Thứ 6, 10/05/2024 04:29:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 14:50, 26/12/2020 GMT+7

“Thừa nước đục thả câu”

Hồng Hạnh
Thứ 7, 26/12/2020 | 14:50:00 473 lượt xem
BPO - Không phải chỉ có thời gian gần đây, mà đã từ rất lâu, các đài phát thanh hay báo tiếng Việt ở hải ngoại dù là RFA, RFI, VOA hay BBC chuyên nói xấu, bôi nhọ hình ảnh của đất nước Việt Nam; phủ nhận những thành tựu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới. Mục đích đen tối của những kẻ đứng ngoài “ném đá giấu tay” này là hòng từng bước làm suy yếu sự đoàn kết dân tộc của nhân dân Việt Nam và gây bất ổn chính trị xã hội ở Việt Nam để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong cũng như ngoài nước có cơ hội “thừa nước đục thả câu”. Và vụ các tài xế Grab tụ tập đông người gây mất trật tự an toàn xã hội ở Hà Nội hôm 7-12-2020 là một minh chứng.

Ngày 19-10-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế áp dụng đối với việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Tại điểm c, khoản 5, Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định: Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh.

Như vậy, nội dung nêu trên của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đã điều chỉnh mức thuế VAT với ứng dụng gọi xe công nghệ là 10% trên doanh thu, trước đây mức thuế VAT đối với loại hình này là 3%. Ngay sau khi nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5-12-2020, Grab đã lập tức điều chỉnh tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc và tăng tỷ lệ chiết khấu doanh thu với tài xế. Việc làm này của Grab đã khiến tài xế giảm thu nhập cũng như giảm khách hàng. Lẽ ra với quy định nêu trên, Grab phải tổ chức trực tiếp hoặc gián tiếp đối thoại để thực hiện quy định của pháp luật, đồng thời chia sẻ thu nhập với người lao động. Ngược lại, không những tự ý tăng giá cước và tăng chiết khấu doanh thu đối với các tài xế, người đại diện của Grab còn đổ lỗi theo kiểu việc tăng giá là do “Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ là nguyên nhân, chứ Grab không phải tự ý”.

Chính sách này của Grab khiến nhiều tài xế bất bình. Vì vậy, sáng 7-12-2020, để phản đối việc hãng Grab tăng giá dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc, hàng trăm tài xế của Grab đã mặc đồng phục và đình công, biểu tình đòi hãng này điều chỉnh mức chiết khấu, chia sẻ với người lao động tập trung trước cửa công ty tại Hà Nội. Sau đó, họ đi thành đoàn, dạo qua nhiều tuyến phố và bấm còi inh ỏi gây mất trật tự, ảnh hưởng tới giao thông. Không bỏ qua cơ hội, những kẻ chuyên sống bằng nghề “đâm chọc” và khóc thuê, chửi mướn trên không gian mạng được dịp vu cáo Chính phủ chèn ép doanh nghiệp nước ngoài, bóc lột người lao động… Thâm độc hơn, có kẻ còn lớn tiếng chửi rằng “Chế độ Việt Nam thực hiện chính sách tăng thuế đánh vào người lao động và người tiêu dùng…”.

Thực tế cho thấy, những nhận định, đánh giá nêu trên của các thế lực thù địch, phản động cùng với sự vào hùa của các trang mạng, các đài phát thanh tiếng Việt như VOA, RFA, BBC, RFI… là vô căn cứ, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, bóp méo sự thật. Mục đích đen tối của họ là nhằm kích động gây rối để chống phá Đảng và Nhà nước. Bởi lẽ, theo báo cáo của các cơ quan chức năng trong ngành thuế và hải quan cho biết, trong suốt 6 năm có mặt tại Việt Nam, Grab đã được hưởng lợi từ thuế VAT 3% là quá thấp. Trong khi cũng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, nhưng các công ty taxi truyền thống phải chịu mức thuế VAT là 10%. Và chính lợi thế này đã vô tình tạo thuận lợi cho Grab chỉ trong thời gian ngắn đã “thôn tính” thị trường và trở thành hãng taxi công nghệ có thị phần lớn nhất Việt Nam. Cách đại diện của Grab rêu rao như trên cho thấy, ngay từ đầu Công ty Grab đã không minh bạch, sòng phẳng.

Chưa hết, theo các chuyên gia kinh tế thì để được hưởng mức thuế ưu đãi nêu trên, Grab đã lách luật bằng cách đội lốt một công ty công nghệ, nhưng bản chất vẫn là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải, cụ thể là vận chuyển hành khách. Không chỉ vậy, Công ty TNHH Grab Việt Nam còn khoác lên mình “chiếc áo công nghệ”, với lời hứa sẽ “nỗ lực mang đến cuộc sống an toàn hơn mỗi ngày”. Điều này không còn là lách luật nữa mà là gian trá, gian dối. Điều đáng buồn là thành công của Grab như ngày hôm nay có phần không nhỏ của các tài xế (đối tác của Grab) cả về công sức lẫn tài chính. Thế nhưng khi đã nắm được thị trường, Grab sẵn sàng “siết chặt” thu nhập hoặc loại bỏ những người đã đóng góp nhiều cho sự thành công của mình.

Chính vì vậy, việc áp dụng mức thuế VAT 10% trên doanh thu cho dịch vụ Grab là hoàn toàn bình đẳng như các doanh nghiệp vận tải khác ở trong nước hiện nay. Nếu các trang mạng, các đài phát thanh có máy chủ ở nước ngoài muốn bênh vực Grab hay phản ứng chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước Việt Nam, thì họ phải hỏi vì sao Grab được “biệt đãi” trong thời gian dài như vậy? Đó là do sự gian dối của Grab trong việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật. Hơn nữa, ngay sau khi Nghị định số 126/2020/NĐ-CP được ban hành, có hiệu lực, cộng đồng doanh nghiệp ở trong và ngoài nước đều đồng tình hưởng ứng, vì chế tài trong nghị định này đã tạo ra sự công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách ở Việt Nam. Thế nhưng ngay sau đó, Công ty Grab đã lập tức tăng 5-6% chiết khấu của tài xế để bù vào phần thuế VAT họ phải đóng. Và với mức chiết khấu này, mức giảm doanh thu trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ lần lượt là 28,3%, 32,8%.

Đối với những kẻ cho rằng Việt Nam thực hiện chính sách chèn ép doanh nghiệp nước ngoài thì không những nhắm mắt nói liều, nói bậy mà là giả mù. Bởi vì, nếu Việt Nam thực sự chèn ép doanh nghiệp nước ngoài, thì thử hỏi Grab có lớn mạnh và “đè bẹp” các doanh nghiệp taxi truyền thống để thống lĩnh thị phần đến như vậy? Hoặc như Việt Nam không công bằng, minh bạch trong việc đối xử giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, thì làm sao trong 11 tháng của năm 2020 có thể thu hút được 23,48 tỷ USD vốn đầu tư từ nước ngoài? Đây là bằng chứng sinh động nhất và là cái tát nảy lửa vào miệng những kẻ chuyên sống bằng nghề vu khống, xuyên tạc, bịa đặt.

Vấn đề nữa đặt ra trong lúc này là tất cả người lao động trong Công ty Grab hãy bình tĩnh, tin tưởng vào việc giải quyết sự việc này thấu tình, đạt lý của cơ quan chức năng. Đặc biệt là không nghe, không nói theo những thông tin xuyên tạc, thiếu căn cứ trên không gian mạng để rồi rơi vào bẫy của kẻ xấu và tự mình rước họa vào thân.        

  • Từ khóa
118266

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu