Thứ 7, 11/05/2024 00:58:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:18, 12/01/2021 GMT+7

Ném đá giấu tay

Hồng Hạnh
Thứ 3, 12/01/2021 | 09:18:00 352 lượt xem
BPO - Thời gian gần đây, càng gần đến ngày diễn ra Đại hội lần thứ XIII của Đảng, sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị càng quyết liệt với nhiều chiêu trò tinh vi, thâm hiểm. Chúng triệt để sử dụng “truyền thông đen”, các trang mạng xã hội để phát tán thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kích động, nói xấu và bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an đã cho biết: Càng tới gần thời điểm diễn ra Đại hội lần thứ XIII của Đảng, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội càng diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ riêng tổ chức khủng bố Việt Tân đã có đến hơn 1.000 clip liên quan đến hoạt động tiến hành đại hội đảng các cấp để xuyên tạc, tuyên truyền thông tin sai sự thật. Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 13 khai mạc, các trang của tổ chức Việt Tân đã đăng tải các bài viết, clip có nội dung “Tiết lộ danh sách ứng viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ đưa ra tại Hội nghị 13”. Chưa hết, Việt Tân còn cho đăng, phát nhiều tin, bài hòng bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Chúng lớn tiếng rêu rao rằng, Hội nghị Trung ương 13 sẽ là cuộc “đấu đá khốc liệt”, khó mà hoàn thiện công tác nhân sự.

Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 9 tháng năm 2020, bộ này đã yêu cầu xử lý hơn 2.000 bài viết, 5.300 video có nội dung xấu, độc, sai sự thật. Đặc biệt từ quý 2, việc phát tán tin, bài xấu, độc tăng 4 lần so với 3 tháng đầu năm. Song so với kỳ đại hội trước, 80% thông tin xấu, độc đã bị dẹp bỏ. Tất cả thông tin này đều sai sự thật, bịa đặt về công tác nhân sự của Đảng. Bằng chứng là trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trung ương đánh giá cao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự, kể từ sau Hội nghị Trung ương 12 (tháng 5-2020) đã bám sát phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII, chuẩn bị một cách công phu, khoa học, bài bản, kỹ lưỡng các báo cáo về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa mới... Kết quả rất tốt đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị”.

Điều đáng lo ngại là thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội đã có hiện tượng cố ý vào hùa nhằm tiếp tay, “nối giáo” cho “truyền thông đen” để phá hoại Đại hội XIII của Đảng. Và theo ghi nhận của cơ quan chức năng, trong một số đơn, thư tố cáo sai sự thật, một số thông tin tán phát trên mạng xã hội và gửi đài, báo nước ngoài..., đã có sự nhúng tay, góp sức của một số cán bộ cơ hội, biến chất, “kéo bè kết cánh”, đứng sau giật dây, kích động, xúi giục, “ném đá giấu tay”, “tát nước theo mưa”. Thậm chí, có hiện tượng đầu tư tài chính để mua chuộc, sử dụng “truyền thông đen”. Theo thông tin từ Ban Tiếp công dân Trung ương, chỉ trong 7 tháng năm 2020, cơ quan này đã tiếp nhận hơn 9.100 đơn các loại, tăng khoảng 13% so cùng kỳ năm 2019, song trong đó có tới hơn 6.400 đơn không đủ điều kiện xử lý (trên 70%).

Và những ngày gần đây, một nhóm người từng làm báo, phóng viên tự lập ra fanpage tuyên bố là “truyền thông sạch”, “báo trung lập”, “nhà báo công dân” liên tục viết bài xuyên tạc, kích động. Chuyện xảy ra ở tỉnh Bình Thuận, Đắk Lắk, Thanh Hóa… đã làm sáng tỏ bản chất của nhóm này. Tại cuộc họp báo về Đại hội Đảng bộ tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, đại hội sẽ tặng mỗi đại biểu 1 chiếc cặp trị giá hơn 200 ngàn đồng. Thế nhưng, những kẻ xấu trong nhóm “truyền thông sạch” lại cố tình bóp méo thông tin, chúng suy diễn rằng nhiều địa phương mua quà tặng xuất xứ nước ngoài, kích động suy nghĩ cực đoan, không đúng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Hay như trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, nhóm “Báo sạch” liên tục viết bài với nội dung suy diễn, xuyên tạc việc cơ quan chức năng địa phương này khởi tố vụ án, bắt tạm giam 2 đối tượng liên quan đến 1 vụ án hình sự nghiêm trọng. Theo thông tin từ cơ quan chức năng thì từ đầu năm 2020, một nhóm đối tượng tạo lập các trang web như giandoihocthuat.wordpress để đăng tải các bài viết nói xấu lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk. Thậm chí, chúng còn dùng tiền, vật chất mua chuộc để lôi kéo 1 giáo viên đứng đơn tố cáo sai sự thật kéo dài.

Theo Báo Thanh Hóa điện tử, ngày 21-7-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 1 nghi phạm “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Theo đó, đối tượng này đã liên tục rải “bom đơn thư” nặc danh tố cáo sai sự thật 1 đồng chí bí thư huyện ủy. Ðáng tiếc là một số cơ quan báo chí sau khi nhận được đơn nặc danh sai sự thật vẫn tiến hành điều tra, viết bài gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị địa phương trước thềm đại hội đảng bộ huyện, dù Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kiểm tra, xác minh và kết luận cán bộ không vi phạm như đơn thư nặc danh tố cáo. Và tại tỉnh Bắc Giang, một số đối tượng đã thực hiện bài viết xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo tỉnh trên mạng xã hội facebook “Việt Tân”. Có 19 tài khoản facebook cá nhân tại tỉnh Bắc Giang chia sẻ lại những bài viết đó, ảnh hưởng xấu tới dư luận, kích động xuống đường biểu tình...

Theo cơ quan chức năng, việc tán phát thông tin, đơn, thư xuyên tạc, sai sự thật và thậm chí là vu khống… được bắt nguồn từ một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, từ “tự chuyển biến” dẫn đến “tự chuyển hóa” thông qua những bài viết với nội dung phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đả phá chế độ xã hội chủ nghĩa, đòi đa nguyên, đa đảng... Hầu hết những bài viết này sau khi “tung” ra đều được các đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước, cũng như các trang của tổ chức Việt Tân, trang điện tử BBC, RFA, VOA tiếng Việt dẫn lại, suy diễn, xuyên tạc vụ việc, cho rằng có sự “đấu đá, triệt hạ” trước đại hội Đảng... Nguyên nhân của sự việc này thì ai cũng rõ, đó là chúng ta vẫn còn thiếu những quy định, chế tài, biện pháp mạnh để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các đối tượng “ném đá giấu tay”, tiếp tay cho “truyền thông đen” và các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Mặc dù trong thực tế đã có một số trường hợp vi phạm bị xử lý nhưng các chế tài vẫn chưa đủ sức răn đe.

Để đấu tranh hiệu quả với thủ đoạn, chiêu trò thâm hiểm nêu trên, cơ quan chức năng phải thực hiện kiên quyết các quy định pháp luật về quản lý internet, mạng xã hội, xử lý hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Đặc biệt, cần có hình phạt thích đáng đối với những kẻ chủ mưu, nếu là cán bộ, đảng viên thì phải xử lý nghiêm minh theo đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, các tổ chức đảng và từng đảng viên cần tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn.

  • Từ khóa
118800

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu