Thứ 2, 20/05/2024 23:15:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 14:30, 04/04/2022 GMT+7

Sự lựa chọn bắt buộc

Nam Phương
Thứ 2, 04/04/2022 | 14:30:00 799 lượt xem
BPO - Cứ đến những ngày tháng 4 lịch sử, rất nhiều thông tin sai lệch lại được những kẻ phản bội Tổ quốc đang sống ở nước ngoài rêu rao. Bằng những luận điệu xét lại lịch sử, hàng chục năm trôi qua, vẫn có những kẻ cơ hội chính trị muốn xuyên tạc, đổi trắng thay đen hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể giành được độc lập mà không cần phải đổ máu, có thể dùng biện pháp khéo léo tránh chiến tranh mà vẫn giữ được nền độc lập, vẫn tăng tốc phát triển. Nói vậy có đúng không?

Cũng như bao dân tộc khác, khát vọng hòa bình luôn cháy bỏng trong huyết quản của dân tộc Việt Nam, thế nhưng, từ buổi bình minh lịch sử cho đến tận thế kỷ XX, kẻ thù đã buộc chúng ta phải cầm súng để bảo vệ nền độc lập dân tộc. “Cầm súng là lựa chọn bắt buộc” - đó là khẳng định của các vị tướng lĩnh, cựu Chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Khát vọng hòa bình

Lịch sử của Việt Nam ta là lịch sử của một đất nước có hàng ngàn năm chống kẻ thù xâm lược, từ bọn bành trướng phương Bắc thời phong kiến đến thực dân, đế quốc trong thế kỷ XIX, XX. Truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc liên tục được bồi đắp qua hàng ngàn năm, ngày càng phát huy mạnh mẽ. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã liên tục giành được những thắng lợi vang dội. Ở tuổi 15, Đảng lãnh đạo toàn dân tộc làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. 30 năm sau là sự kiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng vào trưa 30-4-1975, để non sông Việt Nam nối liền một dải.

Để giành được nền độc lập dân tộc, lịch sử Việt Nam đã ghi danh hàng triệu anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã hiến dâng sức khỏe, tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy bắt đầu từ khát vọng hòa bình mãnh liệt.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, nguyên Phó tư lệnh chính trị, Quân đoàn 4 kể lại: “Chúng tôi hành quân vào trong Nam theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, nhất là khi nhân dân thành đồng Tổ quốc miền Nam đã mất mát quá nhiều. Không tính đến hy sinh, chúng tôi chỉ biết rằng phải chiến đấu để công cuộc giải phóng miền Nam giành thắng lợi. Lòng yêu nước dâng cao như thế. Nhiều chiến sĩ phải viết đơn bằng máu mới được đi vào trong Nam chiến đấu”.

Tôi không có mơ ước gì hơn, chỉ biết hoàn thành nghĩa vụ của một người thanh niên trong hoàn cảnh đất nước như thế. Tôi chỉ muốn cuộc sống hòa bình, tự do và muốn điều đó thì phải cầm súng thôi. Cầm súng là sự bắt buộc. Đất nước, dân tộc không ai muốn cầm súng, nhưng chính kẻ thù đã buộc ta cầm súng.

Đại tá Nguyễn Trọng Đình, nguyên Cục phó Cục Chính trị, Quân đoàn 4

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” là lựa chọn của lớp lớp thanh niên ưu tú, vì sự trường tồn của quốc gia, dân tộc. Khát vọng hòa bình cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân và truyền thống gia đình đã thôi thúc những chàng trai, cô gái lên đường. Đại tá Nguyễn Trọng Đình, nguyên Cục phó Cục Chính trị, Quân đoàn 4 nhớ lại: “Khi tôi bước chân vào chiến trường miền Nam, mẹ tôi khóc và nói: Con đi biết đến bao giờ mới về? Tôi chỉ biết nói với mẹ tôi là con đi vào miền Nam chiến đấu theo bước chân của cha con là liệt sĩ”.

Cầm súng để giữ vững hòa bình

Việt Nam hoàn toàn có thể giành được độc lập mà không cần phải đổ máu? Chúng ta biết và còn nhớ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã nhấn mạnh: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Không chỉ riêng cuộc kháng chiến chống Pháp, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam cũng đã ưu tiên chọn con đường đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, nhưng dã tâm của kẻ thù đã “buộc ta ôm cây súng”, để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Bản chất của quân đội Việt Nam là đánh đuổi đế quốc ra khỏi lãnh thổ để bảo vệ hạnh phúc của nhân dân. Kẻ thù đến xâm lược đất nước chúng tôi thì chúng tôi phải cầm súng để chiến đấu giành độc lập chứ không phải hiếu chiến.

Ông Đào Trọng Việt, Hội Cựu chiến binh xã Minh Long, huyện Chơn Thành, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 7 tỉnh Bình Phước 

“Việc đấu tranh chính trị cũng là giải pháp quan trọng, nhưng trong tương quan lực lượng này thì đấu tranh chính trị của chúng ta không giải quyết được vấn đề. Nhân dân Mỹ phản đối, toàn thế giới phản đối nhưng chúng không nhượng bộ, buộc chúng ta phải cầm súng chiến đấu. Đây là điều bắt buộc. Trong trường hợp này không thể chỉ đấu tranh chính trị mà có được độc lập, thống nhất” - Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Chính ủy Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị phân tích.

Một nửa sự thật không là sự thật

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Vậy nhưng, không ít ý kiến phủ nhận thành tựu này và cho rằng nếu không có sự kiện năm 1975, chắc chắn TP. Hồ Chí Minh - Sài Gòn xưa - nay phải phát triển mạnh mẽ như Hàn Quốc. Đây không chỉ là lập luận của những người luôn hằn học, chống phá Việt Nam mà còn đến từ nhiều người trẻ - những người chưa từng chứng kiến hình ảnh Sài Gòn những năm trước 1975. Còn với người trong cuộc như Trung tướng Nguyễn Văn Thái, ông cho rằng: “Không thể nói trước năm 1975 cả miền Nam này đời sống khá giả. Không có đâu! Chỉ có một phần ở Sài Gòn đời sống khá giả là do Mỹ đưa vào, còn toàn miền Nam là nghèo khổ. Chúng làm được một số con đường nhưng là để phục vụ chiến tranh, chứ không phải để kiến thiết kinh tế. Khi chúng tôi tiếp quản Sài Gòn lúc đó, chúng tôi thấy rõ cuộc sống của đại đa số người dân khó khăn. Còn chúng ta làm thì làm đồng bộ, phục vụ toàn dân. Cho nên nhìn thành phố bây giờ khác hẳn so với 50 năm về trước, có sự thay đổi vượt bậc”.

Mỗi người hãy giữ cho mình sự tỉnh táo trước các luận điệu xuyên tạc trong những ngày tháng 4 lịch sử này. Đừng để tự mình vô ý trở thành quay lưng với lịch sử dân tộc, vong ân với sự hy sinh của ông cha mình. Và “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.

  • Từ khóa
139440

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu