Thứ 6, 10/05/2024 06:21:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:09, 09/01/2021 GMT+7

Sự thật không thể phủ nhận

Nhật Minh
Thứ 7, 09/01/2021 | 09:09:00 388 lượt xem
BPO - Nhân quyền tức là những quyền cơ bản của con người. Đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt chú trọng quan tâm phát triển. Thế nhưng từ nhiều năm nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và một số tổ chức phi chính phủ được sự hậu thuẫn của phương Tây, cùng sự vào hùa của các đài phát thanh tiếng Việt, trang mạng phản động ở nước ngoài luôn tìm cách lợi dụng nhằm thực hiện những mưu đồ đen tối đối với Việt Nam. Thêm vào đó, hằng năm Bộ Ngoại giao Mỹ lại tự cho mình cái quyền công bố báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở các nước trên thế giới. Nhân sự kiện này, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí luôn có những “phán xét chỉ trích”, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống và phủ nhận những thành tựu quan trọng về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Bên cạnh những luận điệu sai sự thật, các thế lực bất mãn, thù địch và một số phần tử cơ hội chính trị thường xuyên đưa ra đánh giá thiếu khách quan, hoặc thông tin sai lệch, hoặc là xuyên tạc trắng trợn tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Những luận điệu “phán xét” về Việt Nam “thiếu nền dân chủ”, “vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”… thực chất chỉ là cái cớ để các tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị “lồng ghép” vào đó nội dung tuyên truyền sai lệch nhằm kích động những phần tử bất mãn, phản động chống đối Đảng, Nhà nước ta, tiến tới phủ nhận con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Mặc dù họ có áp đặt, vu khống đến đâu thì cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng Việt Nam là nước luôn tôn trọng và phát huy dân chủ, bảo đảm tối đa các quyền tự do dân chủ của con người. Điều này được thể hiện ngay trong hệ thống quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và từ thực tiễn đời sống xã hội cũng như hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Không những thế, quyền con người ở Việt Nam còn được nâng cao hơn so với những quy định của luật pháp quốc tế hiện nay về vấn đề này. Cụ thể là quyền con người ở Việt Nam được gắn chặt với quyền quốc gia dân tộc. Bởi lẽ lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, một quốc gia hay dân tộc không có độc lập, tự do thì chủ nhân của quốc gia, dân tộc đó chỉ là những nô lệ mà thôi.  

Chính vì vậy, mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và các quốc gia trên toàn thế giới rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 4, tr.1).

Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu mở đầu trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ vào năm 1776 và tiếp theo đó, Người còn nêu lên một câu nữa trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791.

Như vậy, trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng 2 câu trong 2 bản tuyên ngôn cách mạng tư sản của 2 cường quốc là Mỹ, Pháp như là một chân lý và chân lý ấy không ai có thể chối cãi được. Vấn đề là ở chỗ thông qua chân lý đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định với thế giới rằng, nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam hoàn toàn tán đồng và có chung ý tưởng với nhân loại về quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Và lẽ dĩ nhiên là nhân dân Việt Nam cũng có đầy đủ các quyền ấy như nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người của mỗi cá nhân không thể tách rời quyền của quốc gia dân tộc. Chính vì vậy trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi từ khẳng định quyền con người đến quyền của quốc gia, dân tộc. Người viết: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (Sđd, tập 4, tr.2). Trên cơ sở đó, Người đã lên án và kết tội các thế lực đế quốc xâm lược, áp bức, bóc lột dân tộc Việt Nam là trái với lẽ tự nhiên, là vi phạm trắng trợn quyền con người mà cách mạng tư sản của nước Pháp, nước Mỹ đã công nhận. Điều này cũng có nghĩa là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng các thế lực thực dân, đế quốc đã phủ nhận, chà đạp lên tuyên bố của các bậc tiền bối ở chính nước họ.

Và với tư tưởng nâng tầm quyền con người thành quyền của quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền bình đẳng giữa mọi người và mọi quốc gia trên trái đất là lẽ tự nhiên, là chân lý không một ai có thể phủ nhận được. Quyền con người và quyền dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống trải qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Xuất phát từ quan điểm ấy nên trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc xóa bỏ vĩnh viễn mọi sự ràng buộc bất bình đẳng giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới nói chung và dân tộc Pháp nói riêng… Người nói: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Sđd, tập 4, tr.4).

Để giữ vững lời thề độc lập, chỉ một ngày ngay sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Chính phủ lâm thời và Người đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách: chống giặc đói, giặc dốt, xóa bỏ tất cả các loại thuế bất hợp lý do thực dân Pháp áp đặt, ban hành các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, chuẩn bị tổng tuyển cử, thực hiện nam, nữ bình quyền, tự do tín ngưỡng và thực hiện nền giáo dục nhân dân…

Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay. Ngay sau khi thành lập nước, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các hoạt động bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ 2 trên thế giới tham gia ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Nhắc lại Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh để một lần nữa chúng ta khẳng định rằng, nhân quyền là vấn đề quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta từ trước tới nay. Đó là một chân lý không ai có thể thay đổi được.

  • Từ khóa
118701

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu