Thứ 6, 10/05/2024 17:01:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 07:55, 24/01/2021 GMT+7

Ai là người mơ hồ?

Hồng Hạnh
Chủ nhật, 24/01/2021 | 07:55:00 486 lượt xem
BPO - Ngày 5-1-2021, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa công khai xét xử vụ án làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với 3 bị cáo: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Theo đó, tòa đã tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù; phạt các bị cáo Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài hình phạt tù, các bị cáo còn bị phạt quản chế 3 năm, đồng thời tịch thu toàn bộ số tiền liên quan đến việc phạm tội.

Chỉ 3 ngày sau khi phiên tòa kết thúc (ngày 8-1), Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) đã phát đi cái gọi là thông cáo báo chí để “bày tỏ quan ngại” đối với việc Việt Nam sử dụng “luật được định nghĩa mơ hồ” để bắt giữ tùy tiện ngày càng nhiều nhà báo, blogger và những người bảo vệ nhân quyền. Và OHCHR nhìn nhận rằng đây dường như là một phần của một “sự kìm hãm ngày càng tăng”, “đối với quyền tự do ngôn luận” ở Việt Nam. Tiếp đó, bà Shamdasani, người phát ngôn của OHCHR còn nói với báo chí phương Tây rằng, “cả ba người này đều bị giam giữ kéo dài trước khi xét xử, và mặc dù được Chính phủ đảm bảo đúng pháp luật và đúng quy trình, nhưng vẫn có những lo ngại nghiêm trọng về việc liệu quyền của họ đối với một phiên tòa công bằng có được tôn trọng đầy đủ hay không?”. 

Chưa hết, bà Shamdasani còn đưa ra cái gọi là lưu ý rằng, “việc Việt Nam sử dụng luật được định nghĩa mơ hồ để bắt giữ người một cách tùy tiện là vi phạm Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), về quyền có chính kiến và tự do ngôn luận”. Cũng với kiểu tư duy như nêu trên, bà Shamdasani còn đưa ra lời kêu gọi rằng, Việt Nam cần phải sớm sửa đổi các điều khoản liên quan của Bộ luật Hình sự để phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo công ước. OHCHR và một số cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc, bao gồm cả Ủy ban Nhân quyền giám sát việc thực thi ICCPR, đã nhiều lần kêu gọi Việt Nam hạn chế sử dụng luật hà khắc để tước bỏ các quyền tự do cơ bản, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực thi các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người…

Bà Shamdasani cũng đưa ra cái gọi là bày tỏ lo ngại rằng, “những cá nhân cố gắng hợp tác với các cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc bị đe dọa và trả thù, điều này có khả năng ngăn cản những người khác chia sẻ thông tin về các vấn đề nhân quyền với Liên hợp quốc”. Đồng thời, người phát ngôn của OHCHR cũng đã đưa ra thông tin mà không ai có thể chấp nhận được, rằng: “Chúng tôi tiếp tục nêu ra những trường hợp này với Chính phủ Việt Nam, nhiều lần kêu gọi họ ngừng sử dụng các cáo buộc hình sự nghiêm trọng như vậy đối với các cá nhân thực hiện các quyền cơ bản của họ, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận - và trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị giam giữ trong những trường hợp như vậy”. 

Lời nói này của bà Shamdasani đã thể hiện rõ, tuy là người phát ngôn của OHCHR, nhưng bà ta không hiểu gì về luật pháp quốc tế. Bởi, quyền tối thượng của mỗi quốc gia, dân tộc đã được thế giới thừa nhận là quyền tự quyết, không một đất nước hay tổ chức quốc tế nào được phép can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia có chủ quyền. Thử hỏi, OHCHR, đã bao giờ bà Shamdasani hay OHCHR lên tiếng đòi nước Mỹ phải trả tự do vô điều kiện cho những cá nhân thuộc tổ chức IS hay Al-Qaeda mà cơ quan chức năng của nước Mỹ đã bắt giữ ở trong và ngoài nước hay không? Vì vậy, đây quả là phát ngôn thiếu thiện chí của OHCHR đối với Việt Nam. Và chỉ trông chờ có thế, các tổ chức phản động, thù địch với Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội, liền hùa theo để nói xấu, xuyên tạc, vu khống về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Cụ thể là tổ chức Human Rights Watch đã lên tiếng nói Việt Nam tham gia vào “một cuộc đàn áp không có giới hạn đối với những người bất đồng chính kiến”.

Chỉ 1 ngày sau thông báo của OHCHR được phát đi, trang The Diplomat viết rằng, “phiên xử 3 nhà dân chủ diễn ra trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 vào cuối tháng này để “ngăn chặn bất kỳ sự xáo trộn nào” trước các sự kiện chính trị lớn, như họ vẫn làm từ trước tới nay. Cũng ăn theo luận điệu này, hãng tin Reuters cho rằng họ “thất vọng bởi những bản án mới nhất”, rồi đưa ra bình luận là chúng “khắc nghiệt” và “là diễn biến mới nhất trong một xu hướng đáng lo ngại”. Tiếp theo đó, trang AlJazeera - một công ty truyền thông quốc tế có trụ sở tại Doha, Qatar, đã dẫn lời luật sư Đặng Đình Mạnh bào chữa cho ông Dũng, ông Tuấn rằng: “Tòa không chấp nhận bất cứ lời lập luận nào của tôi” và tòa đã tuyên “các bản án quá nặng”.

Vậy, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn là ai mà được OHCHR và các trang mạng xã hội ở nước ngoài quan tâm đến vậy? Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh công bố tại phiên tòa ngày 5-1-2021, thì vào ngày 4-7-2014, bị cáo Dũng cùng bị cáo Thụy và 39 người khác ra tuyên bố thành lập “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, rồi bầu ban lãnh đạo của tổ chức bất hợp pháp này gồm 5 thành viên. Trong nội dung “Tuyên bố thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam” đã nêu rõ mục đích của họ là đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay. Sau khi thành lập, bị cáo Dũng với vai trò “chủ tịch” đã tạo lập trang web “Việt Nam Thời Báo”, rồi tự mình quản trị, duyệt đăng các bài viết của mình, của hội viên và của các cộng tác viên. Đến khi bị bắt, Dũng đã viết, đăng tải 1.530 tin, bài viết với nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt và chống phá Nhà nước Việt Nam.

Còn bị cáo Thụy với vai trò là phó chủ tịch “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, phụ trách “Chi hội miền Bắc” và bị cáo Tuấn là thành viên “Hội nhà báo độc lập Việt Nam” đã đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cả 3 bị cáo nêu trên còn tạo lập quan hệ, ký kết hợp đồng viết bài, trả lời phỏng vấn với các trang tin điện tử, các báo, đài nước ngoài với mục đích nhằm đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay thành thể chế chính trị tam quyền phân lập. Với hoạt động này, Dũng nhận được số tiền thù lao là 477 triệu đồng cùng 75.886,59 USD và 1.118,13 bảng Anh; Thụy nhận tiền nhuận bút 180 triệu đồng và Tuấn nhận được số tiền 423 triệu đồng từ các đài, các trang mạng xã hội phản động có máy chủ ở nước ngoài chi trả. 

Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử đã nhận định, hành vi chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội. Nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, hành vi này đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, bản án dành cho 3 bị cáo không chỉ là thích đáng, mà còn có tác dụng giáo dục, răn đe phòng ngừa chung. Đến đây chắc chắn bạn đọc đã rõ ai là người mơ hồ sau vụ án Phạm Chí Dũng và đồng bọn.

  • Từ khóa
119258

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu