Thứ 2, 20/05/2024 19:40:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 14:57, 16/02/2022 GMT+7

Những kẻ “khóc mướn”

Lê Đô
Thứ 4, 16/02/2022 | 14:57:43 1,553 lượt xem
BPO - Ở Việt Nam, cứ mỗi khi cơ quan chức năng tiến hành khởi tố điều tra những vụ án nào có liên quan đến các tội danh quy định tại các điều 117, 331… của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì “làng dân chủ” trong và ngoài nước như được mở hội. Mặc dù chưa biết bản chất vụ án thế nào nhưng chúng sẽ tìm mọi cách để tung hô, tâng bốc, cổ xúy để miễn làm sao được trở thành những người bạn “đồng hành” với các đối tượng bị khởi tố.

Vừa qua, ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Tùng Vân và 3 bị can khác về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331. Lợi dụng sự việc nêu trên, các đối tượng cơ hội chính trị, phản động đã phát tán nhiều bài viết trên các trang mạng, blog... Điển hình: Ngày 7-1-2022, trên trang blog cá nhân, đối tượng Nguyễn Văn Tuấn tán phát bài “Câu chuyện Thiền Am: Lịch sử lập lại”; ngày 8-1-2022, trên trang RFA, đối tượng Gió Bấc tán phát bài “Đàn áp Tịnh Thất Bồng Lai: Cuộc đấu tố hoành tráng chưa có tiền lệ”; ngày 9-1-2022, trên trang Việt Nam Thời Báo, đối tượng Ngọc Lan tán phát bài “Khởi tố ông Lê Tùng Vân để ngừa hậu họa” và nhiều bài viết khác trên các trang Việt Tân, BBC… Nội dung của các bài viết tập trung phản đối cơ quan chức năng khởi tố “người vô tội”; vu cáo Việt Nam “vi phạm” tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền; xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó bôi nhọ, nói xấu Đảng, nói xấu chế độ.

Ở Việt Nam, với đặc điểm là một quốc gia đa dân tộc và tôn giáo, cho nên Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của từng công dân. Điều này được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và pháp luật. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật”. Điều đó được cụ thể hóa trong Hiến pháp năm 2013 tại Điều 24 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đến ngày 18-11-2016, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là cơ sở để các tôn giáo hoạt động. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Trên thực tế, theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ tại hội nghị tổng kết của Bộ Nội vụ ngày 12-1-2022 cho biết, trong năm 2021, số lượng tín đồ tôn giáo ở Việt Nam tăng hơn 57.000 người, cơ sở thờ tự tăng 358 cơ sở so với năm 2020. Tính đến tháng 11-2021, Việt Nam có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước. Có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Như vậy, với hệ thống pháp luật đầy đủ, sự phát triển của số lượng tín đồ tôn giáo và các cơ sở thờ tự những năm qua, chúng ta có thể nhận thấy không có chuyện Việt Nam “vi phạm”, “đàn áp” tự do tôn giáo như những gì mà chúng rêu rao.

Còn đối với cái gọi là “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền Am bên bờ vũ trụ”, chúng ta khẳng định đây không phải là cơ sở thờ tự tôn giáo mà là cơ sở mạo danh Phật giáo để trục lợi. Ông Lê Tùng Vân cùng với những người trong Tịnh thất Bồng Lai đã lợi dụng danh nghĩa nuôi dưỡng trẻ mồ côi để kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Nếu là một cơ sở thờ tự của Phật giáo hợp pháp thì phải được Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ quan chức năng cấp phép. Trong khi đó, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã có văn bản khẳng định “Tịnh thất Bồng Lai” không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh quản lý. Hay khi các cơ quan chức năng kiểm tra hành chính, ngay chính những người trong “Tịnh thất Bồng Lai” cũng khẳng định mình là người dân bình thường và đó là nhà chứ không phải cơ sở tôn giáo. Thế nhưng khi đăng tải các video clip trên các kênh YouTube, trang mạng xã hội thì lại tự nhận là chùa và họ là các thầy và sư cô. Bên cạnh đó, “Tịnh thất Bồng Lai” còn đăng tải các video vu cáo Công an huyện Đức Hòa, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc và chống phá chính quyền. Những video clip về các hoạt động sai trái của “Tịnh thất Bồng Lai” ai trong chúng ta cũng có thể xem khi nó đang được đăng tải rất nhiều trên các trang mạng xã hội. Những vi phạm của “Tịnh thất Bồng Lai” thời gian qua đang bị dư luận cả nước lên án mạnh mẽ. Tất cả hành vi vi phạm pháp luật của “Tịnh thất Bồng Lai” sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Một lần nữa, chúng ta thấy rằng để chống phá Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch không từ bỏ bất cứ một “cơ hội” nào. Mục đích của chúng là tìm mọi cách, lợi dụng mọi vụ án, khía cạnh của đời sống xã hội để xuyên tạc, bôi xấu, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta, kích động gây mất niềm tin trong nhân dân hòng thay đổi chế độ ở Việt Nam. Do đó, trước khi có kết luận của cơ quan chức năng, chúng ta cần theo dõi, chọn lọc thông tin để có cái nhìn khách quan về vụ án, tránh bị các thế lực thù địch “dắt mũi” mà suy nghĩ và hành động sai trái.

  • Từ khóa
137146

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu