Thứ 6, 10/05/2024 20:49:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:37, 12/11/2020 GMT+7

Những kẻ cơ hội chính trị

Thứ 5, 12/11/2020 | 09:37:00 767 lượt xem
BPO - Vào thời điểm này, khi các cấp ủy đảng từ Trung ương tới cơ sở đang triển khai việc góp ý hoàn thiện các dự thảo văn kiện sẽ trình tại Đại hội XIII của Đảng thì trên mạng xã hội, các phần tử phản động, thù địch, cơ hội chính trị và cực đoan liên tục tung ra các bài viết với mục đích chống phá.

Ngày 30-10, trang VOA tiếng Việt - một trang mạng chống Cộng đăng bài “Thiên tai và các… nghị quyết!”. Toàn bộ nội dung bài viết là sự quy kết Đảng ta ban hành quá nhiều nghị quyết về phát triển thủy điện. Theo đó, nhiều diện tích rừng bị tàn phá, môi sinh thay đổi dẫn tới nạn hạn hán, lũ lụt, sạt lở. Bài viết có đoạn: “Chưa bao giờ lũ quét, sạt lở cả ở rừng núi lẫn bờ, sông, bờ biển tại Việt Nam lại nhiều và trầm trọng như 20 năm vừa qua. Đây là khoảng thời gian tương ứng với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa để khẳng định sự ưu việt của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cuối bài, tác giả khẳng định: “Mọi thứ, kể cả giải quyết những vấn nạn liên quan tới môi trường, phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của thiên tai vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các… nghị quyết của Bộ Chính trị, BCH TƯ đảng. Xứ sở tan hoang, dân chúng điêu linh đến mức nào cũng không thể ngăn các… nghị quyết!”.

Đọc toàn bài, tôi thấy chỉ có một chi tiết có thể đồng tình với nhận định của tác giả bài viết này là chưa bao giờ lũ quét, sạt lở cả ở rừng núi lẫn bờ, sông, bờ biển tại Việt Nam lại nhiều và trầm trọng như những năm gần đây. Điều này không chỉ được cảnh báo bởi các nhà khoa học, địa chất trong nước mà cả quốc tế và Việt Nam được cảnh báo là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Đó là hiện thực khách quan và sự biến đổi khí hậu tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác là kết quả một quá trình dài việc phát triển không bền vững của thế giới nói chung chứ không thể quy kết do Đảng Cộng sản Việt Nam làm nên. Rồi ngày 31-10, trang facebook Việt Tân đăng bài “Tham nhũng và chính sách ngoại thương bại hoại của CSVN” của Đào Tăng Dực. Tác giả bài viết này cũng hồ đồ khẳng định: “Đại nạn lũ lụt miền Trung cũng như nhiều thảm họa khác của dân tộc đều phát xuất từ sự độc tài độc đảng sinh ra…”. Và còn nhiều bài viết trên các trang mạng, các tài khoản facebook của những kẻ cực đoan, chống phá quen mặt, quen tên.

Là “con Lạc cháu Hồng”, “con rồng cháu tiên”, không ai thờ ơ trước thảm họa thiên tai thảm khốc tại miền Trung. Nhưng thay vì chung tay cùng cộng đồng đóng góp, vận động để hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ thì những kẻ chống phá kia lại hí hửng vớ lấy vấn đề này như một cái cớ “đáng giá” nhất để chống phá văn kiện Đại hội XIII, chống phá Đảng.

Trong các phần tử chống phá nghị quyết của Đảng, chống phá Đảng, có thể nhận diện 3 nhóm chủ yếu. Đầu tiên phải kể đến các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị luôn nuôi dưỡng lòng hận thù mù quáng, tư tưởng chống Cộng triệt để, được sự dung dưỡng của các tổ chức bên ngoài, hoạt động với mục tiêu thay đổi thể chế, lật đổ hệ thống chính trị Việt Nam. Kế đến là những nhóm đối lập về hệ tư tưởng, gồm những người theo khuynh hướng thần tượng hóa, tuyệt đối hóa hệ tư tưởng và các giá trị chính trị phương Tây, giá trị Mỹ. Họ không nhận thức được và có định kiến sâu sắc về tính ưu việt của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Trong đó nổi lên một số tên tuổi trong đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ có nhận thức chính trị lệch lạc, tâm lý bất mãn, chủ yếu do lợi ích, tham vọng cá nhân không được đáp ứng.
Và nhóm thứ 3 là số ít cán bộ, đảng viên, trong đó có những vị nguyên là cán bộ cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, vì những lý do, động cơ cá nhân mà bất mãn với tổ chức Đảng, với chế độ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những phát ngôn, việc làm vượt ra ngoài khuôn khổ kỷ cương của những đối tượng này bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng, tán dương khiến họ bị ảo tưởng về vai trò của bản thân và vô hình trung trở thành công cụ phục vụ mưu đồ chính trị của các thế lực thù địch, phản động. Có thể kể ra một số tên tuổi chủ yếu trong số đối tượng này như Nguyễn Đình Cống, Nguyên Ngọc, Tương Lai, Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê Đăng Doanh, Tuấn Khanh…

Thông qua việc góp ý văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nhóm đối tượng nêu trên tập trung xuyên tạc cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện được đề cập trong các dự thảo văn kiện. Họ xoáy sâu vào các hạn chế, tồn tại chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn hoặc các vấn đề, sự kiện phức tạp, nhạy cảm, mới phát sinh, chưa có tiền lệ, gây dư luận trái chiều, gây hoang mang, dao động, chia rẽ nội bộ hoặc tạo tâm lý thờ ơ, ngại bày tỏ ý kiến trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó cho rằng, dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp không còn phù hợp với thời đại và thực tiễn đất nước hiện nay.

Năm 2016, khi Quốc hội triển khai việc góp ý sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 thì một nhóm những người bất đồng chính kiến như Nguyên Ngọc, Tương Lai, Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê Đăng Doanh… đã tập hợp nhau lại và soạn thảo một văn bản gửi Quốc hội. Nhưng thay vì góp ý với tinh thần xây dựng để làm tăng giá trị của Hiến pháp thì họ chỉ một mực đòi thay đổi thể chế chính trị, đòi đa nguyên, đa đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc.  

Việc Trung ương Đảng tổ chức lấy ý kiến xây dựng đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng thể hiện tinh thần dân chủ, tiến bộ. Dù là việc của Đảng nhưng cần được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh việc lắng nghe, trân trọng tiếp thu các ý kiến xây dựng xác đáng thì cần phải thật rạch ròi quan điểm lắng nghe có chọn lọc. Tuyệt đối không để các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lợi dụng công việc ý nghĩa này để thực hiện mưu đồ xấu, gây chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đại hội XIII của Đảng.

Thảo Linh

  • Từ khóa
112320

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu