Thứ 3, 21/05/2024 00:22:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:37, 26/02/2022 GMT+7

Đừng là con rối mua vui

Đỗ Thành
Thứ 7, 26/02/2022 | 08:37:19 318 lượt xem
BPO - “Cho người canh giữ trước nhà, ngăn chặn việc đi lại là cách làm có hệ thống của chính quyền Việt Nam đối với các nhà hoạt động nhân quyền”. Đó là đoạn trích trong “phúc trình” của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) được VOA Tiếng Việt đăng ngày 18-2-2022. Có thể nói, đây là một sự xuyên tạc, vu khống trắng trợn tình hình nhân quyền ở Việt Nam của HRW và bè lũ phản động VOA tiếng Việt.

Cụ thể, trong bản “phúc trình” dài 66 trang có tựa đề “Bị nhốt ở trong nhà” của HRW, tổ chức này đã vu cáo các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam bị hạn chế quyền tự do đi lại. Theo giải thích của HRW, với cách làm này, các nhà hoạt động bị câu lưu trong thời gian vừa đủ lâu để không tham dự được các cuộc biểu tình, các phiên tòa hình sự… Cũng trong cái gọi là bản “phúc trình” này, HRW cho rằng đã ghi nhận hơn 170 trường hợp nhà hoạt động, blogger và nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị đàn áp, họ bị chặn trước cửa nhà, chặn trên đường đi, giữ lại không cho xuất, nhập cảnh ở sân bay, cửa khẩu và từ chối cấp hộ chiếu… Và cũng rất nực cười khi HRW dẫn chứng: “Ông Trịnh Bá Phương, một nhà tranh đấu các quyền về đất đai ở Việt Nam bị tuyên án 10 năm tù, đã quay lại cảnh an ninh thường phục dàn trận trước nhà, có hành động quát tháo, đe dọa và dường như đã hành hung ông”.

Nghe HRW diễn trò hề thấy gần giống nghệ thuật múa rối. Múa rối trong nước và trên thế giới đã có từ lâu đời, trải qua nhiều thế kỷ, con người đã phát triển nhiều loại hình múa rối khác nhau. Nhưng tựu trung lại, múa rối tức là không được tác động trực tiếp lên con rối, muốn điều khiển nó, con người phải thông qua dây, gậy hoặc vật trung gian nào khác. Con rối diễn tốt sẽ làm vui lòng người xem, từ đó mang lại lợi ích cho người điều khiển. Từ nghệ thuật múa rối, suy rộng ra trong trường hợp này, HRV, VOA tiếng Việt là “nghệ nhân” điều khiển, khán giả là các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam. Những con rối không não mua vui không ai khác là các “nhà hoạt động, blogger và nhà bất đồng chính kiến” ở Việt Nam. Trong thời gian gần đây, chính quyền địa phương, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý và giải quyết thấu tình, đạt lý các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện của công dân. Nhưng một số người cảm thấy vẫn chưa thỏa đáng, đã bị xúi giục, kích động, đẩy từ khiếu nại lên khiếu kiện, từ việc cá nhân trở thành vụ việc đông người. Từ đó, họ hô hào mình là “dân oan” rồi tụ tập kéo đến cơ quan đảng, nhà nước gây mất an ninh, trật tự. 

Điển hình cho những việc làm sai trái này, với vai trò là “con thiêu thân” trong hội tự xưng “nhóm dân oan”, đấu tranh giành lại quyền sở hữu đất đai, 3 mẹ con Cấn Thị Thêu (SN 1962), Trịnh Bá Phương (SN 1985), Trịnh Bá Tư (SN 1989), trú phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội đã kích động gần 200 người tập trung với băng-rôn, khẩu hiệu và có những hành động quá khích gây mất trật tự công cộng. Lúc này, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư đã lộ rõ bản chất của những kẻ chống phá Nhà nước qua các hành động như vậy. Lấy cái cớ bị chính quyền xử ép, bị oan, 3 mẹ con Thêu, Phương, Tư từ năm này qua năm khác hô hào khẩu hiệu đòi đất, đấu tranh cho cái gọi là “dân oan”. Tất cả hành động nêu trên của chúng nhằm mục đích gây tiếng vang, từ đó nhận được sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài và đạt được lợi ích cho bản thân. Với một danh sách tội trạng nghiêm trọng, mẹ con Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư đã bị xử phạt 8 năm tù và Trịnh Bá Phương chịu bản án 10 năm tù vì tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây rối trật tự công cộng. Đây là bản án khách quan, đúng người, đúng tội, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Đó cũng là cái kết xứng đáng cho hành vi coi thường pháp luật của các đối tượng quá khích. 

Thực tế Nhà nước Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi người dân và thực hiện tốt việc giải quyết đơn thư khiếu nại. Từ năm 1959, khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1946, với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu tất cả cơ quan nhà nước phải kính trọng dân, gần dân, dựa vào dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Điều này được bổ sung, phát triển qua các năm, gần đây nhất là Hiến pháp năm 2013, tại Điều 30 quy định: Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong quá trình hình thành và phát triển, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều tôn trọng, nỗ lực giải quyết mọi yêu cầu khiếu kiện, khiếu nại của người dân nhưng tất cả đều phải trong khuôn khổ của pháp luật. Mỗi người dân cần nêu cao trách nhiệm, phân biệt rõ giới hạn của quyền khiếu nại, tố cáo, đấu tranh với những hành vi sai trái. Bảo vệ quyền lợi của mình nhưng phải đúng quy định với tinh thần thượng tôn pháp luật. Đối với các trường hợp lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối trật tự công cộng, xúc phạm uy tín, danh dự cơ quan, tổ chức, cá nhân đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo Luật Khiếu nại năm 2011, tại khoản 5, 6, 7 Điều 6, quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong khiếu nại gồm: Cố tình khiếu nại sai sự thật; kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại gây rối an ninh, trật tự công cộng; lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác. 

Sử dụng danh nghĩa “dân oan” để viện dẫn các vấn đề dân chủ, nhân quyền, bọn phản động lưu vong đã móc nối các phần tử quá khích và hướng họ tham gia các hoạt động chống phá chính quyền. Phương thức, thủ đoạn hoạt động ưa thích của chúng là lôi kéo, kích động, hỗ trợ tài chính, hướng dẫn người dân khiếu kiện tham gia các tổ chức trá hình. Từ đó, chúng tập hợp lực lượng, tổ chức tuần hành, biểu tình trái pháp luật gây phức tạp tình hình an ninh trật tự. Nhiều người dân vì lợi ích kinh tế, vì sự thiếu hiểu biết đã tin theo, tiếp tay cho các đối tượng thù địch để rồi chính họ cũng vướng vào vòng lao lý. Những hoạt động bình thường trong mọi quốc gia đều phải nằm trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Không nơi nào dung túng cho những kẻ lấy danh nghĩa đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền để gây mất ổn định chính trị, phá hoại sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Kẻ có tội đã phải trả giá với bản án thích đáng, nghiêm khắc của luật pháp. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những đối tượng đang có ý định làm “con rối mua vui” phải biết điểm dừng, đừng làm điều tương tự để rồi phải nhận trái đắng.

  • Từ khóa
137591

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu