Thứ 2, 20/05/2024 22:25:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:24, 13/04/2022 GMT+7

Trò hề thư ngỏ

Đỗ Thành
Thứ 4, 13/04/2022 | 08:24:30 1,227 lượt xem
BPO - Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại Ukraine đã qua 1 tháng. Nội dung bài viết này không đề cập đến tính chính nghĩa, ai đúng, ai sai trong cuộc xung đột mà chỉ đề cập đến một số “diễn viên hề” đã qua sườn dốc sự nghiệp và số “măng đã mọc khi tre chưa kịp già”.

Cụ thể, vở hài kịch hay trò hề mà các diễn viên quá tuổi đã diễn có tên gọi “Lá thư ngỏ”. Ngày 3-3-2022, 3 cụ Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Đình Cống và Mạc Văn Trang trên danh nghĩa phản đối chiến tranh, yêu chuộng hòa bình đã lọ mọ, dò dẫm chống gậy đến Đại sứ quán Ukraine trao thư ngỏ, bày tỏ sự động viên, sát cánh cùng Chính phủ và nhân dân Ukraine. Các cụ phán mình là đại diện cho gần 170 thành viên thuộc 6 hội, nhóm mà họ gọi là các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam. Danh sách mà các cụ đưa ra trong các nhóm mình tham gia đều thấy toàn những “chàng trai vàng trong làng chống phá”. Họ đều từng là những cái tên vang bóng một thời, những kẻ cơ hội chính trị, động cơ thấp hèn không đạt được mà chuyển qua bất mãn, nói xấu chế độ. Có thể kể đến một vài cái tên như Nguyễn Quang A, là thành viên nhóm Diễn đàn Xã hội dân sự, từng có tuyên bố hùng hồn: “tập hợp ý kiến góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”. Hay Nguyên Ngọc trong nhóm Văn đoàn độc lập, từng là nhà văn, nhà báo nhưng do suy thoái, biến chất đã quay qua chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước. Hay như Phạm Xuân Yêm, quản trị trang Bauxite Việt Nam đã từng cùng 126 “nhà dân chủ” khác gửi thư ngỏ đến Bộ Chính trị đòi đổi tên Đảng, đổi tên nước, trả tự do cho những người bất đồng chính kiến… Và còn nhiều cái tên khá quen thuộc mà khi nhắc đến chúng ta đều hình dung ra quá khứ không mấy tốt đẹp của họ như Lê Thân, Nguyễn Xuân Lướt… 

Nội dung thư ngỏ là một trò hề không thể rẻ tiền hơn. Những người mang mác dân chủ nhưng là dạng “dân chủ fake” đã cao giọng đại diện cho người dân Việt Nam khi nói rằng: “người Việt Nam chúng tôi thấu hiểu cái giá mà Ukraine phải trả để giữ vững được chủ quyền và nền dân chủ của mình trước chủ nghĩa bá quyền Putin. Chúng tôi cũng hiểu rằng, bảo vệ Ukraine lúc này không chỉ là bảo vệ hòa bình mà còn là bảo vệ một nền dân chủ non trẻ vừa mới thoát ra khỏi quá khứ độc tài”. Cảm thấy tiếng nói của mình chưa có sức thuyết phục về tự do, dân chủ, các cụ lôi kéo thêm một số thành phần bất mãn, lập các nhóm xã hội dân sự, tự xưng là đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Đấu tranh mãi không ai nghe mà lại bị người ta gán cho “ếch chết tại miệng”. Tưởng các cụ đã chán, tuổi cao sức yếu về sống vui khỏe với con cháu, sống có đạo đức, trách nhiệm với đất nước, ấy vậy mà khi chiến sự xảy ra ở Ukraine, những gương mặt thân quen ấy lại xuất hiện. Cần khẳng định rằng ở Việt Nam, các hội, nhóm này chưa bao giờ được pháp luật công nhận, đây chỉ là những thành phần ô hợp có tư tưởng bất mãn chế độ, tổ chức nhiều hoạt động chống đối, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, cổ xúy cho những giá trị tự do, dân chủ phương Tây. Xét về nhân cách, phẩm chất, các cụ, các ông lấy tư cách gì để đại diện cho người dân Việt Nam, ngoài động cơ chính trị thấp hèn. Còn nói “thoát khỏi quá khứ độc tài” ở đây phải chăng chính là sự rời khỏi Liên bang Xô viết của Ukraine? Một chế độ đã cứu cả nhân loại thoát khỏi sự diệt chủng của chủ nghĩa phát xít.

“Tre chưa kịp già thì măng đã mọc” hay “giậu đổ bìm leo”? Không biết dùng câu nào để nói về Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty Luật Công chính. Cũng với hình thức kêu gọi ký tên vào thư ngỏ phản đối chiến tranh, làng dân chủ trong nước lại xuất hiện một tài năng trẻ. Ngô Ngọc Trai đã viết thư ngỏ bằng 3 thứ tiếng Việt, Nga, Anh gửi đến Tổng thống Vladimir Putin. Trong thư, Ngô Ngọc Trai thể hiện trình độ nhận thức về lịch sử kém cỏi của mình khi cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc như một cuộc nội chiến ở Việt Nam. Chưa hết, Ngô Ngọc Trai còn nhiều lần lên Facebook với giọng điệu ngông cuồng đòi sửa đổi nền tư pháp Việt Nam và yêu cầu vị trí đại biểu Quốc hội chỉ nên dành cho luật sư. Thậm chí hắn còn mạnh miệng tuyên bố: “Tôi không chỉ đơn thuần là một luật sư bào chữa mà đã trở thành một chuyên gia pháp lý, một nhà hoạt động thúc đẩy xây dựng cho một nền tư pháp thông minh, tiến bộ”.

Cũng trên trang cá nhân, Ngô Ngọc Trai đã có hành động thông minh xuất chúng ngang với người bị thiểu năng khi công khai ủng hộ Trần Huỳnh Duy Thức. Thật nực cười khi Trần Huỳnh Duy Thức là phạm nhân đang chịu án tù 16 năm vì tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Tiếp đà hưng phấn, hắn còn có ý định đầu quân cho BBC tiếng Việt bằng việc mong muốn những ý kiến của mình được đăng tải trên tờ báo này.

Sẽ không bàn luận tới sự đúng, sai xoay quanh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nhưng với nhận thức hạn chế, lệch lạc, cùng với sự ảo tưởng sức mạnh thái quá, thật là đen đủi cho người nào trót tin và nhờ cậy Ngô Ngọc Trai bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình trước pháp luật. Lời cảnh tỉnh cho vị luật sư trẻ này nếu không sớm tỉnh ngộ, nhận thức và sửa chữa sai lầm thì con đường công danh, sự nghiệp sẽ giẫm lên dấu chân không mấy tốt đẹp của những đàn anh đi trước như: Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định hay Lê Quốc Quân. Những cái tên đã quá quen thuộc vì bị xã hội lên án từ bấy lâu nay.

Hơn 1 tháng kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine do Tổng thống Nga phát động với mục đích phi quân sự hóa, phi phát xít hóa ở đất nước này, nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống mang yếu tố địa chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới đã chịu những tác động rõ rệt. Chiến dịch quân sự đặc biệt này đã trở thành cái cớ để những “nhà dân chủ” lợi dụng, tung ra đủ mọi thủ đoạn xuyên tạc, công kích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó chỉ là chiêu “mượn gió bẻ măng”, trò hề của các diễn viên quá tuổi, số “măng đã mọc khi tre chưa kịp già” và chẳng ai muốn nghe, tin và làm theo.

  • Từ khóa
140038

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu