Thứ 2, 20/05/2024 21:14:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 15:18, 21/04/2022 GMT+7

Đừng “rút gạch chân tường”

H.L
Thứ 5, 21/04/2022 | 15:18:44 1,371 lượt xem
BPO - Tri thức là ngọn đuốc sáng soi đường, đưa nhân loại vượt qua những đêm trường tăm tối để tiến tới nền văn minh. Sự học là vô bờ, biển học là mênh mông, có thể nói học cả đời vẫn chưa đủ. Ấy vậy mà có những kẻ được ăn học đàng hoàng, ít nhiều có địa vị trong xã hội đã và đang rêu rao, cổ xúy cho trào lưu “thất học”.

Họ ngang nhiên hạ thấp, thậm chí yêu sách đòi bỏ câu nói nổi tiếng của lãnh tụ thiên tài Lênin trong sách giáo khoa và nhà trường, bởi vì theo họ là sai, là không còn phù hợp trong thời đại ngày nay (?!). Trên nền tảng mạng xã hội Facebook, họ vênh váo dạy đời, cho rằng “Đã đến lúc ngành Dục nên loại bỏ câu “Học, học nữa, học mãi” của lão Nin hói ra khỏi SGK học đường được rồi đấy. Đau lòng”. Ở đây, người viết xin lạm bàn về những sai trái trong lời kêu gọi trên: thứ nhất là xấc xược, thứ hai là ấu trĩ. 

Trước hết nói về sự xấc xược. Đọc từ “ngành Dục”, làm người ta liên tưởng ngay đến chủ nhân của nó, người đã thốt lên câu nói nêu trên. Ngành dục là ngành gì? Trong kho tàng tiếng Việt không có từ đó, nó hoàn toàn vô nghĩa. “Dục” trong từ “ngành Dục” dễ làm người ta liên tưởng đến tính dục, sắc dục hoặc là thúc dục. Vì vậy, một con người nếu có ăn học đàng hoàng sẽ không sử dụng những từ vô nghĩa hay nghĩa không trong sáng như vậy khi đăng trên Facebook cá nhân chính thức của mình. Một khi đã công khai bày tỏ “chính kiến” trên mạng xã hội thì bản thân anh ta đã vô tình để lộ bản chất thất học, vô giáo dục của mình. Còn nếu miễn cưỡng để hiểu “ngành Dục” là chỉ ngành giáo dục thì anh ta lại là con người vô cùng xấc xược, hỗn hào. Nghề giáo là nghề cao quý, thầy giáo là người có địa vị cực cao trong xã hội, được cả xã hội tôn trọng. Trong xã hội phong kiến, thầy giáo chỉ xếp sau vua và xếp trên cha mẹ (quân - sư - phụ). Ngày nay, Đảng ta khẳng định “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển”. Trong dòng trạng thái nêu trên, việc cố tình cắt chữ, chơi chữ không làm họ sang hơn, hiện đại hơn, trí thức hơn mà trái lại càng làm lộ rõ bản chất thất phu, vô học của mình.

Thứ đến là cụm từ “lão Nin hói”. Lênin là ai mà có thể xúc phạm, giễu cợt như vậy? Câu trả lời chắc đứa trẻ lớp 1 cũng thuộc làu làu. Lênin là lãnh tụ thiên tài của phong trào cộng sản và giai cấp công nhân thế giới. Người đã lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đưa nhân dân cần lao, bị áp bức, bóc lột trở thành người làm chủ xã hội, làm chủ cuộc sống và vận mệnh của chính mình. Lênin là người đã đưa nhân loại - chí ít cũng là nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và giai cấp cần lao trên thế giới chiến thắng chủ nghĩa phát xít, trở về đúng với vị trí mà tạo hóa đã ban cho mình - con người, được làm người với nguyên vẹn ý nghĩa thiêng liêng của nó. Lênin là một CON NGƯỜI không chỉ được những người cộng sản chân chính, được giai cấp công nhân toàn thế giới ngưỡng mộ, tôn thờ mà ngay đến kẻ thù của Người cũng phải ngả mũ thán phục. Vậy mà, lấy tư cách gì họ lại cho mình cái quyền được xấc xược, hỗn hào với Người? Không có tư cách gì cả, ngoại trừ sự vô học. 

Thứ hai, chính là sự ấu trĩ về mặt nhận thức. Không biết trong đầu họ còn não bộ hay không khi đòi loại bỏ câu “Học, học nữa, học mãi” ra khỏi sách giáo khoa và nhà trường? Trí tuệ, như đã nói ở trên, chính là kim chỉ nam soi đường, chỉ lối cho con người, là ngọn hải đăng trong đêm tối giữa biển cả mênh mông, mà nhờ có nó, người thuyền trưởng mới biết phương hướng để đưa con thuyền vượt đại dương đến nơi cần đến. Chính vì lẽ đó, V.I.Lênin mới khẳng định trí thức chính là “niềm tự hào vĩ đại của nhân loại”. Người khuyên chúng ta “học, học nữa, học mãi”. Đứng trước bể học, không ai có thể xưng tên cho rằng mình là giỏi, là đã học hết chữ của nhân gian. Cha ông ta từng nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” hay “có học có khôn”. Nhà bác học lừng danh Charles Robert Darwin cũng từng nói “bác học không có nghĩa là ngừng học”. Cuộc sống muôn màu như một vườn địa đàng mà chỉ có sự học mới là chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa vào vườn địa đàng đó. Thành công là điều mà bất cứ ai cũng mong muốn và trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Nếu không chịu khó học hỏi, tìm tòi thì sớm muộn con người sẽ thoái bộ, kiến thức sẽ mai một dần, đến một lúc nào đó thì như “ngọn đèn trước gió”. Chính vì lẽ đó, Lênin mới khuyên chúng ta “học, học nữa, học mãi” - tức là không cho phép mình tự kiêu, tự mãn, cho rằng mình đã tài giỏi, đã có đầy một bụng chữ nghĩa, đủ để làm thầy thiên hạ, đủ để sống khỏe, sống tốt trong cuộc đời này. Nhà bác học thiên tài Albert Einstein đã chỉ rõ: Đứng yên là tương đối và chuyển động mới là tuyệt đối. Ngày hôm nay là hiện đại, là giỏi nhưng ngày mai thì không ai dám chắc, bởi vì, hôm nay chính là quá khứ của ngày mai, cái hay, cái giỏi của hôm nay vì vậy cũng chỉ là dĩ vãng, quá khứ. 

Câu tục ngữ “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” chỉ kiến thức phải được tích lũy dần dần theo năm tháng, cũng hàm ý khuyên răn chúng ta hãy học mọi lúc, mọi nơi, học cả đời. Bác Hồ kính yêu cũng từng nói “học ở sách vở, học ở nhân dân”. Đảng ta chủ trương “xây dựng xã hội học tập” và khẳng định “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Ngày xưa, khi chúng ta mới giành được độc lập, Bác Hồ đã chỉ rõ “giặc dốt” cũng nguy hiểm như giặc ngoại xâm. Vì vậy, Người đã phát động phong trào bình dân học vụ, khuyến khích toàn dân học tập để diệt giặc dốt. Nhờ đó, chúng ta, từ hơn 95% dân số mù chữ đã tiến tới thanh toán được giặc dốt. Đây chính là động lực to lớn để chúng ta tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm chỗ dựa, hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh giặc, diệt thù, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Ngày nay, với quan điểm coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, Việt Nam đã bước lên vũ đài quốc tế, không hề kém cạnh về tri thức, từng bước đuổi kịp công nghệ và là thị trường cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nền kinh tế phát triển. Nếu không “học, học nữa, học mãi” thì thử hỏi Việt Nam có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” như ngày nay hay không?

Từ cổ chí kim, dân tộc Việt Nam đã có rất nhiều tấm gương sáng: Đó là Mạc Đĩnh Chi dùng đèn đom đóm để học; đó là Nguyễn Ngọc Ký bị khuyết 2 tay nhưng vẫn nỗ lực chinh phục tri thức bằng đôi chân của mình; đó là ông Nguyễn Văn Tấn (SN 1950) vẫn là sinh viên Trường đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, miệt mài dùi mài kinh sử; hay như cụ Cao Nhất Linh dù đã ở tuổi 85 nhưng hằng ngày vẫn đạp xe tới giảng đường đại học để mở mang tri thức cho mình. Rất nhiều trẻ em vùng cao dù cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc song vẫn kiên trì ngày 2 buổi tới trường để học chữ. Và rất nhiều tấm gương thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn ở vùng biên viễn để ngày ngày “cõng” con chữ đến với trẻ em bản làng. Ước mơ của họ là gì nếu không phải là niềm đam mê cháy bỏng biến chủ trương xã hội học tập của Đảng ta thành hiện thực?

Khi nói về vai trò, ý nghĩa to lớn của tri thức, Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi - Nelson Mandela từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Bill Gates - Chủ tịch tập đoàn phần mềm khổng lồ Microsoft cũng cho rằng: “Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, học trong cuộc sống là công việc cả đời”. Vì vậy, hô hào, kêu gọi loại bỏ câu nói “Học, học nữa, học mãi” của Lênin ra khỏi học đường, ra khỏi sách giáo khoa chính là một tư duy ấu trĩ, thiển cận, là hành động “rút gạch chân tường” không hơn không kém.

  • Từ khóa
140602

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu