Thứ 3, 21/05/2024 00:22:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:49, 19/04/2022 GMT+7

Tận cùng của nhục nhã

Diệp Viên
Thứ 3, 19/04/2022 | 09:49:03 2,806 lượt xem
BPO - Cho đến ngày nay, chưa có nhà ngôn ngữ học hay bất kể tài liệu khoa học nào khẳng định cụ thể về cặp từ mà thường được gọi là cụm từ “trở cờ” xuất hiện trong đời sống của người Việt Nam vào thời điểm nào và ở đâu? Tuy nhiên, ý nghĩa của cụm từ này thì dường như ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu và nhận thức rõ hệ lụy của nó từ cả trong tư duy đến hành động. Trong thực tế đã có không ít người chẳng những thân bại danh liệt mà còn để lại tiếng xấu cho con cháu đời sau và cả những người thân thuộc trong gia đình, dòng tộc chỉ vì họ là kẻ “trở cờ”.

Theo từ điển tiếng Việt do các tác giả Vĩnh Lộc, Bảo Đoan, Quỳnh Tâm, Ngọc Hạnh biên soạn, Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành năm 2000, trang 1051, thì “trở cờ” là: đổi ý kiến, đổi hướng - thấy bên nào mạnh thì theo. Còn theo vtudien.com thì trở cờ là thay đổi chiều hướng hoạt động, để theo kẻ mạnh. Theo từ điển của Lê Văn Đức thì “trở cờ” là: Theo ngọn cờ khác, nghịch lại phe phái cũ. Ví dụ: Hắn đã trở cờ. Theo từ điển của Thanh Nghị thì “trở cờ” là: Theo một ngọn cờ khác, theo một phe hay theo chủ nghĩa khác khi phe, chủ nghĩa ấy mạnh. Ví dụ: Bọn ấy trở cờ dễ lắm. Nói tóm lại, “trở cờ’ là cụm từ chỉ những người có lối sống ích kỷ vì lợi ích cá nhân, thiếu bản lĩnh, cơ hội chính trị, nhu nhược, không còn liêm sỉ nên họ sẵn sàng bôi tro, trát trấu, thậm chí tự tát thẳng vào mặt mình nếu thấy có lợi ích trước mắt. 

Ở những con người này thường có một đặc điểm chung là vì quyền lợi cá nhân, họ sẵn sàng xuyên tạc sự thật; phê phán, suy diễn, nhìn nhận sai lệch về tình hình đất nước, thậm chí còn ngang nhiên ra mặt chống phá, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Một trong những biểu hiện dễ nhận biết nhất ở những con người này là từ lời nói đến hành động đều quay ngoắt 1800, phủ nhận sạch trơn toàn bộ sự nghiệp, thành quả cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ họa với những thế lực phản động và có hành vi gây hại cho đất nước. Nguy hiểm hơn là từ hành động “trở cờ” được nói, viết ra bởi một số đối tượng vốn có chút ít công lao, uy tín trong xã hội nhưng lại là những kẻ cơ hội, bất mãn nên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến nguy cơ làm tăng sự nghi kỵ trong quần chúng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ…

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đúc kết và chỉ rõ bản chất của những kẻ “trở cờ” phổ biến nhất hiện nay là cố tình: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Điều đáng buồn là chưa khi nào cụm từ này lại được sử dụng nhiều như những năm gần đây, nhất là trên lĩnh vực báo chí và các trang mạng xã hội. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên có thể khẳng định rằng, đó là kết quả của quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cá nhân và thường bắt đầu từ những bất mãn cá nhân rồi từ đó đi đến từ bỏ lý tưởng, mục tiêu cách mạng, cuối cùng là phản bội dân tộc, Tổ quốc và nhân dân.   

Điển hình trong danh sách đen này phải kể đến Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Quang A, Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Bùi Tín, Phạm Đình Trọng, Trần Đức Anh Sơn, Lê Hữu Thuận, Bùi Tiến Lợi, Phạm Trần, Nguyễn Văn Phước, Mạc Văn Trang, Đặng Xương Hùng… Những người này từng là cán bộ, đảng viên, được học tập, đào tạo bài bản trong môi trường xã hội chủ nghĩa, thụ hưởng những ưu đãi của chế độ. Trong thực tế, họ từng ít nhiều có ảnh hưởng đến xã hội do những đóng góp được công chúng biết đến. Thậm chí có người trong chiến tranh đi theo cách mạng, bằng vốn kiến thức và tài năng của mình đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật, văn học và những bài báo nổi tiếng, có ý nghĩa ca ngợi và giáo dục, động viên tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Nguyên Ngọc, Phạm Đình Trọng, Bùi Tín, Chu Hảo… là những kẻ trong số đó.

Thế nhưng, chỉ vì những lý do, động cơ cá nhân, một số cây bút không giữ vững lập trường, tư tưởng, con đường mà mình đã tin và đi theo. Họ dần dần ngả bút, có lời nói, hành động và cho ra đời những “đứa con tinh thần” quái thai với nội dung đi ngược lại con đường cách mạng của dân tộc. Họ tự tách mình ra khỏi dòng thời cuộc, rồi từ bỏ, phỉ báng chính con đường mình đã lăn lộn gần cả cuộc đời. Và điều nguy hại nhất là họ dùng sự ảnh hưởng về tên tuổi trong quá khứ để “bắn” vào hiện tại bằng những bài viết, tác phẩm gây nguy hại cho quốc gia, dân tộc. Cụ thể là Chu Hảo đã tham gia ký vào các thư ngỏ và có nhiều bài viết đòi bỏ Điều 4 của Hiến pháp khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng đối với xã hội. Chưa hết, ông ta còn lộng ngôn đưa ra cái gọi là yêu cầu đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và đòi phi chính trị đối với lực lượng vũ trang…

Hay như Bùi Tín, y từng là sĩ quan cao cấp của quân đội, là một nhà báo có tiếng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam. Bùi Tín trở thành kẻ bất đồng chính kiến ngay sau chính biến ở Liên Xô. Còn với Nguyễn Đình Cống từng là giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân, nhưng sau khi về hưu ông đã “trở cờ”, quay lại chống phá bằng những bài viết xuyên tạc lịch sử và nói xấu Đảng, Nhà nước trên internet và mạng xã hội. Bằng chứng là trong bài viết đăng trên facebook cá nhân ngày 27-3-2019 với chủ đề: “Bàn về Đảng cầm quyền”, ông ta đã công khai đòi: “Đảng phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng phải từ bỏ vai trò lãnh đạo xã hội”. 

Còn với Nguyên Ngọc, ông ta đã từng là một nhà văn nổi tiếng. Hiện nay, ông ta đã trở thành nhà văn đầy tai tiếng vì tư tưởng cũng như hành động “ngược dòng”, “trở cờ”. Có thể khẳng định rằng, Nguyên Ngọc đã đạt tới tận cùng của sự phản trắc. Bằng chứng là ông ta đã từng viết ra những lời cực kỳ bỉ ổi rằng: “Trong chiến tranh, chúng ta đã nhìn sai về sự xâm lược, sự căm thù giặc và đó là điều “không bình thường””. Thậm chí ông ta còn phát ra những âm thanh vô cùng dơ bẩn, rằng: Trong giảng dạy lịch sử, không nên “bồi đắp chủ nghĩa yêu nước” nữa vì như vậy lịch sử sẽ bị chính trị hóa và cũng không nên ca ngợi các Bà mẹ Việt Nam anh hùng quá, vì như thế sẽ làm đau lòng các bà mẹ lính Việt Nam cộng hòa… Những lời này thì chỉ có thể phát ra từ những kẻ “trở cờ” hay những kẻ là cháu, chắt, chút, chít đích trưởng của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Hoàng Văn Hoan mà thôi.  

Vẫn biết hiện tượng “trở cờ” chỉ là cá biệt, nhưng nó đã và đang gây bức xúc lớn trong xã hội. Để ngăn chặn hiện tượng này, trước hết phải bắt đầu từ sự tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là từ những người làm công tác quản lý. Vì Đảng có trong sạch, vững mạnh hay không phụ thuộc vào việc phòng, chống căn bệnh “trở cờ”. Lịch sử luôn công bằng, nhân dân luôn sáng suốt, vậy đừng ai quên rằng, những kẻ tráo trở, vong ân bội nghĩa, “rước voi về giày mả tổ” xưa nay đều có kết cục là tận cùng của sự nhục nhã.

  • Từ khóa
140403

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu