Thứ 2, 20/05/2024 21:20:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:22, 16/04/2022 GMT+7

“Tiêu chuẩn kép”

H.L
Thứ 7, 16/04/2022 | 09:22:40 1,276 lượt xem
BPO - Một trong số những thủ đoạn chống phá phổ biến hiện nay của các thế lực thù địch đối với Việt Nam, đó là áp dụng “tiêu chuẩn kép” để luận bàn, rêu rao, phỉ báng những vấn đề hiện nay ở nước ta. “Tiêu chuẩn kép” (double standard) là việc áp dụng những nguyên tắc, cách thức xử lý khác nhau cho cùng một vấn đề hoặc một tình huống; hay có thể hiểu đơn giản là cùng một việc nhưng người này làm thì cho là đúng, còn người kia làm thì lại cho là sai.

Trong bài viết gần đây trên mạng xã hội có tiêu đề “Những lập luận đánh lận con đen về thi học sinh giỏi và học thêm”, là một ví dụ điển hình về việc áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong giáo dục và đào tạo. Chúng rêu rao xuyên tạc, bịa đặt rằng: “Có những bạn lý luận bỏ trường chuyên, bỏ thi học sinh giỏi thế nào được vì trên thế giới vẫn có trường chuyên, thi học sinh giỏi. Lý luận hay ghê. Lý luận này tương đương với lý luận bỏ dạy thêm làm sao được. Vấn đề nằm ở phụ huynh. Trên thế giới người ta vẫn dạy thêm, học thêm đầy. Lý luận kiểu này tỏ ra vô cùng... nguy hiểm vì đánh lận con đen. Nó lồng ghép đúng và sai để đánh lừa người đọc”.

Trong bài viết, đã có sự đối lập, mâu thuẫn, trước sau bất nhất về nội dung. Một mặt, chúng lên án, phê phán, đả kích chuyện dạy thêm, học thêm ở Việt Nam, song mặt khác, chúng lại trơ trẽn ca ngợi chuyện dạy thêm, học thêm ở các nước tư bản, thậm chí chúng còn nịnh bợ một cách thô lỗ, sỗ sàng “Đúng là ở Nhật, Hàn, Mỹ vẫn có học thêm, thậm chí ở Nhật học thêm ầm ầm. Nhưng họ không hiểu hay cố tình lờ đi rằng học thêm ở các nước đó tách rời và độc lập với giáo dục công lập và không nằm trong các trường công lập”. Ai cố tình không hiểu thì chưa cần bàn cãi, nhưng sự thật rành rành không phải tranh luận, đó là đối với chúng, bất kỳ việc gì của quan thầy, của chế độ tư bản làm đều là đúng, là tuyệt vời, là tốt đẹp; còn của Việt Nam thì đều xấu xa, tiêu cực. Thật đáng hổ thẹn cho tư tưởng bưng bô, bợ đỡ, vọng ngoại, cuồng Tây của chúng.

Chúng cho rằng, ở phương Tây cấm dạy thêm, học thêm ở trường công lập, chuyện đó chỉ được tiến hành ở các trường tư thục. “Dạy thêm, học thêm khi đó sẽ được đưa ra khỏi trường phổ thông. Nó là hoạt động của các trung tâm. Ở Nhật là các juku. Giáo viên ở đó là giáo viên độc lập, giáo viên đã về hưu, giáo viên có hợp đồng ngắn hạn ở các trường”. Song, có một sự thật mà chúng không dám nhắc tới, đó là các trường này không phải mở ra để tổ chức dạy thêm, học thêm miễn phí. Nó chỉ mở cửa đối với những học sinh là con nhà khá giả, đủ tiền để thanh toán khoản học phí cao ngất ngưởng. Nếu không có tiền đóng học phí thì được vào sau cánh cổng các trung tâm kia chỉ là một giấc mơ đẹp, một niềm ao ước mà thôi. Trong khi ở Việt Nam, tại các trường công lập, chúng ta tổ chức các buổi học thêm miễn phí cho học sinh, gọi là phụ đạo, hoạt động ngoại khóa. Ngoài các buổi phụ đạo do trường tổ chức, nếu phụ huynh và học sinh có nhu cầu thì có thể đăng ký, ghi danh theo học có đóng học phí tại các trung tâm, trường tư thục. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy rằng, chuyện dạy thêm, học thêm ở Việt Nam nhân văn, ưu việt hơn nhiều và không hề tiêu cực, áp lực, áp đặt như những gì chúng đã và đang rêu rao.

Còn về thi học sinh giỏi, dù ở Việt Nam hay bất cứ một quốc gia nào khác, đều nhất thiết phải tổ chức, chỉ là với tên gọi khác. Chẳng hạn như sát hạch, kiểm tra, nó cũng giống như việc tổ chức một đại hội thể dục thể thao để lựa chọn ra các gương mặt vận động viên thực sự tiêu biểu, xuất sắc. Luyện thi học sinh giỏi là cách làm đòi hỏi cả học sinh và giáo viên phải có những tư duy, cách làm đặc biệt, tức là phương pháp giảng dạy, truyền thụ và tiếp thu khác biệt với thông thường; nó phụ thuộc vào tư duy, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của giáo viên và học sinh. Trong đó, ngoài những kiến thức chung trong sách giáo khoa, trong chương trình còn có kiến thức nâng cao, chuyên biệt. Đi thi học sinh giỏi là mang chuông đi đánh xứ người nên phải đánh cho kêu, vang. Thế mà, bọn chúng lại ngây thơ cho rằng “về chuyện thi học sinh giỏi thì nó không phải là kiểu thi luyện gà rồi đi chọi và được áp đặt bởi cơ quan quản lý hành chính. Nó là tự nguyện, ai thích thì tham gia. Các cuộc thi đó phần lớn nằm ngoài hệ thống hành chính giáo dục và đào tạo. Nó do các tổ chức chuyên môn, hội chuyên môn, hội nghề nghiệp, câu lạc bộ, liên minh hội... nằm ở bên ngoài bộ giáo dục, trường học, sở giáo dục tổ chức”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy sự ấu trĩ, hoàn toàn mù tịt về sự nghiệp giáo dục đào tạo của Việt Nam từ trước tới nay. Ở đây, nổi lên hai vấn đề:

Một là, ở Việt Nam không có chuyện ép buộc đi thi học sinh giỏi. Trước khi thành lập các đội tuyển, căn cứ vào năng lực, kết quả học tập của học sinh, nhà trường sẽ lập danh sách rồi thông báo rộng rãi tới học sinh. Nếu học sinh, thậm chí là phụ huynh không đồng ý, không có nguyện vọng tham gia dự thi thì nhà trường sẽ tôn trọng quyết định đó. Mặt khác, Việt Nam là một dân tộc hiếu học, trọng chữ danh, “một góc giữa làng bằng một sàng xó bếp”, việc được lựa chọn vào đội tuyển để đi thi học sinh giỏi các cấp là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của nhà trường, phụ huynh, học sinh mà còn là niềm kiêu hãnh của cả dòng họ. Vì vậy, nếu nói thi học sinh giỏi ở các nước tư bản “là tự nguyện, ai thích thì tham gia” để phê phán, lên án Việt Nam áp đặt, ép buộc là sự vu khống trơ trẽn, trắng trợn.

Hai là, nói đến học sinh thì nhất thiết phải gắn liền với nhà trường, với ngành giáo dục đào tạo. Nó là hai mặt không thể tách rời nhau. Thi học sinh giỏi theo kiểu “nằm ngoài hệ thống hành chính giáo dục và đào tạo. Nó do các tổ chức chuyên môn, hội chuyên môn, hội nghề nghiệp, câu lạc bộ, liên minh hội... nằm ở bên ngoài bộ giáo dục, trường học, sở giáo dục tổ chức” thì đó không phải là tư duy làm giáo dục chuyên nghiệp, khoa học, đó chính xác là sự kinh doanh giáo dục không hơn, không kém.

Thực tế, từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời đến nay, chúng ta đã có các thí sinh làm rạng danh Tổ quốc, giành được kết quả rất cao, vang danh tại các cuộc thi trí tuệ của nhân loại như Lê Bá Khánh Trình, Đặng Lê Minh Khang, Hà Mạnh Duy, Nguyễn Thị Nga, Đỗ Bách Khoa. Nó là minh chứng hùng hồn cho thành tựu giáo dục và đào tạo của chúng ta, đập tan các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, phản động.

Ông cha ta có câu “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Đã không am hiểu về sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Việt Nam nhưng lại suốt ngày lên mặt phán xét, dạy đời, nói bừa, nói ẩu kiểu “thầy bói xem voi” đều chính là sự ganh ghét, đố kỵ với nền giáo dục Việt Nam mà thôi.

  • Từ khóa
140203

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu