Thứ 2, 03/06/2024 08:39:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:14, 10/08/2022 GMT+7

Dã tâm của những kẻ chống phá

Thảo Linh
Thứ 4, 10/08/2022 | 10:14:00 2,477 lượt xem
BPO - Mấy ngày qua, việc 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hỏa đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu con tim Việt Nam. Dù lực lượng chức năng đã phân luồng khu vực bên ngoài cổng nhà tang lễ nhưng bên cạnh thân nhân, đồng đội thì rất nhiều người dân thủ đô, đặc biệt là những người trẻ đã bày tỏ sự cảm phục về tinh thần quả cảm, sự hy sinh anh dũng của 3 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân(CAND). Nhiều người tay cầm hoa, mắt rưng rưng lặng lẽ cúi đầu tiễn biệt các liệt sĩ. Điều đó cho thấy mức độ tác động, lan tỏa mạnh mẽ từ những hành động “Vì nước quên thân, vì dân quên mình” của các chiến sĩ CAND Việt Nam.

Trong niềm xúc động trào dâng, nhiều văn, nghệ sĩ đã nhanh chóng có những tác phẩm nghệ thuật ngợi ca sự hy sinh anh dũng ấy. Đó là những bài hát, bài thơ, bài báo, bức họa, cụm tượng đài… ngợi ca sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ. Và trong dòng cảm xúc ấy, ngày 4-8 vừa qua, trang BBC tiếng Việt cũng có bài: “Ba chiến sĩ cứu hỏa hy sinh, dân Hà Nội đặt hoa tại tượng đài cảnh sát”. 

Thoạt nghe tít bài, nhiều bạn đọc sẽ hài lòng vì rốt cuộc, một trang tin chống cộng cực đoan như BBC cũng không thể thờ ơ, vô cảm trước sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ CAND Việt Nam và đã có một bài viết tử tế về sự kiện này. Nhưng bạn đọc đã lầm. Bản chất chống phá của BBC không hề thay đổi. Và bài viết về sự kiện này lại vẫn chỉ là trò “mượn đầu heo nấu cháo” hay “treo dê bán chó” mà trang tin này vẫn áp dụng lâu nay mà thôi. Cụ thể là thông qua việc 3 chiến sĩ cứu hỏa hy sinh, BBC đưa tin “Dân Hà Nội đặt hoa tại tượng đài cảnh sát” là để làm một cái gạch nối có vẻ hợp lý để chê bai việc dựng tượng đài vinh danh các chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy. Nhưng họ chê bai điều gì vậy? Họ chê nhóm tượng đài vinh danh các chiến sĩ CAND phòng cháy, chữa cháy là xấu xí, là chỉ mang tính tuyên truyền chứ không mang tính thẩm mỹ… Thậm chí họ còn rút tít “Kinh phí xây dựng tượng đài không được công bố”! Thử hỏi, giữa lúc thân nhân liệt sĩ, đồng đội và hàng triệu người dân tỏ lòng khâm phục, tiếc thương mà họ lại “luận bàn” về những điều bất nhã đến thế thì bạn đọc mong chờ gì một tấm lòng, một sự tri ân ở người viết và cái trang tin đã sử dụng bài viết này!

Trước đó, ngày 17-7-2022, cũng trang BBC tiếng Việt có bài “Hà Nội: Ý tưởng cạn cho một chủ đề lớn” của Nhật Lam - một cây bút chống cộng cực đoan của làng dân chủ Việt. Không biết Nhật Lam học chuyên ngành gì, có hiểu biết gì về hội họa, điêu khắc hay không, nhưng lại mượn lời nghệ sĩ này, nhà phê bình kia để chê bai nhóm tượng đài là “không tinh tế”, là “lạc điệu”, là “sao chép nguyên bản hiện thực”… Và không chỉ có một bài, trang tin này đã thực hiện một seri bài đả kích việc xây dựng tượng đài vinh danh các chiến sĩ cảnh sát nhân dân. 

Ngày 25-7-2022, BBC có bài “Tượng đài Cảnh sát Nhân dân Việt Nam sẽ mở lối cho trào lưu dựng tượng đài ngành?”, vẫn của tác giả Nhật Lam. Bài viết chỉ là những lời chỉ trích, chê bai về tính thẩm mỹ của cụm tượng đài, về ý tưởng nông cạn, hời hợt của nhóm tác giả dựng tượng đài và cho rằng, ngành cảnh sát dựng tượng đài được thì ngành khác cũng làm được! Bài viết có đoạn: Tượng đài Cảnh sát nhân dân không chỉ khiến công chúng bất bình khi kinh tế - xã hội Việt Nam đang như đã biết mà chính phủ vẫn phung phí bạc tỷ để kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND. Tác giả bài viết còn dẫn lời một “điêu khắc gia ẩn danh” rằng: Tượng đài Cảnh sát Nhân dân không đáng để ông quan tâm và đã đến mức độ không ai còn muốn bàn luận và nhìn nhận nữa!

Tương tự, ngày 21-7, trang VOA tiếng Việt có bài: “Từ chuyện Tượng Đài Cảnh Sát Nhân Dân”. Nhưng bài viết này lại sử dụng thứ ngôn ngữ thô thiển, tầm thường, thể hiện phông văn hóa thấp kém, thái độ hằn học của người viết và sử dụng nó. Bài viết dẫn lời tác giả Phương Nguyên nào đó, rằng: “Đây là phong cách nặn tò he đương đại, kết hợp với tả thực xã hội chủ nghĩa”. Thậm chí tác giả bài viết không thèm che giấu sự xách mé, xỏ xiên: “Các anh các chị lúc bé nghèo khó, nhìn cái ông nặn tò he ở Bờ Hồ hay công viên Lê Nin mà có tiền mua đâu, thèm rỏ rãi ra. Nay mỗi lần đi hội chợ hay lễ hội mà có tò he, toàn bắt con ra mua để thưởng thức. Giờ nhà nước làm hẳn cái tượng đài phong cách tò he để các anh chị ngắm, mà các anh chị lại chê, thế là sao”! 

Tóm lại, dù rút tít bài viết thế nào, dù thể hiện dưới hình thức nào thì các trang tin chống cộng như BBC, VOA, RFA, RFI, Việt Tân… cũng không thay đổi bản chất, thay đổi dã tâm chống phá Việt Nam.  

Trở lại sự kiện 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, dù là thời chiến hay thời bình, người chiến sĩ CAND luôn chấp nhận gian khổ, hy sinh, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân mà không một chút đắn đo, chần chừ. Đó có thể gọi là gì nếu không phải là lòng yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng hy sinh của các anh? Và sự hy sinh cao cả ấy đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Chính lý tưởng sẵn sàng hiến dâng của các anh đã được các thế hệ thanh niên Việt Nam kế thừa, tiếp nối. Và chính sự hy sinh cao cả của các anh đã tạc nên tượng đài vĩnh hằng trong lòng người dân Việt Nam, chứ không phải những cụm tượng đài cụ thể, được xây dựng bằng xi măng cốt thép ngoài trời mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để ngày đêm công kích, chống phá trên mạng xã hội kia đâu!

  • Từ khóa
148375

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu