Thứ 2, 20/05/2024 23:09:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:23, 23/02/2022 GMT+7

Sự thật không thể nói khác

Nhật Minh
Thứ 4, 23/02/2022 | 10:23:09 590 lượt xem
BPO - Theo hãng tin AFP, ngày 12-1-2022, Cục Đại dương, Môi trường quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo nghiên cứu số 150 dài 47 trang về các ranh giới biển. Nội dung của báo cáo này phân tích các yêu sách biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở biển Đông. Theo báo cáo này, các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là Nam Hải chư đảo, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, là trái với luật pháp quốc tế. Đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tự vẽ ở Hoàng Sa và dự định áp dụng ở Trường Sa là bất hợp pháp, không theo đúng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Do đó, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc nhằm ủng hộ trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở biển Đông và trên toàn thế giới.

Cụ thể, theo trang “Dự án đại sự ký biển Đông”, có địa chỉ https://dskbd.org, về yêu sách chủ quyền đối với các thực thể địa lý ở biển Đông, báo cáo kết luận: Yêu sách của Trung Quốc đối với hơn 100 thực thể chìm ở triều cao ở biển Đông, không đáp ứng được định nghĩa của luật quốc tế về “đảo” và nằm ngoài lãnh hải hợp pháp, là không phù hợp với luật pháp quốc tế, do đó sẽ không được Hoa Kỳ và các quốc gia khác công nhận. Kết luận này cũng bao gồm tất cả thực thể  địa lý chìm dưới mực nước biển như bãi ngầm James (Tăng Mẫu), bãi Tư Chính, bãi ngầm Trung Sa và bao gồm bất kỳ yêu sách chủ quyền nào đối với các thực thể địa lý chìm ở triều cao như Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây hoàn toàn nằm ngoài lãnh hải hợp pháp và không phải là đối tượng của việc thụ đắc lãnh thổ theo luật quốc tế. 

Về yêu sách đường cơ sở thẳng, báo cáo viện dẫn kết luận của Tòa án công lý quốc tế (ICJ) về đường cơ sở thẳng và khẳng định rằng các đường cơ sở mà Trung Quốc thiết lập đối với quần đảo Hoàng Sa và ý đồ của quốc gia này nhằm thiết lập đường cơ sở xung quanh các nhóm đảo khác ở biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế. Không có bất kỳ đảo hoặc nhóm đảo nào trong số 4 nhóm đảo mà Trung Quốc gọi là “Nam Hải Chư Đảo” đáp ứng đủ các điều kiện địa lý để thiết lập đường cơ sở thẳng theo Điều 7 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Báo cáo cũng đưa ra các minh chứng để chứng minh rằng không có bất kỳ tập quán quốc tế nào tạo ra các cơ sở pháp lý thay thế cho phép các quốc gia lục địa như Trung Quốc yêu cầu đường cơ sở thẳng ở các nhóm đảo xa bờ.

Yêu sách đối với các vùng biển, báo cáo nhắc lại các quy định của UNCLOS 1982 về cách xác định và quy chế pháp lý của lãnh hải, vùng tiếp giáp, EEZ và thềm lục địa. Cuối cùng, báo cáo kết luận: Yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh “Nam Hải Chư Đảo” cũng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Bất kỳ yêu sách nào về nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa dựa trên việc coi các nhóm đảo ở biển Đông là “một thể thống nhất” đều không được pháp luật quốc tế cho phép.

Về yêu sách quyền lịch sử, báo cáo khẳng định không có bất kỳ điều khoản nào của UNCLOS quy định về quyền lịch sử cũng như không có bất kỳ cách hiểu, giải thích nào về thuật ngữ “quyền lịch sử” trong hệ thống pháp luật quốc tế. Hai trường hợp được UNCLOS đề cập đến là Vịnh lịch sử tại Điều 10, và Danh nghĩa lịch sử tại Điều 15 khi xác định các vùng biển chồng lấn. Những điều khoản này cũng tương tự như các quy định được thỏa thuận trước đó trong Công ước Geneva năm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp. Việc UNCLOS không quy định về quyền lịch sử cũng được kết luận trong Phán quyết trọng tài biển Đông năm 2016. Do đó, yêu sách của Trung Quốc đối với các “quyền lịch sử” là không phù hợp với pháp luật quốc tế… Đồng thời, báo cáo này cũng khẳng định: Trung Quốc không có bất cứ cơ sở nào trong UNCLOS để đưa ra yêu sách trên biển Đông. 

Như vậy, Báo cáo số 150 về các ranh giới biển của Bộ Ngoại giao Mỹ với nội dung phân tích các yêu sách về biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở biển Đông là đúng sự thật và hoàn toàn phù hợp với quy định quốc tế được nêu trong UNCLOS. Đồng thời, báo cáo này một lần nữa đã khẳng định tính trung thực, chính đáng trong phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ngày 13-7-2016. Theo đó, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế khẳng định: Yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” là trái với UNCLOS; Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường chín đoạn”. Theo Tòa trọng tài quốc tế, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của Đá Vành Khăn hay bãi Cỏ Mây. Tòa trọng tài quốc tế cũng khẳng định, thực thể Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là “bãi đá”, nên không có vùng đặc quyền kinh tế…

Ngày 14-1-2022, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển. Liên quan đến các tranh chấp ở biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng của mình, cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương. Theo đó, Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS… Việt Nam một lần nữa đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông”…

Tóm lại, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa thừa nhận tính đúng đắn của UNCLOS 1982, đồng thời công nhận sự thật về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông. Nói cách khác thì những quyền này của Việt Nam ở biển Đông là sự thật không thể phủ nhận, không thể nói khác được. Và quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là nhất quán, bất di bất dịch, mọi yêu sách của các quốc gia ven biển Đông phải tuân thủ theo UNCLOS. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, thời gian gần đây, các cá nhân, tổ chức phản động, thù địch và cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước vào hùa với nhau rồi tru tréo lên rằng: Việt Nam đã “phụ” lòng tốt của Mỹ, tại sao chỉ là “ghi nhận” chứ không phải là cảm ơn?…

Đây quả là tư duy trơ trẽn đến tận cùng của sự bỉ ổi. Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng bên cạnh những khó khăn, thách thức, đất nước ta luôn có những thời cơ tạo đà cho chiến thắng và phát triển. Thời cơ ấy do truyền thống anh hùng, lịch sử đất nước tạo nên. Thời cơ ấy kết tinh từ những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và từ đó tạo ra cho đất nước sức mạnh tổng hợp để chiến thắng mọi kẻ thù dù chúng mạnh gấp bội lần, thậm chí là tàn bạo nhất hành tinh. Đó chính là bản lĩnh, là trí tuệ Việt Nam.

  • Từ khóa
137481

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu