Thứ 7, 27/04/2024 19:51:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 05:12, 22/03/2024 GMT+7

CHUYỂN ĐỔI SỐ

Ứng dụng công nghệ đưa yến sào vươn xa

Ngân Hà
Thứ 6, 22/03/2024 | 05:12:29 2,871 lượt xem
BPO - Bình Phước có số lượng nhà nuôi chim yến thuộc top đầu các địa phương khu vực phía Nam với chất lượng tổ yến được đánh giá tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào của Bình Phước đã nâng cao giá trị và sức cạnh tranh khi chủ động đầu tư công nghệ hiện đại vào dẫn dụ chim yến, chuẩn hóa quy trình chế biến, cải tiến bao bì sản phẩm để không chỉ cung ứng thị trường trong nước mà hướng tới xuất khẩu, vươn ra thị trường thế giới.

Ðưa IoT vào quản lý nhà yến

“Khâu quan trọng nhất trong kỹ thuật nuôi chim yến là làm nhà cho chim ở. Chim yến là loài hoang dã, chưa được thuần dưỡng, quen sống trong các hang động tự nhiên. Do vậy, muốn dụ được chim yến, người nuôi cần tạo ra môi trường sống như ngoài tự nhiên để chúng luôn cảm thấy an toàn” - ông Đặng Văn Tiến ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập chia sẻ. Sau khi sang Malaysia học tập kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào nuôi chim yến, ông Tiến đã cải tạo nhà nuôi, điều chỉnh lại toàn bộ phương hướng, cấu trúc để đảm bảo các yếu tố về mùi, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, hướng gió và cường độ âm thanh phù hợp.

Theo ông Tiến, môi trường bên trong nhà yến rất quan trọng, phải được xử lý bằng công nghệ vi sinh tổng hợp từ 11 loại vi sinh ngủ đông. Âm thanh dụ yến được điều chỉnh ở mức vừa phải để hạn chế ô nhiễm tiếng ồn xung quanh. Sau khi áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ vi sinh thì yến về làm tổ ngày một tăng, chất lượng tổ được cải thiện rõ rệt.

Với vùng nguyên liệu liên kết từ 93 nhà yến tại 8 tỉnh, thành phố, sản lượng phục vụ xuất khẩu khoảng 6 tấn/năm, nguồn nguyên liệu sẵn có dồi dào đã giúp Công ty TNHH sản xuất - xuất nhập khẩu yến sào Đại Phát, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài đầu tư đồng bộ quy trình sản xuất, đa dạng mẫu mã sản phẩm để có sức tiêu thụ tốt trên thị trường.

Trên bao bì mỗi sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất - xuất nhập khẩu yến sào Ðại Phát, phường Tiến Thành, TP. Ðồng Xoài được gắn mã QR để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Công ty TNHH sản xuất - xuất nhập khẩu yến sào Đại Phát, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài đầu tư đồng bộ quy trình sản xuất, từng tổ yến đều được thực hiện qua các bước dò kim loại, sấy lạnh để giữ hàm lượng dinh dưỡng tổ yến

Anh Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - xuất nhập khẩu yến sào Đại Phát chia sẻ: “Sản xuất, kinh doanh bền vững song hành với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường để hướng đến mục tiêu trở thành nhà cung cấp yến sào hàng đầu Việt Nam và xa hơn là thị trường thế giới. Các sản phẩm yến của công ty đang hướng đến đa dạng khách hàng. Ngoài rượu yến, mỹ phẩm từ yến, dòng sản phẩm chủ yếu của công ty là tổ yến tinh chế. Trên bao bì mỗi sản phẩm được gắn mã QR để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi cũng sử dụng hệ thống IoT để quản lý nhà yến tốt hơn. Phần mềm ứng dụng có thể truy xuất nguồn gốc tổ yến để phục vụ thị trường xuất khẩu chính ngạch, không lo tổ yến mất giá, khó bán”.

Ðưa yến sào lên “sàn”

Có 10 năm gắn bó với ngành yến, Cơ sở yến sào Viết Trung ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài đang xây dựng thương hiệu riêng với các sản phẩm yến thô, yến tinh chế và chế biến sâu, đa dạng sản phẩm yến hũ, cà phê tổ yến, rượu tổ yến, trà yến và sắp tới là cháo tổ yến. Ông Bùi Viết Trung, chủ Cơ sở yến sào Viết Trung cho biết: Các sản phẩm yến của cơ sở đã được cấp đầy đủ chứng chỉ, chứng nhận, mã vạch và được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 5 sao, điều này giúp sản phẩm có đầy đủ tiêu chuẩn để đi xa hơn trên thị trường. Với 9 nhà nuôi yến, chúng tôi chủ động được nguồn nguyên liệu. Việc tận dụng tốt thế mạnh thương mại điện tử, các trang mạng xã hội sẽ giúp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và phát triển khách hàng trên các nền tảng số, bán hàng đa kênh hiệu quả hơn.

Cơ sở yến sào Viết Trung, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài đang tận dụng tốt thế mạnh thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và bán hàng đa kênh

Cùng với quy hoạch vùng nuôi, việc đẩy mạnh xuất khẩu tổ yến đang là hướng đi cần thiết trong thời điểm hiện nay. Đặc biệt, từ tháng 11-2022, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang thị trường Trung Quốc. Việc ký kết này đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành yến Việt Nam phát triển. Để đi đường dài và đưa thương hiệu yến sào Bình Phước vươn xa thì bản thân các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến tổ yến không còn cách nào khác là phải thay đổi tư duy, tận dụng thế mạnh của công nghệ để chuyển mình. Đồng thời, cần thêm trợ lực từ các cơ quan nhà nước.

Người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang các nền tảng có tính tương tác cao để mua sắm. Việc đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại, bao gồm đưa các sản phẩm lên nền tảng số được xem là hướng đi tất yếu, góp phần mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các sản phẩm địa phương. Trung tâm đang tổ chức nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư để chia sẻ về máy móc, công nghệ; thị trường tiêu thụ; vốn và kiến thức để các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tận dụng thời cơ trước thời đại số.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh
TRẦN QUỐC DUY


Với chất lượng tổ yến được đánh giá tốt, lại là vùng nguyên liệu trọng điểm, ngành yến Bình Phước đang đứng trước cơ hội phát triển mới. Để sản phẩm yến sào trở thành loại nông sản tiêu biểu, chủ lực, đặc trưng của tỉnh, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nuôi và chế biến tổ yến đang là hướng đi cần thiết trong thời điểm hiện nay nhằm chuẩn hóa quy trình thu hoạch và chế biến, từng bước xây dựng thương hiệu, đưa tổ yến Bình Phước vươn ra thế giới bằng con đường xuất khẩu chính ngạch.

  • Từ khóa
192464

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu