Thứ 5, 09/05/2024 17:06:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời sự 04:05, 25/11/2023 GMT+7

Đến năm 2030, Bình Phước sẽ là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ

TS
Thứ 7, 25/11/2023 | 04:05:44 3,394 lượt xem
BPO - Ngày 24-11-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban Quyết định số 1489/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Bình Phước là 6.873,56 km2, gồm 11 huyện, thị xã, thành phố; phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông; phía Nam giáp tỉnh Bình Dương; phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia.

Quy hoạch dựa trên quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển cụ thể. Đó là, phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch ngành quốc gia; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế; đổi mới, sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực tiếp cận, nắm bắt, tận dụng hiệu quả các thành tựu, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra đột phá, lợi thế phát triển.

Chú trọng phát huy hiệu quả nội lực và tăng cường thu hút ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông đa mục tiêu và tăng cường liên kết vùng. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện và khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Tầm nhìn đến năm 2050phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độphát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.

Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, quyết định cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển sau: 

Tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển tỉnh toàn diện, đồng bộ để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh;

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, khắc phục những bất lợi do vị trí xa trung tâm; Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển du lịch; Tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh; Xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Về kết cấu hạ tầng: Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), sân bay chuyên dùng Hớn Quản. Phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát triển hạ tầng số gắn với phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Về phát triển nguồn nhân lực: ưu tiên đào tạo lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng an sinh xã hội để ổn định và phát triển lâu dài. Đẩy mạnh công tác phân luồng gắn với tư vấn, hướng nghiệp; liên kết có hiệu quả với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước để nâng
cao năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Về cải cách thủ tục hành chính: hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch.

Xem chi tiết quyết định tại đây

  • Từ khóa
182714

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu