Thứ 2, 20/05/2024 23:10:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:08, 21/11/2022 GMT+7

Đừng tự lừa mình

Diệp Viên
Thứ 2, 21/11/2022 | 08:08:22 1,523 lượt xem
BPO - Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng hơn 5,3 triệu người sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều năm qua, cộng đồng người Việt ở nhiều nơi trên thế giới đã chuyển từ “an cư” sang “lạc nghiệp” và phát triển, được chính quyền và nhân dân sở tại ghi nhận, đánh giá là một nguồn lực cho sự phát triển. Hằng năm, vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, đông đảo kiều bào trên khắp thế giới lại cùng nhau trở về quê hương vui xuân đón tết, đoàn tụ cùng gia đình, người thân và bằng hữu. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước khuấy lên cái gọi là hòa hợp, hòa giải dân tộc, nhằm mục đích chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Và năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Tuy còn gần 2 tháng nữa mới tới tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhưng những ngày gần đây, trên các trang tiếng Việt của các đài VOA, RFA, BBC, RFI và các trang facebook của những tổ chức phản động, khủng bố đã đồng loạt đăng tải nhiều bài viết với cái nhìn hạn hẹp, định kiến cùng những âm mưu phá hoại.

Chúng đã phủ nhận, quy chụp và xuyên tạc trắng trợn chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Có thể nói, luận điệu chung của các bài viết này là đưa ra những nhận định, quan điểm hồ đồ, phiến diện và lố bịch, như: “Chúng ta cần hòa giải giữa các sắc tộc thiểu số và người Kinh”; “Chúng ta cần hòa giải giữa người Nam và người Bắc”; “Chúng ta cần hòa giải giữa người Công giáo và phần còn lại của dân tộc, nhất là với Phật giáo”; “Chúng ta cần hòa giải giữa cộng đồng người Việt hải ngoại với đất nước”; “vấn đề hòa giải, hòa hợp vẫn còn nhức nhối”… 

Thâm độc hơn, chúng còn lớn tiếng trên các trang mạng xã hội rằng, với “con đường nửa vời”, Đảng và Nhà nước Việt Nam không có thiện chí trong quá trình hòa hợp dân tộc. Từ góc nhìn chụp mũ này, chúng đã đưa ra những bài viết cực đoan để phủ nhận chính sách, pháp luật về hòa giải, hòa hợp dân tộc cũng như luôn nghi ngờ về thiện chí của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Ngụy biện hơn, chúng rêu rao rằng: “Đa số người dân cả trong và ngoài nước đều cho rằng không thể có hòa hợp, hòa giải với chính sách hiện nay của chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”… Để cổ xúy cho luận điệu này, trên một số website hải ngoại, chúng đã “lòi đuôi cáo” rằng, chỉ có chúng mới có thể đưa ra cách hiểu đúng cho hòa giải, hòa hợp dân tộc là: “Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một trong ba lập trường căn bản của tập hợp dân chủ đa nguyên”.

Chưa hết, chúng còn tự huyễn hoặc bằng việc tự cho mình cái quyền “đại diện” cho hàng triệu Việt kiều ở hải ngoại đề ra “phương cách song phương và đơn phương” để tiến hành hòa giải, hòa hợp. Theo chúng, “phương cách song phương” là “đại diện hai bên Việt Nam và Việt Quốc ngồi lại với nhau để cùng giải quyết mâu thuẫn căn bản”. Còn “phương cách đơn phương” là “yêu cầu Đảng và nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay phải “thực tâm, có thiện chí””. Để thực hiện dã tâm này, với thủ đoạn lợi dụng tính chất dễ dàng tìm kiếm, dễ truy cập của internet, chúng đã và đang thường xuyên đăng, phát lại thông tin một cách bừa bãi mà không có và không cần nguồn kiểm chứng nhằm phá hoại, xuyên tạc. Trắng trợn hơn, chúng còn cố tình chỉnh sửa thông tin nhằm mục đích xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình đất nước.

Bằng chứng là ngày 12-11-2022, trên Facebook của Việt Tân và mấy cái loa rách là VOA, RFI, BBC, RFA đã vào hùa với nhau đăng tải bài viết có nội dung: “Mục đích của Nghị quyết 36 là chiêu nạp lại cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhưng cái lấn cấn của họ là họ muốn nhận nhưng vẫn chưa muốn cho. Họ luôn có một phần đa nghi, lo ngại với những người liên hệ tới Việt Nam cộng hòa. Mặc dù 2,5 triệu người Mỹ gốc Việt ở đây cũng chẳng làm gì mà lung lay được hệ thống chính trị ở Việt Nam. Nhưng Chính phủ Việt Nam họ sợ nên họ không dám bước một bước kế tiếp, là ngửa bàn tay của mình ra mà nói rằng “chúng tôi muốn bắt tay với các anh, các chị, các cháu trên tinh thần bình đẳng”. Thay vì như vậy họ chỉ kêu gọi trung thành với đất nước trong khi vẫn đa nghi. Đa nghi như vậy nên về mặt lịch sử, họ mới không nhắc đến Việt Nam cộng hòa nữa. Vì vẫn như thế nên mới có thiệt thòi”.

Xin nói rõ, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được ban hành từ ngày 26-3-2004. Nội dung nghị quyết khẳng định: Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước… Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, đồng thời duy trì quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước… Tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, thân nhân, thờ cúng tổ tiên… Tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn tại về mua nhà ở trong nước, thừa kế, hôn nhân gia đình, nhận con nuôi... liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Dành cho người Việt Nam ở nước ngoài giá dịch vụ như công dân trong nước…

Như vậy, Nghị quyết số 36-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài. Chính việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW nên đến nay cả nước đã thu hút được hơn 400 dự án do kiều bào đầu tư, với vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tầm cỡ khu vực do những doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài về nước thành lập, đã góp phần tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước. Đặc biệt, hiện có nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các cơ chế tư vấn của Chính phủ và 17 kiều bào là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Đây là bằng chứng hùng hồn cho việc Đảng, Nhà nước Việt Nam với truyền thống “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” luôn chủ động hòa hợp, hòa giải dân tộc. Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện với những ai có thực tâm.

Với 2 lần là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã điều hành thành công và có uy tín nhiều phiên họp của tổ chức lớn nhất thế giới, khiến Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã phải thốt lên: “Ngày xưa tôi đi biểu tình chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Nay lại được ngồi nghe người đại diện Việt Nam điều hành phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, thật quá đỗi tự hào. Vậy nên, đã là con cháu Lạc Hồng thì dù ở đâu, làm gì cũng đừng bao giờ tự lừa mình, mà hãy lắng tai nghe cho rõ, mở to mắt nhìn cho kỹ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước hôm nay, rồi từ đó tự hỏi mình đã làm gì cho quê hương, đất nước, để mai sau không hổ thẹn với tiền nhân và hậu thế.

  • Từ khóa
155360

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu