Thứ 2, 20/05/2024 22:25:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:18, 10/11/2022 GMT+7

Trịch thượng và kệch cỡm

Nhật Minh
Thứ 5, 10/11/2022 | 10:18:57 3,252 lượt xem
BPO - Không biết từ bao giờ và với tư cách gì, mà hằng năm nước Mỹ vẫn cho mình cái quyền được phán xét về nhiều vấn đề, trong đó có tình hình dân chủ, nhân quyền cũng như tình trạng lao động cưỡng bức, lao động trẻ em của các quốc gia trên thế giới. Và năm nay cũng vậy, ngày 28-9-2022, Văn phòng Quốc tế vụ (ILAB) của Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo có tên “Danh sách hàng hóa do lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức sản xuất”. Báo cáo này đề cập đến những quốc gia bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đánh bắt thủy hải sản, trong đó có Việt Nam.

Điều đáng nói ở đây là với thái độ kẻ cả cùng cái nhìn cố hữu, đầy tính chủ quan, định kiến và không thiện chí vốn có của Mỹ, người ta dễ nhận thấy trước rằng báo cáo này chẳng có gì mới và cũng không bao giờ chứa đựng sự thật. Bởi lẽ, trong số những quốc gia mà bản báo cáo này đề cập tới chẳng có đất nước hay vùng lãnh thổ nào “cùng hội, cùng thuyền” với Hoa Kỳ, mà tất cả đều là những nước có sự khác biệt về quan điểm chính trị, đường hướng phát triển, thể chế chính trị hoặc có thể tranh chấp ảnh hưởng với Mỹ về kinh tế, chính trị... Và đây là những quốc gia thường được săm soi kỹ và cũng dễ được “ưu tiên” xếp vào hàng có vấn đề về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em. Quốc gia nào bị “đánh giá” nhẹ thì cũng là thực thi không đầy đủ quy định của Công ước quốc tế về lao động, nặng hơn là bị liệt vào diện quốc gia vi phạm về quyền lao động.

Tuy nhiên, tiêu chí để nhìn nhận về quyền lao động dưới lăng kính của Mỹ lại rất mơ hồ, trừu tượng, thiên vị. Thậm chí có những tiêu chí do chính Hoa Kỳ áp đặt để xoáy vào những vấn đề nhạy cảm, những khó khăn, vướng mắc nhất thời về chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi nước. Cụ thể là trong báo cáo dài 116 trang của ILAB năm nay, Việt Nam bị liệt kê có các ngành nghề đang tồn tại tình trạng lao động trẻ em, bao gồm: Sản xuất gạch, hạt điều, cà phê, đánh bắt cá, giày dép, đồ nội thất, da, hạt tiêu, gạo, cao su, mía, chè, dệt may, gỗ, thuốc lá. Riêng ngành dệt may được xem là ngành tồn tại cả 2 tình trạng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. Cũng trong báo cáo này, ngoài Việt Nam còn có một số quốc gia châu Á khác, như Thái Lan, Bangladesh, Myanmar, Campuchia… đều bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em, đặc biệt trong ngành đánh bắt và chế biến thủy hải sản.

Và điều không thể chấp nhận được là ở phần cuối của báo cáo này đã trích đăng nguyên văn ý kiến phát biểu của ông Marty Walsh, Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ rằng: “Hoa Kỳ có trách nhiệm chấm dứt tình trạng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức nghiêm trọng”. Đây chẳng những là giọng của kẻ cả mà còn quá trịch thượng, thiếu tôn trọng quốc gia khác. Trong khi đó, Hoa Kỳ luôn tự cho mình là quốc gia đạt tới đỉnh cao của văn hóa, văn minh. Thế nhưng, lịch sử nhân loại từ xưa tới nay làm gì có văn minh theo lối “cá lớn nuốt cá bé”, cũng chưa hề có kiểu văn minh chèn ép, hay tự cho mình cái quyền đánh giá, phán xét quốc gia này xấu, đất nước kia tốt. Trong khi đó, Công ước quốc tế năm 1966 đã khẳng định: Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

Trên tinh thần đó, tại Điều 1, Luật Trẻ em của Việt Nam quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Và tại Điều 1, Luật Thanh niên ghi rõ: Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Còn trên thế giới, các nước có quy định về độ tuổi thanh niên hoàn toàn không giống nhau. Có nhiều nước quy định thanh niên là người đủ 18 đến 24 tuổi hoặc 15 đến 24 tuổi, một số nước khác lại quy định từ 15 đến 30 tuổi. Cụ thể, tại các quốc gia như Úc, Ấn Độ, Philippines, Brazil, Croatia và Colombia, trẻ vị thành niên được xác định là người dưới tuổi 18. Trong khi đó, ở Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc, trẻ vị thành niên là người dưới 20 tuổi. Như vậy có thể thấy, độ tuổi vị thành niên còn được quy định chưa thống nhất giữa các nước trên thế giới. Tuy nhiên, hầu hết quốc gia trên thế giới đều quy định quyền của người giao kết hợp đồng lao động giản đơn là từ đủ 15 tuổi trở lên.

Ở Việt Nam, Hiến pháp hiện hành quy định cụ thể về vấn đề này tại khoản 3, Điều 35 như sau: Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3, Bộ luật Lao động thì độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động tại Việt Nam là 15 tuổi, trừ một số trường hợp đặc biệt theo luật định. Như vậy, người sử dụng lao động có thể thuê người dưới 15 tuổi (tối thiểu là đủ 13 tuổi) để thực hiện các công việc nhẹ được quy định trong danh mục ban hành bởi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Theo đó, danh mục công việc được sử dụng người từ đủ 13 đến dưới 15 tuổi làm việc đối với các nghề truyền thống: chấm men gốm, cưa vỏ trai, vẽ tranh sơn mài, làm giấy dó, nón lá, se nhang, chấm nón…; các nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren, làm lược sừng, đan lưới vó, làm tranh Đông Hồ, nặn tò he…

Những quy định nêu trên của pháp luật Việt Nam hoàn toàn phù hợp pháp luật quốc tế mà Việt Nam tham gia. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 2 của Công ước quốc tế về tuổi lao động tối thiểu năm 1973, quy định: … những quốc gia thành viên mà nền kinh tế và các điều kiện giáo dục còn kém phát triển thì sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức của người sử dụng lao động và của người lao động có liên quan có thể xác định mức tuổi lao động tối thiểu là 14 tuổi trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là quy định chung đối với lao động phổ thông và những công việc đơn giản, nhẹ nhàng. Còn đối với diễn viên múa ba lê, hát, xiếc, điện ảnh, sân khấu, tuồng, chèo, cải lương… là những công việc đòi hỏi phải có năng khiếu và tài năng thì không quốc gia nào áp dụng độ tuổi. Vì như vậy sẽ không thể đào tạo được một diễn viên múa giỏi.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, năm 2020 có 160 triệu trẻ em tham gia lao động (hơn một nửa trong số đó ở độ tuổi từ 5 đến 11) và 79 triệu trẻ em đang làm những công việc nguy hiểm. Ngày 15-5-2022, tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xóa bỏ lao động trẻ em được tổ chức tại thành phố Durban, Cộng hòa Nam Phi, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder đã khẳng định: Trong liên minh toàn cầu của các chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và tổ chức quốc tế nhằm chống lại lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, Việt Nam tham gia với tư cách là 1 trong 26 quốc gia tiên phong. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang chung tay và tình nguyện thực hiện một nỗ lực đặc biệt nhằm xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em. Vì thế, những thông tin mà Bộ Lao động Mỹ đưa ra nêu trên chẳng những là đánh giá phiến diện, sai sự thật, thiếu thiện chí, không khách quan với giọng điệu trịch thượng, kẻ cả mà còn quá kệch cỡm.

  • Từ khóa
154717

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu