Thứ 6, 10/05/2024 12:23:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 15:57, 21/01/2021 GMT+7

“Dao sắc không gọt được chuôi”

Nhất Huy
Thứ 5, 21/01/2021 | 15:57:00 1,454 lượt xem
BPO - Người Việt Nam ta có câu nói rất hay là “Dao sắc không gọt được chuôi”, nhằm ám chỉ những việc làm ngoài tầm với của bản thân, mặc dù khả năng có thừa.

Những ngày qua, chứng kiến sự việc xảy ra tại đồi Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ) ngày 6-1-2021, người ta lại cảm thấy câu nói nêu trên hoàn toàn chính xác. Việc người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tràn vào trụ sở Quốc hội, nơi các nhà lập pháp của cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đang nhóm họp để xác định chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Sự việc đã gây nên một cú sốc rất lớn trên toàn cầu, giống như chuyện nước Mỹ thử thành công bom nguyên tử năm 1945 vậy, làm cho các nhà lãnh đạo trên thế giới bàng hoàng.

Người phát ngôn Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, trong một tuyên bố phát đi sau ngày 6-1 đã cho biết, Tổng thư ký Liên hợp quốc rất buồn trước sự kiện xảy ra trên đồi Capitol của nước Mỹ. Ông nói: “Dưới tình trạng như vậy, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo chính trị phải hối thúc những người ủng hộ họ chấm dứt tình trạng bạo lực, đồng thời tôn trọng quy trình dân chủ và thượng tôn pháp luật”.

Thủ tướng Thụy Điển Stafan Lofven trong một bài viết trên Twitter mô tả cảnh tượng trên đồi Capitol là đòn tấn công nền dân chủ, ông viết: “Quy trình dân chủ khi bầu một tổng thống cần được tôn trọng”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi sự việc nêu trên là đáng hổ thẹn, nói rằng nước Mỹ đại diện cho nền dân chủ trên khắp thế giới và rằng điều thiết yếu bây giờ là một tiến trình chuyển giao quyền lực hòa bình và trật tự.

Không hổ thẹn sao được, khi từ lúc khai thiên lập địa đến nay, nhất là từ khi khái niệm dân chủ xuất hiện trong đời sống chính trị của quần chúng nhân dân, thì nước Mỹ, mặc dù sinh sau đẻ muộn, song với sự thực dụng “ngư ông đắc lợi”, Mỹ đã vươn lên mạnh mẽ sau 2 cuộc chiến tranh thế giới, trở thành siêu cường quốc tế. Vì vậy, các đời Tổng thống Mỹ, dù trực tiếp hay gián tiếp, bằng cách này hay cách khác, đều khẳng định rằng Mỹ là hình mẫu, là quốc gia duy nhất trên thế giới này có quyền ban phát, xuất khẩu dân chủ, tự do cho các quốc gia khác (?). Không chỉ các nước thuộc địa, các quốc gia nhược tiểu phải chấp nhận điều đó, mà ngay cả đến một cường quốc cũng phải cúi đầu khi hạ mình với nước Mỹ.

Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, khối quân sự Vác-sa-va (Warszawa) không còn, Mỹ một mình một ngựa trên đường đua, tự mình cho mình cái quyền tự tung tự tác, tự do tùy tiện “ban phát dân chủ” khắp thế giới. Mỹ lên mặt dạy đời cả thế giới này về dân chủ mà phớt lờ các thiết chế quyền lực, các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc. Nhân loại tiến bộ còn chưa hết bàng hoàng khi Mỹ, với tuyên bố “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, không cần thông qua Liên hợp quốc, đã dẫn đầu liên minh các nước tấn công một quốc gia có chủ quyền là Liên bang Nam Tư (năm 1999), gây nên cảnh “tan đàn xẻ nghé”, tạo ra những mâu thuẫn không thể nào hóa giải được của những dân tộc anh em trước đây đã từng sống hòa thuận với nhau trong một quốc gia thống nhất. Hay năm 2003, với luận điệu bịa đặt “Tổng thống Saddam Hussein tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt”, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 3, lật đổ chế độ của Tổng thống Iraq, biến một đất nước vốn thanh bình, tươi đẹp và dân chủ thuộc top hàng đầu khu vực Trung Đông vào cảnh lộn xộn, nồi da nấu thịt như ngày nay. Đặc biệt, sau sự kiện ngày 11-9-2001, với cái cớ chống khủng bố, Mỹ đã ngầm phát đi thông điệp rằng: các quốc gia trên thế giới chỉ có 2 sự lựa chọn, hoặc là theo Mỹ chống khủng bố hoặc là bị liệt vào các quốc gia tài trợ cho khủng bố.

Với sự tác oai tác quái như vậy, với vị thế siêu cường duy nhất lúc bấy giờ, Mỹ đã tự do, thoải mái xuất khẩu, ban phát “dân chủ” cho một loạt quốc gia trên thế giới, từ Á sang Âu, từ châu Mỹ đến châu Phi.Dưới những cái tên rất mỹ miều như “Cách mạng Cam”, “Cách mạng Nhung”, “Cách mạng Hoa hồng”, Mỹ và đồng minh đã phát động phong trào “Mùa xuân Ả rập” ở khu vực Trung Đông, “Cách mạng màu” ở Nam Mỹ, biến những Tuynisia, Lybia, Ai Cập, Ukraine từ những nước xinh đẹp, phồn vinh thành chiến địa, đổ nát như ngày nay; biến một nước Venezuela đang chuyển đổi theo định hướng xã hội chủ nghĩa thành một nơi lộn xộn và hỗn loạn như ngày nay. Và, thật đau buồn là với những “thành tích bất hảo” như trên, đáng lý ra, các đời Tổng thống Mỹ phải cảm thấy ân hận, ăn năn, hối lỗi về điều đó. Nhưng ngược lại, họ còn đổ lỗi cho chính quyền các quốc gia đó là vi phạm dân chủ, nhân quyền đáng bị trừng phạt và trách nhiệm của nước Mỹ là phải đem dân chủ đến cho nhân dân các quốc gia đó.

Có thể nói, từ khi lập quốc đến nay, nước Mỹ với sự ảo tưởng và trịch thượng của mình, chưa bao giờ một lần nhìn lại, suy ngẫm lại và định nghĩa lại “dân chủ” là gì? Nước Mỹ cũng chưa bao giờ phải chứng kiến những hậu quả mà “dân chủ” đem lại. Vì vậy, sự việc xảy ra ngày 6-1-2021 là một đòn rất đau, giáng mạnh vào nền dân chủ Mỹ, một cú tát trời giáng vào bộ mặt “dân chủ” Mỹ. Cuộc bạo loạn đã làm xáo trộn mọi sinh hoạt của người dân Mỹ, tạo ra một tiền lệ vô tiền khoáng hậu trong nền dân chủ Mỹ - một tổng thống đương nhiệm 2 lần bị luận tội chỉ trong 1 nhiệm kỳ.

Luôn cho mình cái quyền ban phát dân chủ cho nước khác nhưng khi người dân của mình thể hiện quyền tự do, dân chủ thì nước Mỹ lại bàng hoàng, tê tái, không biết hành động và xử lý ra sao. Cả đất nước như một thùng thuốc súng, không biết bùng nổ lúc nào, đến nỗi Mỹ phải huy động 25.000 vệ binh quốc gia để bảo vệ an toàn cho lễ nhậm chức của một tổng thống. Đây là một tiền lệ chưa từng có của “nước Mỹ tự do và dân chủ”. Đúng là “Dao sắc không gọt được chuôi”!              

  • Từ khóa
119161

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu