Thứ 5, 09/05/2024 10:56:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Quốc phòng 05:00, 16/12/2023 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22-12-1944 - 22-12-2023)

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của thanh niên

Bùi Viết Hùng
Thứ 7, 16/12/2023 | 05:00:00 2,965 lượt xem
BPO - Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhập ngũ lên đường làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của mỗi công dân. Điều này đã được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên, hằng năm, cứ đến “mùa tuyển quân” các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động lại tung hô những luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, hòng gây hoang mang, lo lắng và có những tư tưởng sai lệch về thực hiện nghĩa vụ quân sự của thanh niên.

Những âm mưu, thủ đoạn thâm độc

Thông qua các trang mạng xã hội, thế lực thù địch thường tung ra những luận điệu như: “Thanh niên Việt Nam phai nhạt tinh thần yêu nước”; “trong thời bình thanh niên không có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc”; “thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự”… Thậm chí nguy hiểm hơn, chúng còn tung những tin đồn thất thiệt với hình ảnh, video, clip cắt ghép, có nội dung thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội với nội dung về cảnh bạo lực, quân phiệt hay cái được gọi là “cái chết oan ức” trong quân đội; hay chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới”... Rồi chúng đưa ra những câu nghi vấn, bình luận để kích động như: “Đi bộ đội để bị đánh”; “Ai dám cho con đi bộ đội?”... Luận điệu này thực chất là chiêu bài tâm lý, để lừa bịp đánh vào những người nhẹ dạ cả tin, gây hoang mang dư luận, nghi ngờ, mất niềm tin trong nhân dân, làm cản trở, gây khó khăn trong thực hiện công tác tuyển quân tại các địa phương.

Đi bộ đội là quyền và nghĩa vụ cao quý của công dân. Trong ảnh: Thanh niên Bình Phước hăng hái lên đường nhập ngũ năm 2023

Mục đích của các thế lực thù địch nhằm bôi nhọ, xóa mờ hình ảnh, bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội ta. Chúng muốn hạ bệ uy tín, danh dự của quân đội, gây hoang mang, lo lắng trong xã hội. Chúng kích động, đánh vào tâm lý các gia đình có con em (người thân) đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự phải lo lắng, tìm cách trốn tránh không cho con em đi bộ đội. Đồng thời, chúng tuyên truyền, tạo luồng tư tưởng khiến thanh niên sợ “bị đánh”, ngại khó khăn, gian khổ, “tự diễn biến”, buông lỏng về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của bản thân với Tổ quốc.

Đó là mưu đồ nham hiểm, luận điệu xuyên tạc, mơ hồ, phiến diện, thiếu căn cứ. Chúng thổi phồng các vấn đề “nóng” liên quan đến quân đội nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từ đó gây hoang mang dư luận xã hội, làm giảm sút niềm tin với Đảng, Nhà nước và quân đội.

Bằng những âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm của các thế lực thù địch như vậy đã khiến một bộ phận thanh niên bị ảnh hưởng, tác động tư tưởng. Họ bắt đầu có những tính toán, so đo thiệt hơn về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự “dám hay không dám”, “có hay không nhập ngũ?”, tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự… Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân “nhẹ dạ cả tin” bị kích động, giảm sút niềm tin, gây hoang mang dư luận để các thế lực lợi dụng qua một số vụ việc điển hình như: vụ quân nhân Trần Đức Đô tại Trường quân sự Quân khu 1 năm 2021; vụ việc quân nhân Lý Văn Phương tại Trường sĩ quan Lục quân 1 năm 2022… Chúng ta cần nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn, tiếp nhận thông tin chính thống, có chọn lọc và kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các luận điệu nêu trên.

Đi bộ đội - quyền và nghĩa vụ cao quý của công dân

Điều 45, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rõ: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 4, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 cũng đã khẳng định: “Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân”.

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và của cả hệ thống chính trị. Trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt và đội ngũ thanh niên là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp đó. Thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng, cao cả của mỗi công dân. Điều đó đã thành ý thức của mỗi người Việt Nam, xuất phát từ truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.

Lãnh đạo thành phố Đồng Xoài tặng quà động viên chiến sĩ lên đường nhập ngũ năm 2023

Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh, trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ xa xưa của ông cha ta với hình ảnh: cậu bé “Thánh Gióng” cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đánh đuổi giặc Ân; Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh tan quân Nam Hán; Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân; Trần Quốc Toản “bóp nát quả cam” thể hiện ý chí, quyết tâm mong muốn tham gia chống giặc Nguyên Mông; Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh; anh hùng áo vải Quang Trung đại phá quân Thanh…   Hay trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc thời đại Hồ Chí Minh, đã có hàng triệu, lớp lớp các thế hệ thanh niên tình nguyện lên đường tòng quân, nhiều lá đơn được viết bằng máu, thể hiện ý chí, trách nhiệm, quyết tâm của thanh niên Việt Nam. Hình ảnh anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Võ Thị Sáu hiên ngang ra pháp trường, Nguyễn Viết Xuân hô to “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, Bế Văn Đàn “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”. Hay hình ảnh của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm đã không ngại hy sinh, gian khổ, hiến dâng tuổi hai mươi đẹp nhất trong cuộc đời cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước… Những lớp thanh niên ấy đứng lên với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”… Các thế hệ thanh niên Việt Nam đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những chiến công vĩ đại, giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.

(còn nữa)

  • Từ khóa
184300

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu