Thứ 6, 19/04/2024 10:06:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:40, 14/07/2022 GMT+7

“Dốt hay nói chữ”

Diệp Viên
Thứ 5, 14/07/2022 | 08:40:39 4,926 lượt xem
BPO - Trong từ điển thành ngữ Việt Nam có câu: “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Câu này có nghĩa là những kẻ xấu bụng thì hay khoe tốt cho mình, người dốt lại hay mượn lời của thánh hiền nói để lòe người ta. Những người xấu xí, có khuyết tật thì lại hay cố tỏ ra mình tốt đẹp, có ưu điểm. Còn những kẻ dốt nát, kém cỏi lại hay khoe khoang mình giỏi giang, thông minh; bất tài nhưng lại hay khoe khoang, khoác lác, phô trương. Và để khuyên răn những ai đã xấu lại hay làm tốt, đã dốt lại hay nói chữ, ông bà xưa có câu: “Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”. Câu nói này có ý nghĩa là thà rằng chấp nhận mình chẳng biết gì còn hơn biết lơ mơ, không rõ ràng, không sâu sắc, vòng vo, nói cho qua, cho có, tỏ ra mình thấu đáo, cặn kẽ mọi chuyện nhưng thật sự vẫn là “ếch ngồi đáy giếng”, có tầm hiểu biết nông cạn mà kiêu ngạo, ra vẻ ta đây.

Hai câu thành ngữ nêu trên mang tính giáo dục và phê phán sâu sắc. Thế nhưng dốt hay sính chữ không chỉ là chuyện của ngày xưa. Thời nay, vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân hượm mình như vậy và Việt Tân cùng những kẻ vong nô của nó là ví dụ điển hình. Cụ thể là ngày 30-6-2022, trên trang Facebook của tổ chức khủng bố này có đăng bài viết của kẻ có tên là Lê Vĩnh, với tựa đề: “Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam thi nhau nổ”. Nội dung bài viết này có đoạn: Trong những năm qua, các giới chức thuộc hàng lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã có nhiều lời nói “có cánh” về tương lai sáng lạn của nước Việt Nam cộng sản… Ông Nguyễn Xuân Phúc, khi còn là thủ tướng, đã nói trước quốc hội ngày 11-11-2018 rằng, ông “tin tưởng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 18.000 USD vào năm 2045, quy mô GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD”. Còn Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thì nói rằng, “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao”.

Sau khi dẫn chứng lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tác giả bài viết này đã bày ra cho bạn đọc biết rõ sự dốt đặc của mình đối với kiến thức về kinh tế học. Đã vậy, y lại còn lố bịch và lộng ngôn rằng “hãy kiểm nghiệm sự khả tín trong những tuyên bố trên xem như thế nào?”. Và ngay sau đó, y đã viết: Theo “Quy tắc 70” trong kinh tế học thì nếu một đại lượng nào đó tăng với tốc độ X%/năm thì sau khoảng thời gian là 70/X năm giá trị của đại lượng đó sẽ tăng lên gấp đôi. Với GDP của Việt Nam năm 2020 là 271.2 tỷ USD - tức bình quân đầu người là 2,785.72 USD. Trong điều kiện lý tưởng, nếu Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7% trong 20 năm liên tiếp thì GDP của VN sẽ là 542,4 tỷ USD. Nếu dân số vẫn luôn là 100 triệu thì GDP tính trên đầu người của 2040 sẽ là 10.848 USD. Tóm lại, theo tính toán rất lạc quan như trên, so với tuyên bố của quý vị lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam như đã nêu ở đầu bài thì rõ ràng quý vị ấy đã “nổ” quá mức, không thực tế!

Tăng trưởng kép là một thuật ngữ kinh tế vĩ mô được sử dụng rất phổ biến trong những năm gần đây và được áp dụng cho tất cả các loại ngành và bất kỳ thứ gì có giá trị. Việc hiểu cũng như tính toán được tăng trưởng kép sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp trong quản lý đầu tư. Theo đó, tăng trưởng kép là khái niệm dùng để chỉ sự tăng trưởng được tích lũy trong một thời gian dài, giống như sự gia tăng của một khoản tiền được hưởng lãi kép. Nói cách khác, tăng trưởng kép là tốc độ tăng trưởng trung bình của một khoản đầu tư trong khoảng thời gian nhiều năm. Và các nhà toán học đã tìm ra công thức để tính toán giá trị của khoản đầu tư đã thay đổi như thế nào trong một khoảng thời gian cụ thể và gọi đó là quy tắc 70. Theo quy tắc này, nếu một đại lượng nào đó tăng với tốc độ X%/năm thì sau khoảng thời gian là 70 năm/X% thì giá trị của đại lượng đó sẽ tăng lên gấp đôi hay còn gọi là tăng trưởng kép. Và nếu quốc gia nào có được tăng trưởng kép thì sự khác biệt nhỏ trong tốc độ tăng trưởng của nước đó sẽ dẫn tới sự khác biệt rất lớn trong thu nhập và mức sống của họ sau một thời gian dài.

Ví dụ, nếu một nền kinh tế của quốc gia nào đó tăng trưởng 1% mỗi năm thì quốc gia này sẽ phải mất 70/1 = 70 năm để kích thước của nền kinh tế đó tăng gấp đôi. Nếu một nền kinh tế có tăng trưởng 2% mỗi năm thì sẽ mất 70/2 = 35 năm để nền kinh tế đó tăng gấp đôi. Nếu một nền kinh tế tăng trưởng 7% mỗi năm thì sẽ mất 70/7 = 10 năm để tổng giá trị của nền kinh tế đó tăng gấp đôi... Cụ thể, năm 2020, GDP của Việt Nam là 271,2 tỷ USD và nếu đạt tốc độ tăng trưởng 7%/năm thì chỉ cần 10 năm GDP của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, vậy mà Việt Tân lại nói là phải mất “20 năm liên tục” thì Việt Nam mới đạt GDP tăng gấp đôi? Chưa hết, không biết Việt Tân sử dụng số liệu từ đâu mà năm 2020, GDP của Việt Nam chỉ là 271,2 tỷ USD? Trong khi đó, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, thì GDP danh nghĩa năm 2021 của Việt Nam là 368 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng hằng năm như nêu trên thì đến năm 2030, GDP của Việt Nam sẽ là 738 tỷ USD và đến năm 2040 sẽ là 1.476 tỷ USD, tức là với dân số 100 triệu thì thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 14.760 USD/người/năm.

Căn cứ vào tình hình thực tế tại Việt Nam trong những năm qua, IMF đã đưa ra dự báo là đến năm 2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP 571,1 tỷ USD, xếp sau Indonesia là 1.628,9 tỷ USD và Thái Lan với 632,4 tỷ USD, vượt qua Malaysia là 556,2 tỷ USD, Philippines 523,5 tỷ USD, Singapore 496,8 tỷ USD. Như vậy, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: “Phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao”, là việc chắc chắn chúng ta sẽ sớm đạt và vượt. Bởi lẽ, với thu nhập bình quân đầu người như đã phân tích ở trên, thì đến năm 2040, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng quốc gia có mức thu nhập cao theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới là 12.696 USD/năm.

Đã từ nhiều thập kỷ nay, người dân Việt Nam biết rõ Việt Tân là công cụ đắc lực, là tên lính xung kích trong “chiến tranh phá hoại nhiều mặt” và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam. Để thực hiện âm mưu đen tối này, chúng không từ bất cứ thủ đoạn bỉ ổi nào. Xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, bới móc, nói xấu, bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác, lan truyền thông tin sai sự thật, kích động gây bất ổn xã hội… là căn bệnh kinh niên của tổ chức khủng bố này. Vẫn biết rằng tha phương thì phải kiếm kế cầu thực, nhưng xin đừng ai đã dốt nát, mù tịt không biết gì mà lại còn kiếm sống bằng nghề của Việt Tân. Vì ở đời thà dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng, đần độn mà thật thà còn hơn đã dốt lại hợm hĩnh thì không ai có thể chấp nhận.

  • Từ khóa
146455

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu