Thứ 3, 21/05/2024 03:20:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:00, 20/09/2021 GMT+7

Xét nghiệm diện rộng có lãng phí?

Lê Đô
Thứ 2, 20/09/2021 | 05:00:19 1,344 lượt xem
BPO - Trong trận chiến lần thứ tư chống “giặc” Covid-19, Hà Nội chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công, với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ. Với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao, thành phố đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, trở thành kinh nghiệm quý để các địa phương trong cả nước học tập. Trong đó, nhiều ý kiến ghi nhận, Hà Nội đã không chỉ bám sát tình hình, dự báo chính xác mà còn đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp.

Việc duy trì tốt các giải pháp giãn cách xã hội, phân vùng chống dịch, kết hợp với xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết tận cùng F1 mà Hà Nội đang triển khai thực hiện được đánh giá là giải pháp quyết định giúp thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, mấy ngày hôm qua, trên các diễn đàn về chính trị, một số “chuyên gia phòng, chống dịch” đưa thông tin Hà Nội đã phải chi số tiền ước tính 572 tỷ đồng trong chiến dịch xét nghiệm diện rộng với hơn 3 triệu mẫu, qua đó phát hiện 19 F0 trong cộng đồng, tương đương với việc chi 30 tỷ để phát hiện 1 F0. Họ cho rằng, việc xét nghiệm diện rộng như trên là lãng phí kinh phí và nhân lực, quan trọng là không giải quyết vấn đề gì cho công tác chống dịch của thành phố.

Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng. Ảnh minh họa

Thực tế, vào ngày 23-8-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện hỏa tốc số 1102/CĐ-TTg “về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc”. Nội dung công điện nhấn mạnh: “Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế”. Không phải chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới, việc xét nghiệm trên diện rộng được rất nhiều nước áp dụng và đưa lại những hiệu quả tích cực. Như Trung Quốc xác định xét nghiệm diện rộng là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phòng ngừa và kiểm soát “không khoan nhượng” với dịch Covid-19. Hay Hàn Quốc - "điểm sáng" thực hiện mục tiêu kép trong đại dịch Covid-19, các cơ sở xét nghiệm Covid-19 được thiết lập ở nhiều nơi, tại các địa phương (kể cả bên lề đường) để tạo điều kiện dễ dàng và nhanh nhất cho việc xét nghiệm diện rộng. Hay ở phương Tây, trong suốt đại dịch, Đức là nước dẫn đầu thế giới về việc xét nghiệm trên diện rộng, điều đó đã giúp cho quốc gia này sớm mở cửa trở lại.

Như vậy, việc xét nghiệm diện rộng là một khâu có tính chất quyết định, cùng với việc đẩy mạnh tiêm vắc xin - là chìa khóa để nới lỏng các biện pháp giãn cách, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Thông qua xét nghiệm diện rộng, giúp chính quyền đánh giá tình hình nhiễm bệnh trong dân, từ đó chính quyền đưa ra các quyết định đúng đắn, phù hợp sớm nhất có thể. Và thực tế, nhờ việc xét nghiệm diện rộng lần này, thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp nới lỏng giãn cách, số khu vực vùng đỏ được thu hẹp nhiều. Đây là một trong những tác dụng rất lớn mà xét nghiệm đem lại.

Về khía cạnh chống dịch, thông qua xét nghiệm, thành phố Hà Nội đã phát hiện được 19 trường hợp F0. Nên nhớ, đây là trường hợp phát hiện trong cộng đồng, chứ không phải trong khu cách ly; tức là không hề có yếu tố dịch tễ liên quan đến các trường hợp đã bị phát hiện. Thử hỏi, để thêm 14 ngày nữa, khi thành phố nới lỏng giãn cách, 19 trường hợp này sẽ lây nhiễm cho bao nhiêu trường hợp nữa. Nếu chúng ta không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng để khoanh vùng, phân chia vùng và dập dịch như hiện nay Hà Nội đang làm thì liệu một kịch bản TP. Hồ Chí Minh thứ hai có xảy ra với Hà Nội hay không? Nên nhớ rằng, đợt bùng phát dịch lần thứ tư này ở TP. Hồ Chí Minh bắt nguồn từ 3 chuỗi lây nhiễm tại một công ty ở quận 3, quán bánh canh quận 3 và Hội truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp đến nay đã có hơn 331.032 ca mắc.

Còn nếu xét về khía cạnh kinh tế, nếu Hà Nội bùng dịch, phát sinh từ các ổ dịch từ 1 trong số 19 ca bệnh này thôi, hậu quả về kinh tế sẽ lớn như thế nào. Công sức tiến hành giãn cách 1 tháng rưỡi vừa qua sẽ bị cuốn sạch sẽ. Và nếu thành phố lại phải tiếp tục giãn cách, thì thiệt hại kinh tế sẽ lớn như thế nào. Chỉ làm một phép tính đơn giản, mỗi ngày giãn cách, ngân sách Hà Nội thiệt hại từ 300 - 400 tỷ, chưa kể tài sản của người dân, doanh nghiệp, thử hỏi một ngày, con số thiệt hại có lên tới hàng nghìn tỷ hay không?

Với dân số hơn 8,5 triệu người nhưng chỉ có hơn 3.800 ca mắc Covid-19, đặc biệt, trong những ngày qua, Hà Nội đã liên tiếp không phát hiện ra F0 trong cộng đồng thì chúng ta thấy được sự hiệu quả của các giải pháp phòng, chống dịch của Hà Nội, trong đó có việc khẩn trương tiến hành xét nghiệm rộng trong cộng đồng. Với số tiền 527 tỷ (nếu có) thì cũng là con số rất nhỏ, so với số tiền hàng chục nghìn tỷ mà ngân sách Nnhà nước, người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu nếu dịch bệnh không được giải quyết triệt để và dịch bệnh kéo dài.

Các “chuyên gia phòng, chống dịch” suy cho cùng cũng chỉ là một vài đối tượng cơ hội chính trị, sử dụng chiêu bài “đội lốt” để công kích, xuyên tạc, chống phá nhằm gây hoang mang, nghi ngờ trong dư luận, làm suy giảm lòng tin trong nhân dân, qua đó vu cáo và tác động tiêu cực tới các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Ðảng và Nhà nước ta. Do đó, mỗi chúng ta cần sáng suốt, tỉnh táo để kịp thời nhận diện, phát hiện và đấu tranh với những âm mưu của chúng, góp phần đẩy lùi những thông tin sai trái, giữ vững trận địa tư tưởng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

  • Từ khóa
130097

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu