình hình biển Đông cũng không phải ngoại lệ, là đề tài béo bở chúng thường sử dụng để xuyên tạc công tác bảo vệ chủ quyền của Đảng và Nhà nước. Từ đó, chúng chia rẽ mối quan hệ mật thiết của Đảng với nhân dân; hạ bệ uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, quan điểm của Việt Nam về biển Đông rất rõ ràng và việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là việc làm mà chúng ta đã thực thi rất hiệu quả thời gian vừa qua. Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rõ Việt Nam là đất nước độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Phần lãnh thổ này bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Mọi hành vi chống lại sự toàn vẹn của Tổ quốc đều bị nghiêm trị trước pháp luật. “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Đó là những ý chí bảo vệ đất nước được cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Quan điểm này thể hiện rõ định hướng chiến lược của Đảng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Việt Nam xác định rõ biển Đông là vấn đề lâu dài, phức tạp, vừa phải bảo vệ được lợi ích của nước mình nhưng cũng phải tôn trọng lợi ích chính đáng của nước khác. Vì vậy, giải quyết vấn đề biển Đông cần tìm kiếm biện pháp hòa bình, tránh xung đột, tuân thủ tối đa luật pháp quốc tế. Thực tiễn lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng các biện pháp hòa bình mỗi khi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển Đông bị xâm phạm. Đó là thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và hội thảo khoa học về biển Đông lần này là một ví dụ.

Biển Đông hiện nay là tâm điểm cạnh tranh, tầm ảnh hưởng của các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là các nước lớn. Vì vậy, nó được xác định ngày càng trở nên quan trọng trong các chính sách đối ngoại của các nước trên thế giới. Biển Đông luôn là vùng biển “nóng” trên bàn cờ chính trị của khu vực trong suốt hơn 2 thập kỷ qua. Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc về vấn đề biển Đông, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). Đây là khẳng định của Việt Nam trước hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế tại Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 14. Tuy nhiên, các đối tượng phản động có vẻ như rất vô cảm, thờ ơ với pháp luật, chỉ biết phát nội dung chống đối như “cái loa” không biết suy nghĩ. Thật nực cười, trong khi Việt Nam lựa chọn giải pháp hòa bình thông qua đối thoại, trên cơ sở luật pháp quốc tế thì những đối tượng phản động lại ra sức kích động người dân, bất chấp luật pháp phải tụ tập, gây rối nhằm làm phức tạp thêm tình hình. 

Hết ra sức xuyên tạc “Việt Nam nhu nhược”, lại đến luận điệu cổ xúy cho việc “bài Trung, thân Mỹ”. Chúng đưa ra đòi hỏi Việt Nam phải bỏ chính sách quốc phòng “4 không” để liên minh quân sự với nước khác nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây là những đòi hỏi rất vô lý và nực cười. Độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa là chủ trương của Việt Nam, trong đó chính sách quốc phòng “4 không” là hiện thực hóa chủ trương này. Lịch sử và thực tế đều cho thấy chính sách quốc phòng “4 không” đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ vững chắc hòa bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Chủ trương “4 không” trong chính sách quốc phòng của Việt Nam đã được công bố rộng rãi ra thế giới và được kiên trì thực hiện nhiều năm qua. Tuy nhiên, “4 không” không đồng nghĩa với tự cô lập. Việt Nam không tham gia liên minh quân sự, không chọn bên, tức là không tự đưa mình vào thế phải hy sinh lợi ích quốc gia, dân tộc để phụ thuộc vào nước này, cũng không tự đối đầu chuốc thêm thù với nước khác. Việt Nam chỉ chọn hòa bình, lẽ phải, công lý, luật pháp quốc tế và sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy với tất cả các nước.

Lịch sử Việt Nam được cả thế giới ghi nhận nhờ tự lực, tự cường với đối sách vừa cứng rắn lại vừa mềm dẻo. Chính bởi đối sách ưu việt đó mà chúng ta đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Khi Tổ quốc lâm nguy, độc lập, chủ quyền bị đe dọa thì kiên quyết đấu tranh bằng nội lực, kết hợp sức mạnh thời đại. Điều đó đã giúp Việt Nam giữ vững độc lập, hòa bình như ngày nay, mang lại sự ổn định chính trị và cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Thế giới đã nhìn nhận rất khách quan, đưa ra nhiều đánh giá cao về chủ trương, quan điểm, cách thức mà Việt Nam đã thực hiện để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và xử lý các quan hệ khác. Không có lý do gì để ta hoài nghi về điều này và càng không có duyên cớ gì phải nghe theo những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động.

  • Từ khóa
156280

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu