Thứ 5, 09/05/2024 18:50:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời sự 10:28, 07/12/2023 GMT+7

Thẳng thắn nhận diện “điểm nghẽn” để khắc phục

Xuân Túc - Trương Hiện
Thứ 5, 07/12/2023 | 10:28:20 1,673 lượt xem
BPO - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Bình Phước khóa X. Trong phiên làm việc sáng 7-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường dự và có bài phát biểu quan trọng tại kỳ họp.

17/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra

Phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Năm 2023 - năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Nhìn chung, trong 3 năm qua và năm 2023, cả nước nói chung, Bình Phước nói riêng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự đồng hành, giám sát chặt chẽ, hiệu quả của HĐND, công tác điều hành quyết liệt, sâu sát của UBND tỉnh và nhất là sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đến nay tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những tín hiệu phục hồi tích cực. Năm 2023, Bình Phước cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường có bài phát biểu quan trọng tại kỳ họp

Các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 với 17/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm ước tăng 8,34% và vượt kế hoạch đề ra, trong đó mức tăng trưởng sản xuất lĩnh vực nông nghiệp đạt 10,25%, cao nhất cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng/năm, tăng 11% so với năm 2022; chất lượng sản xuất nông, lâm, thủy sản được nâng cao theo hướng hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất; xuất khẩu phục hồi nhanh.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực. Bình Phước tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa cấp tỉnh năm 2023; các chính sách an sinh xã hội được duy trì. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đạt được kết quả tích cực: Dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.

Công tác quốc phòng - an ninh được giữ vững, ổn định; công tác nội chính, đối ngoại; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động. Công tác phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm được tăng cường và đạt kết quả tốt. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh.

“Để có được những kết quả nêu trên, thời gian qua, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp các hoạt động, kịp thời triển khai các nhiệm vụ thường kỳ và đột xuất theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin ghi nhận và biểu dương sự đóng góp rất quan trọng của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ban của HĐND, các vị đại biểu HĐND tỉnh và tinh thần cố gắng, nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, cuộc sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường khẳng định.

Thẳng thắn nhận diện “điểm nghẽn” để khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định như: thu ngân sách đạt thấp, đặc biệt là nguồn thu từ sử dụng đất. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng là 2.588 tỷ 687 triệu đồng, đạt 34,9% so với chỉ tiêu Chính phủ giao và đạt 51,1% so với kế hoạch điều chỉnh HĐND tỉnh giao. Công tác quản lý nhà nước, phối hợp công tác trên một số lĩnh vực chưa có chuyển biến rõ nét; việc lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch khác; một số dự án trúng đấu giá quyền sử dụng đất triển khai thực hiện đầu tư chậm trễ, kéo dài, không bảo đảm tiến độ so với phương án được phê duyệt, chậm đưa đất vào sử dụng; tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, các hộ chăn nuôi và tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra.

Việc đấu thầu, mua sắm thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh còn chậm, chưa bảo đảm nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân. Việc giải quyết đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân còn một số vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, vẫn còn tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

Phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường lưu ý: Các đại biểu dự họp phải thẳng thắn nhìn nhận, không né tránh với những tồn tại, hạn chế, xác định rõ điểm nghẽn để cùng quyết tâm tháo gỡ; tập trung, đổi mới sáng tạo trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức các cấp về cả đạo đức, năng lực và ý thức trách nhiệm, trên tinh thần kết hợp giữa cả “xây và chống”.

Lấy phiếu tín nhiệm trên tinh thần khách quan, công tâm, trách nhiệm

Theo chương trình làm việc, tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Đây là một trong những nội dung quan trọng. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Trên tinh thần đó, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu được xem là hoạt động giám sát quan trọng của HĐND và thực hiện duy nhất 1 lần trong cả nhiệm kỳ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, giúp người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Đây là nội dung quan trọng, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh đề cao trách nhiệm dân chủ, khách quan, công tâm để đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. 

“Với trách nhiệm của mình, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh dành thời gian nghiên cứu, nắm thông tin, thảo luận về việc lấy phiếu tín nhiệm, thay mặt cử tri đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm mức độ tín nhiệm đối với người được HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường đề nghị.

Tập trung thảo luận 7 nhóm nội dung

Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa X xem xét nhiều nội dung quan trọng để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024; đồng thời, HĐND tỉnh xem xét quyết định nhiều vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với 37 dự thảo nghị quyết. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý HĐND tỉnh cần tập trung thảo luận 7 nhóm nội dung trước khi quyết định các vấn đề liên quan như:

Thứ nhất, tiếp tục đề cao trách nhiệm, nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc tình hình thời gian tới, đề ra các giải pháp thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch... của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác quản lý lĩnh vực đầu tư công, các vấn đề liên quan đến đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo đảm tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật trong triển khai thực hiện. Có biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên bố trí nguồn cho những dự án quan trọng, cấp thiết (cần rà soát kỹ các dự án chưa khởi công để có điều chỉnh nguồn vốn cho phù hợp). Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thứ ba, chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước năm 2030 định hướng đến năm 2045, trong đó gắn kết chặt chẽ các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế; thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, quan tâm đời sống người nghèo, người gặp khó khăn, gia đình chính sách. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; bảo đảm đủ nguồn nhân lực, thuốc, vật tư y tế… đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Thứ tư, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nội chính, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tập trung đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân theo đúng quy định, không để phức tạp nảy sinh.

Thứ năm, tập trung thảo luận về các kế hoạch đầu tư công và các chính sách sẽ thông qua tại kỳ họp như: chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, ấp, khu phố; chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động, người hoạt động không chuyên trách thực hiện tinh giản biên chế diện dôi dư; các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh,…

Thứ sáu, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nội dung lớn, quan trọng, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển tỉnh toàn diện, thống nhất trong thời gian tới với con người là trung tâm của sự phát triển. Tôi đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhất là đối với các trụ cột phát triển; tập trung và chú trọng huy động nguồn lực trong và ngoài nước, phát huy các nguồn lực nội tại của địa phương để triển khai thành công quy các mục tiêu của quy hoạch.

Thứ bảy, phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, HĐND tỉnh cần tiếp tục tăng cường, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh. Thường xuyên rà soát, kịp thời sửa đổi các nghị quyết không còn phù hợp, hiệu quả không cao. Thực hiện tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư; liên hệ, gắn bó mật thiết với cử tri để kịp thời chuyển tải các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền; thường xuyên đôn đốc, giám sát việc giải quyết kịp thời, thấu đáo, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

  • Từ khóa
183544

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu