Thứ 2, 20/05/2024 20:31:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:22, 20/04/2022 GMT+7

“Có mắt như mù”

Đỗ Thành
Thứ 4, 20/04/2022 | 10:22:49 1,017 lượt xem
BPO - Theo báo điện tử Đảng Cộng sản, trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt kỷ lục mới với tổng giá trị đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Xuất siêu với thặng dư thương mại khoảng 4 tỷ USD, chỉ số giá tiêu dùng ở mức 1,84%, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng dương được giữ ở mức 2,58%. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2%. Đó là những con số ấn tượng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19.


Thế nhưng, vẫn với sự ngoan cố phủ nhận, sự hằn học về những thành tích kinh tế mà Đảng, Chính phủ đã đạt được, nhiều bài viết vẫn được một số trang mạng truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam đăng tải theo kiểu xuyên tạc, “chọc gậy bánh xe”. Trang Facebook Chân trời mới Media là một ví dụ điển hình. Giữa tháng 3 vừa qua, trang điện tử này đăng bài “Khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam là con số không”. Chúng rêu rao rằng: “kinh tế Việt Nam đang phải chịu “combo thảm họa” giống như thế giới khi phải cùng lúc chịu tác động của đại dịch Covid-19 và chiến tranh xâm lược Ukraina của sa hoàng Putin. Ngôi sao Việt Nam chưa kịp sáng đã lụi tàn là do cách thức quản lý, quản trị tồi tệ của hệ thống công quyền và Đảng cộng sản”. Từ đó tác giả chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam không biết lãnh đạo kinh tế. “Đảng không nên lấn sân sang kinh tế, vì đó là địa hạt của giới kinh doanh”. “Sự toàn trị của Đảng đã khiến kinh tế không thể nào phát triển được, đẩy nền kinh tế vào bế tắc, lâm nguy. Chế độ một đảng cầm quyền của Việt Nam là không hợp lý, một Đảng là từ bỏ những cơ hội phát triển của đất nước…”.

Đó là những câu từ thể hiện bản chất của kẻ “có mắt như mù” Tân Phong (tác giả bài viết) khi không nhìn vào thực tế kinh tế Việt Nam. Từ những luận điệu xuyên tạc nêu trên, các đối tượng “theo đóm ăn tàn” thay nhau lao vào bình luận, bôi nhọ, nói xấu nền kinh tế Việt Nam. Chúng đưa ra những quan điểm sai lầm, thiển cận của những kẻ chuyên “cào bàn phím kiếm sống” nhưng thích thể hiện tầm nhìn kinh tế vĩ mô. Ví như, chúng cho rằng kinh tế Việt Nam phục hồi khởi sắc chỉ là sự ngộ nhận và nóng vội. Mục tiêu tăng trưởng đưa ra là không phù hợp, quá sức. Giá cả leo thang vì Covid-19 và chiến tranh, đặc biệt là xăng dầu, người dân khổ sở, kinh tế không hề lạc quan, chống dịch mỗi nơi một kiểu làm kinh tế kiệt quệ, nhiều lao động Việt Nam sẽ thất nghiệp. Từ đó chúng kích động đòi dân chủ về kinh tế, yêu cầu Đảng, Nhà nước phát triển kinh tế thị trường theo kiểu phương Tây và đưa ra các quan điểm phát triển kinh tế mà chúng cho rằng đúng đắn…

Trước tiên phải khẳng định một chân lý đã trở nên quen thuộc tại Việt Nam đó là: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Và sự lãnh đạo đó không nằm ngoài vấn đề kinh tế. Thực tiễn hơn 92 năm qua, chưa bao giờ Đảng xem nhẹ, buông lỏng vấn đề lãnh đạo kinh tế, thậm chí trong quá khứ chúng ta đã vượt qua những thời kỳ kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng, khó khăn nhất. Đến đây chắc hẳn chúng ta còn nhớ Nghị quyết 10 (khoản 10) của Đảng vào tháng 4-1988 về đổi mới trong quản lý kinh tế nông nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn nền kinh tế trước năm 1986 còn tập trung, quan liêu, bao cấp, lạc hậu, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết 10 ra đời đã giao tư liệu sản xuất cho nông dân, từ đó nông nghiệp nước ta đã có bước khởi sắc và tiến bộ thần kỳ. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước top đầu xuất khẩu lúa gạo. Đó là một trong những ví dụ về sự đúng đắn trong đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta. Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, ngoài những đường lối phát triển nông nghiệp đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam còn có nhiều định hướng lớn phát triển tất cả ngành và thu được nhiều thắng lợi.

Trong cơn bão của đại dịch, nền kinh tế của cả thế giới bị chao đảo. Đó là thử thách chung của toàn cầu, không riêng gì nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế Việt Nam thời gian qua đã vượt qua bao gian nan, thử thách, được cả thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Trong khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều mô hình mới, cách làm mới đã được Chính phủ thử nghiệm, điều chỉnh. Với chiến lược ngoại giao vắc xin thần kỳ đã đưa Việt Nam là một trong 6 nước có tốc độ tiêm chủng cao nhất thế giới. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã khôi phục trở lại trong điều kiện bình thường mới. Đặc biệt, với Nghị quyết số 128 của Chính phủ đã từng bước tháo gỡ được các nút thắt quan trọng. Từ đó, Việt Nam là một điểm sáng về kinh tế được các tổ chức quốc tế đánh giá cao như: Standard Chartered, một ngân hàng đa quốc gia, uy tín có trụ sở tại Anh mới đây đã đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 với tốc độ tăng trưởng 6,7%, tăng trưởng năm 2023 là 7% và Việt Nam tiếp tục triển vọng phát triển tích cực trong trung hạn; Fitch Ratings là một trong 3 “ông lớn” xếp hạng tín dụng được công nhận trên toàn thế giới đã có cái nhìn lạc quan nhất về kinh tế Việt Nam với dự báo: “Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,9% trong năm 2022 và 6,5% vào năm 2023”. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) trong bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2-2022 đã nhấn mạnh: “Khởi đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực”.

Dịch Covid-19 tuy đã được khống chế hiệu quả nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine có những diễn biến mới. Tất cả điều đó đã tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức, khó khăn. Nhưng với phương châm “biến nguy thành cơ”, Đảng, Chính phủ đã có sự chỉ đạo linh hoạt, cùng với sự nỗ lực cao nhất của doanh nghiệp và nhân dân đã dần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vào quỹ đạo phát triển. Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Sự chủ động, nhạy bén đó đã tạo cho kinh tế đất nước có rất nhiều điểm sáng, mở ra sự lạc quan với những cơ hội mới, triển vọng mới về sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Những con số đầy tự hào về phát triển kinh tế trong năm 2021 là chứng cứ không thể chối cãi cho thấy sự mù quáng của Chân trời mới Media. Chỉ những kẻ có mắt để trang trí nên không biết phân biệt hay, dở, phải, trái, đúng, sai mới lộng ngôn, xuyên tạc sự thật như vậy.

  • Từ khóa
140461

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu