Thứ 2, 20/05/2024 20:54:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:49, 05/03/2022 GMT+7

Linh mục “mặc áo giấy”

Nhật Minh
Thứ 7, 05/03/2022 | 08:49:17 2,147 lượt xem
BPO - Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, thành ngữ có vai trò khá đặc biệt. Bởi nó là một cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh. Thành ngữ được sử dụng rộng rãi trong lời ăn tiếng nói cũng như sáng tác thơ ca, văn học tiếng Việt. Thành ngữ ngắn gọn, hàm súc, có tính hình tượng, tính biểu cảm cao. Và câu thành ngữ “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” là một ví dụ.

Ý nghĩa của câu thành ngữ “Đi với bụt (hay Phật) mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, tức là bất cứ ai, dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào cũng cần phải biết nói, cười, đi, đứng, ăn, mặc và ứng xử sao cho phù hợp. Cụ thể là với người giàu để khỏi bị khinh, với người nghèo thì không bị ghét. Nói tóm lại, câu thành ngữ này khuyên người ta phải biết lựa tình thế, lựa người, lựa quan hệ mà hành động, đối xử sao cho phù hợp. Tuy nhiên, nếu ai đó là người hiền lành, thẳng thắn, cương trực, không xu nịnh, bợ đỡ thì dù cho có đi với “phật” hay với “ma”, chắc chắn cũng sẽ chỉ có một tính cách như thế mà thôi. Đó là điều không chỉ tốt mà còn hoàn toàn đúng đắn và những người có đức tính kiên định như vậy rất đáng trân trọng và học tập. Tuy nhiên, tìm được một người sống đúng với lương tâm của mình, không bị mọi thứ xung quanh chi phối là điều không dễ. Bởi ngày nay có quá nhiều người bất cứ lúc nào, ở đâu và dù đi với “bụt” hay “ma” họ cũng đều mặc áo giấy. Linh mục Nguyễn Văn Toản, thuộc dòng Chúa cứu thế ở Thái Hà, Hà Nội là một trong số những người như vậy. Bằng chứng là ngày 3-10-2021, Báo Công an nhân dân có đăng bài viết với tựa đề: “Cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm của linh mục Đinh Hữu Thoại”. Nội dung bài báo cho hay: Trong giai đoạn cả nước đang “căng mình” phòng, chống dịch Covid-19 thì Đinh Hữu Thoại, linh mục phụ tá Giáo xứ Tiên Phước (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) lại có nhiều bài viết, bình luận trên các trang mạng xã hội với nội dung bôi nhọ, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước… Cụ thể là các bài viết với những tựa đề: “Quỹ vaccine là quỹ lừa đảo, kẻ lừa đảo thì mang tiền đi gửi nhà băng lấy lãi, kẻ bị lừa thì ngậm bồ hòn làm ngọt”; “Bộ Y tế thao túng và kiếm ăn bộn tiền trong đại dịch, chả thấy lợi gì cho dân”; “Chỉ có 2 thành phần đóng góp vào quỹ tào lao này là thiếu hiểu biết và hèn nhát”; “Không ngu gì để dân chích ngừa vaccine hết, phải để kinh doanh kiếm lời một thời gian”...

Ông bà xưa có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” quả là không sai một ly đối với các linh mục Đinh Hữu Thoại và Nguyễn Văn Toản. Vì Thoại vừa “tung” thì Toản đã chủ động sẵn sàng “hứng”. Vì thế, sau mỗi bài viết của Thoại thì Toản liền có bài “họa” theo trên trang facebook cá nhân hoặc trả lời phỏng vấn cho mấy cái “loa rách” là BBC, RFA, VOA, RFI, thậm chí của tổ chức khủng bố Việt Tân. Lẽ ra, nếu có đủ bằng chứng để khẳng định bài viết đăng trên Báo Công an nhân dân là sai thì ông Toản hoàn toàn có quyền khiếu nại đến ban biên tập và yêu cầu gỡ bỏ hoặc đính chính. Không chỉ thế, ông ta còn có quyền kiện cả tác giả lẫn ban biên tập ra tòa. Đồng thời, ông ta cũng có quyền yêu cầu luật sư bào chữa để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình và “đồng nghiệp”. Bởi lẽ Hiến pháp cũng như các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đều quy định rõ về vấn đề này. Hơn nữa, Luật Báo chí cũng đã quy định: Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có căn cứ cho rằng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình hoặc gây hiểu lầm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình thì có quyền nêu ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại tòa án (khoản 1 Điều 43).

Tuy nhiên, ông Toản đã không làm đúng quy định của pháp luật, mà thời gian gần đây, ông ta vẫn cố tình làm ngơ để rồi “hiệp sức” với RFA, nhằm bao che, bảo vệ cho “đồng nghiệp” là ông Thoại. Điều này cũng có nghĩa là ông Toản đã trực tiếp công kích lại Báo Công an nhân dân. Song, điều muốn nói ở đây là những lời lẽ của ông ta ngây ngô đến mức thô thiển. Cụ thể, ông Toản cho rằng những phát ngôn của ông và ông Thoại trên facebook cá nhân và với các đài RFA, VOA, BBC hay RFI chỉ đơn giản là biểu đạt quyền tự do ngôn luận. Chưa hết, ông ta còn lộng ngôn rằng: Tôi hay là bất cứ người dân nào lên tiếng về vấn đề minh bạch của quỹ vắc xin, thì hoàn toàn chính đáng, không có gì là vi phạm cả. Những ai mà tấn công vào những người lên tiếng thì mới là những người vi phạm, xâm phạm vào quyền biểu đạt, xâm phạm tự do ngôn luận của người dân. Bây giờ, ai, người dân nào lên tiếng đều bị xử lý như tôi trong thời gian vừa qua thì cái đó phải gọi thế nào? Là một đất nước không có tự do ngôn luận, người dân bị bịt miệng…

Không những thế, trong nhiều thông tin tự viết, hoặc đăng tải và chia sẻ trên facebook cá nhân, không ít lần ông Toản bày tỏ sự bất đồng chính kiến với các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương. Điều này chứng tỏ ông Toản không chỉ “hiệp sức”, mà còn cố tình “nối giáo cho giặc” để xuyên tạc, bịa đặt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Với những hành vi này, cả ông Thoại và ông Toản đã cố tình đi ngược lại tinh thần trong Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, rằng là người công giáo thì: “...Phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa… Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”...

Chính vì thế, cộng đồng mạng gần đây đã kịch liệt phản đối về những phát ngôn của ông Thoại và ông Toản. Và thay lời kết, xin chuyển đến bạn đọc sự bức xúc trước sự việc nêu trên của tài khoản có tên Minhkhoi, rằng: Không hiểu sao những kẻ có tư tưởng chống phá này lại có thể khoác lên mình tấm áo linh mục. Không biết Nguyễn Văn Toản làm linh mục để chăm lo cho con chiên, cho giáo dân hay là để biến Công giáo thành công cụ để chống phá, để hoạt động cho âm mưu của bản thân nữa. Tốt nhất với kẻ như Nguyễn Văn Toản thì nên suy nghĩ lại vị trí linh mục của kẻ này nếu không muốn Công giáo suy lụi vì những linh mục không xứng đáng này.

  • Từ khóa
137933

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu