Thứ 3, 21/05/2024 00:35:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:29, 25/11/2021 GMT+7

Đừng có “bao đồng”

Đỗ Thành
Thứ 5, 25/11/2021 | 08:29:46 536 lượt xem
BPO - Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 25-10-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định 37 đã thay thế Quy định 47 năm 2011 về những điều đảng viên không được làm. Quy định mới vẫn giữ nguyên 19 điều như quy định trước, kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp và bổ sung một số nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.

Mục đích đưa ra Quy định 37 nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Đây được coi là kim chỉ nam trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Tuy nhiên, ngay sau khi Quy định 37 được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên các trang báo phản động cũng xuất hiện các bài viết mang quan điểm chống đối với các luận điệu xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ.

Việc mình chưa xong, còn lo chuyện “bao đồng” cho người khác. Đó chính là một phần bản chất của Việt Tân khi nhắc đến tổ chức này. Những bài viết mang màu sắc chính trị, những âm mưu đen tối được đăng tải trên trang facebook, youtube Việt Tân với tần suất như “nấm mọc sau mưa”. Nội dung chủ yếu xuyên tạc, chống phá Quy định 37 mới ban hành như: “Liệu Quy định số 37 của ĐCSVN có kiểm soát được các đảng viên?”; “Vì sao không muốn vào Đảng?”; “Cấm đảng viên nhập tịch nước ngoài, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh”… Những bài viết này đa số trích dẫn ý kiến của những người tự gắn mác những nhà làm luật, người yêu nước… vốn có định kiến với chế độ, từng có nhiều hoạt động chống phá, xuyên tạc núp dưới danh nghĩa của cái gọi là “tiếng nói phản biện”. Bằng giọng điệu hằn học, các lập luận đưa ra đều mang tính suy diễn, quy chụp bởi tư tưởng cực đoan. Việt Tân đều quy kết trong các bài viết rằng: “Quy định số 37 chỉ đóng vai trò tuyên truyền, tô vẽ hình ảnh cho một Đảng cộng sản ngày càng xuống cấp, không còn uy tín. Một Đảng mà người ta chỉ lợi dụng nó để kiếm chác, đục khoét. Sự tồn tại của nó hiện đang là một rào cản cho tự do và sự phát triển của dân tộc”.

Thân mình là một đảng chống phá lưu vong, không có “mảnh đất cắm dùi”. Về độ tuổi nếu so với Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 91 năm thành lập thì chỉ là hàng “cháu chắt” (theo cách xưng hô, không ai dám nhận họ hàng với Việt Tân), biết gì mà nói.

Quy định số 37 ban hành trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quy định số 47 về những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương nhận định Quy định số 47 đã góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nó đã góp phần giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của đảng viên. Quy định 47 đã chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ngoài ra, Quy định 47 còn là căn cứ, cơ sở để xem xét, xử lý các vi phạm, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Quy định số 47 đã bộc lộ một số nội dung hạn chế, chưa bao quát đầy đủ việc không được làm. Quy định 47 chưa theo kịp thực tiễn phát triển của đời sống xã hội hiện nay và đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Quy định số 47 có một số nội dung chưa cập nhật, bổ sung kịp thời nhiều quyết định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy chuẩn về đạo đức, lối sống nên khi áp dụng còn gặp những khó khăn nhất định. Ngoài ra, Quy định số 47 có một số nội dung trùng lặp, thiếu tính tổng hợp. Từ thực tiễn đó, Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đã thống nhất ban hành Quy định số 37. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu đã khẳng định: “Cái mới lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực; bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiêu cực sát hợp với tình hình mới”.

Thực tiễn trong công cuộc đổi mới đặt ra rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Những nhiệm vụ đó đòi hỏi Đảng phải không ngừng bổ sung, phát triển cương lĩnh, đường lối, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ, uy tín, năng lực mới có thể hoàn thành trách nhiệm và quyền hạn được giao. Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ban hành Quy định số 37 là hết sức cần thiết nhằm nâng cao năng lực của Đảng cầm quyền, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, xa rời chuẩn mực của cán bộ, công chức là vấn đề được hầu hết các quốc gia quan tâm và có thiết chế, quy định.

Thực tế không thể phủ nhận dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Nhưng không thể nói sự tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên là bản chất của thể chế chính trị ở Việt Nam. “Bao đồng” nhằm mục đích lo cho dân, cho nước là việc làm đáng khích lệ, biểu dương, nhưng “bao đồng” như Việt Tân thì là kiểu phá hoại và không ai đồng tình, ủng hộ. Đây là một trong những âm mưu “diễn biến hòa bình” với thủ đoạn rất tinh vi, thâm độc của Việt Tân nhằm chống phá Đảng.

Việc hoàn thiện chủ trương, đường lối, quy định về những điều đảng viên không được làm là để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Đây là hoạt động bình thường, cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Mọi sự bịa đặt, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam với bề dày lịch sử truyền thống đều là hành động vô nghĩa.

  • Từ khóa
133094

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu