Thứ 2, 20/05/2024 22:12:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:57, 21/02/2022 GMT+7

Chiêu trò hạ đẳng

Nhật Minh
Thứ 2, 21/02/2022 | 09:57:08 422 lượt xem
BPO - Ngày 25-10-2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định này thay thế Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Một trong những điểm bổ sung trong quy định mới là, đảng viên không được nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định…

Ngay sau khi ban hành, quy định mới đã nhận được sự đồng thuận cao của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước. Vì quy định mới không chỉ kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp mà còn bổ sung những nội dung mới cho phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, quy định mới đã thể hiện rõ tinh thần nhất quán trước sau về quan điểm đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ, vai trò tiên phong gương mẫu và phẩm chất đạo đức của người đảng viên. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị đã lợi dụng vấn đề này để “bẻ cong” sự thật, hướng lái dư luận theo ý đồ đen tối của chúng. Cụ thể, các đối tượng này suy diễn rằng, với việc ban hành Quy định số 37-QĐ/TW là “Đảng đứng trên pháp luật”. Và chúng cho rằng, “những điều ấy pháp luật đã cấm rồi, đảng viên cũng là công dân, thêm điều cấm là Đảng đứng trên, đứng ngoài pháp luật”.

Trong khi đó, trong Luật Quốc tịch hiện hành đã quy định rõ, Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác. “Quy định khác” ở đây được áp dụng đối với các trường hợp: Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam… Tại Điều 21 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: Kể từ ngày 1-7-2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn có quốc tịch Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện có một số quốc gia cho phép người nước ngoài nộp phí để được nhập quốc tịch. Lợi dụng vấn đề này, một số công dân Việt Nam là người có điều kiện và trong đó có cả đảng viên, thậm chí là đại biểu Quốc hội đã mang 2 quốc tịch. 

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã nêu rõ: “Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Như vậy, theo quy định này thì đại biểu Quốc hội không được phép có quốc tịch thứ 2. Thế nhưng mới đây, báo chí nước ngoài phản ánh một vụ rò rỉ các tài liệu mật của Chính phủ Cộng hòa Síp cho thấy, có hàng chục quan chức cấp cao và gia đình của họ tại một số nước đã mua “hộ chiếu vàng” của Síp trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019. Cụ thể là tờ Al Jazeera phản ánh, trong số những người mua hộ chiếu của Síp có ông Phạm Phú Quốc là đại biểu Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã tổ chức bỏ phiếu kín về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Phạm Phú Quốc. Trước đó, năm 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng đã bị bác tư cách đại biểu Quốc hội vì có thêm quốc tịch Malta. Việc nhập quốc tịch Malta không được bà Hường kê khai trong hồ sơ ứng cử. Ngay sau đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu kín bác tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV của bà Hường. Lợi dụng sự việc này, một số cá nhân, tổ chức phản động đã tru tréo lên rằng, việc có quốc tịch thứ 2 là nhu cầu tất yếu của công dân, là quyền cơ bản của công dân. Dù là cán bộ, đảng viên thì họ cũng là công dân, nên họ không thể bị tước quyền này…

Trong khi đó, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy định rõ, đảng viên phải: Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng… Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm… Như vậy, những quy định của Đảng và cao nhất là Điều lệ Đảng hoàn toàn phù hợp với những quy định của pháp luật Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rất rõ: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Do đó, hoàn toàn không có chuyện “Đảng đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật”, như lời lẽ của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị vẫn rêu rao trên các trang mạng xã hội. Thực chất, đây là âm mưu của các thế lực đen tối hòng hạ thấp mục tiêu, vai trò, ý nghĩa trong quy định mới của Đảng về những điều đảng viên không được làm. 

Bởi lẽ, mục đích thâm độc của chúng là nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng, với mục tiêu đen tối là làm giảm niềm tin đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đích đến cuối cùng của chúng là làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng; đồng thời, hạ thấp, thúc đẩy, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, từ thủ đoạn bỉ ổi này cho chúng ta thấy rõ bản chất xấu xa, đen tối nhưng vô cùng ngớ ngẩn của chúng. Bởi vì, trên thế giới này và ở bất cứ quốc gia nào không có đảng cầm quyền nào lại cho phép đảng viên của mình, nhất là những đảng viên có chức, có quyền mang 2 quốc tịch. Đặc biệt, trên thế giới hiện nay có rất nhiều quốc gia, như: Nhật Bản, Áo, Hà Lan, Ba Lan, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ukraine, Indonesia, Ả Rập Saudi, Trung Quốc… không cho phép công dân có 2 quốc tịch. 

Do đó, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị dù có chống phá bằng các thủ đoạn thâm độc, tinh vi đến đâu thì những chiêu trò hạ đẳng của chúng không thể lừa phỉnh được ai. Vì thực tế cho thấy, việc Đảng ta sửa đổi, bổ sung quy định về những điều đảng viên không được làm không chỉ thể hiện quyết tâm của Đảng mà còn tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, đây cũng là việc tăng cường kỷ luật trong Đảng để rồi qua đó giúp mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, sửa đổi lề lối, phong cách, tác phong làm việc; nghiêm khắc tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Và quan trọng hơn là với quy định về những điều đảng viên không được làm sẽ góp phần cảnh tỉnh, khắc phục, sửa chữa dứt điểm nhiều hạn chế, khuyết điểm trong mỗi tổ chức và từng đảng viên. Từ đó, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, lập lại trật tự, kỷ cương trong Đảng và hệ thống chính trị.

  • Từ khóa
137321

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu