Thứ 2, 20/05/2024 22:25:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:08, 22/04/2022 GMT+7

“Ếch ngồi đáy giếng”

Đỗ Thành
Thứ 6, 22/04/2022 | 10:08:55 1,373 lượt xem
BPO - 752 trang là báo cáo về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2021 của Human Rights Watch (HRW), trong đó có 10 trang dành cho Việt Nam. Vẫn là những thông tin sai lệch, thiếu thiện chí, những nhận xét phiến diện lặp đi lặp lại bởi những “con ếch ngồi đáy giếng” thiếu thông tin, thiếu hiểu biết nhưng thích phán xét.

“Đã ngu còn thâm độc”, HRW tiếp tục đưa thông tin sai lệch, vu cáo Việt Nam đàn áp, vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân. Họ phán như thật rằng “tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam vẫn tiếp tục xảy ra, một số hoạt động tự do, tín ngưỡng của người dân bị hạn chế, cấm đoán. Một bộ phận nhỏ chức sắc, tín đồ của một số tôn giáo không được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó chúng rêu rao Việt Nam không có tự do tôn giáo, Nhà nước Việt Nam xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Giáo hội”. “Theo đóm ăn tàn”, lợi dụng một số hoạt động tôn giáo vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đã bị các cơ quan chức năng xử lý, các đối tượng chống phá ở hải ngoại như Thanh Thanh, Huy Đức… thường xuyên “đăng đàn khóc mướn”, xuyên tạc và đòi yêu sách. Té nước theo mưa, một số “loa bẩn” có trụ sở ở nước ngoài như VOA tiếng Việt, RFA, RFI… đều đồng loạt “phun ra” thông tin bịa đặt trắng trợn, phản ánh sai lệch, thiếu khách quan, xuyên tạc thực tế tự do tín ngưỡng ở Việt Nam.

Trước tiên, ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, quyền tự do tôn giáo đều phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật chứ không thể có sự tự do vô chính phủ, vô nguyên tắc và dĩ nhiên ở Việt Nam cũng vậy. Điểm lại những điều luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một số nước phát triển để thấy rằng sự tự do đó vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp. Chúng ta chỉ lấy ví dụ điển hình ở một quốc gia được coi là tự do nhất, đó là Hoa Kỳ. Xứ sở được coi là thiên đường của tự do thì hoạt động của các tổ chức tôn giáo được quản lý theo luật pháp các bang. Luật pháp liên bang là quy định chung, các bang căn cứ vào đó quy định cụ thể hơn. Ở đó, chính quyền các bang, liên bang trực tiếp giám sát các hoạt động tôn giáo trên địa bàn mình quản lý.

Chính quyền là nơi cấp phép cho tôn giáo hoạt động. Không có giấy phép mà hoạt động tôn giáo thì coi như vi phạm luật pháp. Đó là một trong những ví dụ điển hình về hoạt động tự do tín ngưỡng nhưng phải tuân theo luật pháp của xứ sở cờ hoa. Điều đó cho thấy, bất kỳ hoạt động gì diễn ra ở bất cứ đâu trên thế giới đều phải tuân thủ luật pháp nước sở tại. Pháp luật là tối thượng, là cao nhất thì tự do tín ngưỡng cũng phải chịu sự quản lý của nó, đó là điều bình thường.

Phật giáo là tôn giáo du nhập sớm nhất vào nước ta từ những năm đầu Công nguyên. Cho đến nay, Việt Nam đã có hơn 7 tôn giáo lớn, nhỏ được công nhận. Đồng bào các tôn giáo luôn gắn bó máu thịt, là một bộ phận không thể tách rời khỏi dân tộc Việt Nam. Chính vì lẽ đó, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước luôn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng. Điều đó được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013: “Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Trên cơ sở đó, ngày 18-11-2016, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV thông qua. Đây là sự cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 để hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân đều phải dựa trên cơ sở pháp luật.

Phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ta hiện nay rất đa dạng và phong phú. Việt Nam đã có nhiều tổ chức và mô hình tôn giáo với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Trong tiến trình phát triển của đất nước và xã hội, các tôn giáo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Chức sắc, chức việc, tín đồ đều được tạo mọi điều kiện sinh hoạt, thực hành các nghi lễ tôn giáo một cách tự do, thoải mái nhất. Họ được biểu hiện đức tin, được tạo điều kiện tốt nhất để mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự, phát triển quan hệ giao lưu quốc tế. Theo thống kê, trong tổng số 97 triệu người Việt Nam hiện có khoảng 25,1 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, trên 55.700 chức sắc, 140.000 chức việc. Các tổ chức tôn giáo ra đời hay du nhập vào Việt Nam được cấp phép hoạt động là minh chứng sinh động nhất về sự quan tâm đến hoạt động tự do, tín ngưỡng của Nhà nước ta. Ngoài ra, điều đó khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không. Các tôn giáo ở Việt Nam hoàn toàn bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật. Không có chuyện Nhà nước, chính quyền kỳ thị, phân biệt giữa tôn giáo có từ lâu đời với tôn giáo mới thành lập, tôn giáo phát triển nội sinh hay tôn giáo du nhập vào. Từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về vấn đề tôn giáo, tự do tín ngưỡng nên các tín đồ theo đạo từ đó luôn đồng thuận. Nhận thức của họ về chính sách pháp luật đối với tự do tín ngưỡng là đúng đắn, phù hợp, tạo điều kiện thoải mái nhất để hoạt động.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều hoạt động tín ngưỡng chưa được cấp phép, hoạt động chui mang tính chất tà đạo. Có thể điểm qua một vài cái tên như Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ, Tân thiên địa... Đó là những điển hình các tổ chức tà giáo mang danh nghĩa Tin lành truyền vào Việt Nam. Các tổ chức tôn giáo trá hình này đa phần vi phạm pháp luật, trái với truyền thống, văn hóa Việt Nam. Thậm chí có tổ chức hoạt động lén lút, mang tính chất mê tín dị đoan, có dấu hiệu trục lợi cho cá nhân sáng lập. Những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật đó ít nhiều cũng gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và để lại hậu quả nặng nề cho người tham gia. Những hoạt động đó đều bị pháp luật Việt Nam xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

Đất nước đang hội nhập, phát triển sâu rộng trên trường quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp nhiều nỗ lực, là thành viên có trách nhiệm, được tín nhiệm của nhiều tổ chức và cộng đồng quốc tế. Thông qua các diễn đàn khu vực, quốc tế, song phương, đa phương, Việt Nam luôn khẳng định đường lối nhất quán và tình hình thực tế về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở đất nước mình, được bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ. Việc HRW mang danh nghĩa tổ chức phi chính phủ “nói quàng nói xiên” về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam là điều hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và tính thuyết phục. Đàn áp tôn giáo chỉ xảy ra ở đâu đó chứ không phải Việt Nam. Những luận điệu theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng”, năm nào cũng lặp đi lặp lại một cách nhàm chán không phản ánh đúng tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Báo cáo của HRW nếu có dài thêm nữa cũng chỉ là “mưu hèn kế bẩn” của những kẻ chuyên đi chống phá.

  • Từ khóa
140633

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu