Thứ 6, 10/05/2024 10:37:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:24, 31/01/2021 GMT+7

Vị thế Việt Nam

Hồng Hạnh
Chủ nhật, 31/01/2021 | 08:24:48 432 lượt xem
BPO - Ngày 27-12 năm nay đã trở thành một ngày đặc biệt - Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh. Trước đó, ngày 7-12-2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã đồng thuận cao trong việc ban hành Nghị quyết số A/RES/75/27 về thành lập Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27-12 hằng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này và cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng LHQ.

Điểm đáng chú ý là nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và giải pháp đa phương ở cả 4 cấp độ: cá nhân, cộng đồng, quốc gia và quốc tế trong việc phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, nghị quyết kêu gọi tất cả quốc gia thành viên LHQ, các tổ chức trong hệ thống của LHQ, các tổ chức quốc tế và khu vực khác, khu vực tư nhân và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các cá nhân và tác nhân liên quan khác… nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ngăn ngừa, chuẩn bị và hợp tác ứng phó với dịch bệnh. Qua đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.

Vì vậy, đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ quốc gia thành viên LHQ. Đồng thời, sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi của cộng đồng quốc tế, vì có tới 112 nước thành viên LHQ đã tham gia bảo trợ nghị quyết này. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cho hay: “Sáng kiến của Việt Nam đưa ra đúng thời điểm và trúng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đóng góp thực chất vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác trên thế giới đã xảy ra hoặc sẽ xuất hiện trong tương lai. Hơn thế nữa, các quốc gia đánh giá cao đề xuất và tin tưởng vào sự lựa chọn của Việt Nam bởi lẽ chúng ta đã chống dịch Covid-19 rất tốt. Từ thành tựu trong nước, chúng ta có tiếng nói với khu vực và thế giới. Ý tưởng này cũng càng trở nên thiết thực hơn và có ý nghĩa hơn, không chỉ đối với riêng Việt Nam mà cả thế giới”.

Điều này cho thấy sáng kiến của Việt Nam đáp ứng đúng sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế về phòng, chống đại dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác hiện nay và trong tương lai. Và quan trọng hơn thế, thế giới đã nhận thấy các giải pháp hữu hiệu của Việt Nam trong việc chủ động thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới”, triển khai đồng bộ và hài hòa các giải pháp bảo đảm phòng chống dịch đi đôi với phục hồi kinh tế, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư xuyên biên giới, duy trì các chuỗi cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, trang thiết bị y tế... 

Đặc biệt, một lần nữa quan điểm của Nhà nước Việt Nam là lấy lợi ích của người dân làm trung tâm cho mọi chính sách và hành động, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. Đây thực sự là một dấu son thành công của chủ trương chủ động hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam. Đây cũng là một hành động cụ thể trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, đồng thời phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất ý tưởng của Việt Nam tại các cơ chế đa phương đã thể hiện rõ vai trò tích cực của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Điều này không chỉ được các nước trong khu vực, mà cả cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Thực tế là như vậy, nhưng bất chấp những thành tựu trong công tác đối ngoại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã giành được, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở cả trong, ngoài nước từ nhiều năm nay vẫn ra sức phủ nhận, tìm mọi cách tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Thủ đoạn của chúng thường núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”… và được thể hiện bằng một thái độ bất mãn, chống phá quyết liệt. Đồng thời, thông qua những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, các thế lực thù địch đã vu cáo trắng trợn là Đảng, Nhà nước Việt Nam đang “đi dây trong quan hệ với các nước lớn”. Chưa hết, chúng còn lớn tiếng lộng ngôn rằng, để giữ độc lập, chủ quyền... phải “thoát Trung”; hay “chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc mạnh thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo”; hoặc chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam là “tự trói tay mình”… 

Thậm chí, ngay cả với việc Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo quốc tế, chúng cũng “phun” ra những quan điểm sai trái, lệch lạc rằng, đất nước còn nghèo, tốn tiền dân, không nên tổ chức các sự kiện quốc tế, như: Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều… Đặc biệt, khi công tác chống dịch của Việt Nam có được những thành công đáng khích lệ, được dư luận quốc tế đánh giá cao, các thế lực thù địch lại ra sức xuyên tạc, kích động bằng những luận điệu vô cùng trơ trẽn rằng, Việt Nam “giấu dịch” hay Việt Nam sản xuất được kít xét nghiệm sao còn xin viện trợ của Hàn Quốc… Nguy hiểm hơn, chúng còn tìm cách bôi đen uy tín của Đảng và Chính phủ bằng lập luận rằng: “Việt Nam chống dịch thành công nhờ hệ thống theo dõi, đàn áp”… 

Và sự chống phá trên bình diện thông tin đối ngoại diễn ra thường xuyên và liên tục, với sự câu kết chặt chẽ của các thành phần thù địch, cơ hội trong và ngoài nước. Đồng thời, hoạt động này còn được sự hậu thuẫn tích cực của các đài phát thanh, một số hãng truyền thông, các tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài, như: BBC, RFI, VOA, RFA… Mục tiêu của các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị là cố gắng tạo ra một hình ảnh xấu về Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, rồi từ đó gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng và quan ngại đối với dư luận trong và ngoài nước, gây ảnh hưởng tới cách nhìn, nhận thức của cộng đồng quốc tế đối với chủ trương, quan điểm, vai trò và uy tín của Đảng, Nhà nước ta. Thâm độc và nham hiểm hơn, từ luận điệu xuyên tạc đó, chúng biến không thành có rồi thổi phồng lên để không những gây mất an ninh, trật tự xã hội, mà còn làm xấu đi hình ảnh của một đất nước Việt Nam ổn định, hòa bình, điểm đến an toàn, hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế, làm tổn hại tới mối quan hệ Việt Nam với các đối tác.

Tuy nhiên, những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực chống phá Việt Nam dù có tinh vi, xảo quyệt và thâm độc đến đâu cũng không thể đảo ngược sự thật về những thành tựu trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác đối ngoại của Việt Nam. Bởi lẽ, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công tác ngoại giao đã tạo nền tảng thuận lợi cho việc đổi mới, phát triển và quảng bá hình ảnh, vị thế của đất nước, về uy tín của Đảng ta. Đây chính là giải pháp đấu tranh hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội.

  • Từ khóa
119538

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu