Thứ 2, 20/05/2024 21:39:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:13, 30/11/2022 GMT+7

Vạch trần chiêu trò tấn công Phật giáo Việt Nam

Anh Tú
Thứ 4, 30/11/2022 | 09:13:57 2,264 lượt xem
BPO - Trong 2 ngày 28 và 29-11, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Đây là một sự kiện tôn giáo quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của tăng, ni, phật tử cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên, một số “con rối dân chủ” lại đang cố gõ vang những “tiếng mõ nhân quyền” đầy kệch cỡm, thô thiển, phi lý để tấn công nền Phật giáo Việt Nam.

Với chủ đề “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 1.091 đại biểu. Đại hội được tổ chức để tổng kết, đánh giá thành tựu phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) và hoạch định, đề ra phương hướng hoạt động phật sự, nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo của nhiệm kỳ IX (2022-2027).

Tại Việt Nam, Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn, có số lượng tín đồ đông. Phật giáo có truyền thống gắn bó và đồng hành với dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “… Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các hòa thượng, tăng, ni và phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc”. Những năm qua, Phật giáo nước ta đã có sự phát triển đáng ghi nhận và đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự phát triển của Phật giáo nói riêng và của tất cả tôn giáo nói chung là minh chứng tiêu biểu khẳng định quyền tự do tôn giáo của người dân luôn được Đảng, Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm.

Tuy nhiên, với cách nhìn hằn học với Tổ quốc, một số kẻ cố tình “đá thúng, đụng nia”, sẵn sàng xuyên tạc, “đổi trắng thay đen” tất cả mọi thứ để đạt được mục đích chống phá đất nước. Lợi dụng sự kiện Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, các “con buôn dân chủ” đã tung ra nhiều luận điệu hết sức thâm độc. Chúng cho rằng: “Phật giáo Việt Nam đã được “quốc doanh hóa”, không còn là tôn giáo đơn thuần”, “Phật giáo là “công cụ” của Đảng để thâu tóm quần chúng nhân dân”, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động không vì lợi ích của Phật giáo chân chính”, “Phật giáo hiện nay chỉ truyền bá mê tín”…?! Từ những luận điệu nêu trên, các đối tượng xấu đòi xóa bỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đòi tách tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng ra khỏi sự quản lý của Nhà nước, đòi tôn giáo phải được hoạt động “tự do” và ngoài vòng quản lý của pháp luật... Đây là những luận điệu xuyên tạc một cách trắng trợn và không thể chấp nhận được.

Phải khẳng định rõ, sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là kết quả của quá trình vận động lâu dài, bền bỉ, phù hợp với quy luật khách quan và đáp ứng yêu cầu lịch sử đặt ra. Sau hơn 40 năm thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trở nên lớn mạnh, được tổ chức thành 3 cấp hành chính Giáo hội, với 63 đơn vị Phật giáo cấp tỉnh, thành; hàng trăm đơn vị Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 13 ban, viện ở Trung ương; 96 thành viên Hội đồng Chứng minh, 224 Ủy viên Hội đồng Trị sự chính thức và 45 Ủy viên dự khuyết. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã góp phần quy tụ tăng, ni, phật tử trong cả nước thành một khối thống nhất, tạo cơ sở để Phật giáo tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đến nay, cả nước có khoảng 54.973 tăng, ni, gồm: 40.807 Bắc tông, 7.028 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh, 5.384 khất sĩ. Cùng với đó, số lượng tín đồ Phật giáo cũng vô cùng đông đảo, khoảng 60%/99.000.000 dân số.

 Phật giáo Việt Nam không chỉ khẳng định được vị thế của mình trong đời sống tôn giáo dân tộc mà còn có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Phật giáo thế giới. Trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022), Phật giáo Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế. Trong đó có thể kể đến như: tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 3 với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ; đón tiếp và làm việc với các cơ quan quốc tế, các tổ chức Phật giáo của Lào, Vương quốc Campuchia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Sri Lanka, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia, Myanmar, Israel…; tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hòa Bình Đông Nam Á năm 2019 tại Phnom Penh (Campuchia),   hội nghị mở rộng của Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2020 tại Thái Lan…

Những năm qua, Phật giáo Việt Nam đã kiên định phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, “Hộ quốc an dân”. Cùng với hoạt động truyền bá đạo pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến công tác từ thiện, đóng góp cho cộng đồng. Các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, chăm sóc những người yếu thế trong xã hội, hiến máu tình nguyện… đã được tổ chức ở nhiều nơi. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, không ít tăng, ni, phật tử đã tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Nhiệm kỳ VIII, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã huy động được 7.133.000.281.000 đồng (bảy ngàn, một trăm ba mươi ba tỷ, hai trăm tám mươi mốt ngàn đồng) tham gia vào các hoạt động thiện nguyện xã hội.

Đặc biệt, với việc xác định rõ tinh thần hoạt động là phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, phụng sự chúng sinh, Phật giáo Việt Nam luôn răn dạy, hướng dẫn tăng, ni, phật tử và quần chúng chấp hành nghiêm trách nhiệm và bổn phận của công dân đất nước. Thông qua hoạt động của mình, Phật giáo đã có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cùng toàn dân xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, giàu đẹp, văn minh và tiến bộ. Chính sự nhân văn, nhân đạo và tinh thần dân tộc đã tạo nên sức hút của Phật giáo đối với quần chúng nhân dân.

Nếu như một số “nhà dân chủ” luôn rêu rao quan điểm đòi “tự do xuyên biên giới”, “tôn giáo cao hơn chủ quyền dân tộc” thì Phật giáo Việt Nam lại luôn gắn bó chặt chẽ và đồng hành cùng dân tộc. Chính bởi vậy, trong mắt những kẻ núp bóng tôn giáo để chống phá đất nước thì Phật giáo Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng luôn được xác định là “cái gai trong mắt”. Tuy nhiên, “vàng thật thì không sợ lửa”. Dù các “nhà dân chủ” có cố tình bôi đen thì cũng không thể nào phủ nhận được những đóng góp của Phật giáo đối với đất nước.

  • Từ khóa
156091

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu