Thứ 2, 20/05/2024 11:23:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:16, 25/10/2012 GMT+7

Sau hơn 8 năm, liệu vụ án buôn lậu qua cửa khẩu Hoa Lư có khép lại?

Thứ 5, 25/10/2012 | 16:16:00 1,562 lượt xem

Ngày 1-3-2004, thông tin Công an tỉnh khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại huyện Lộc Ninh không gây chú ý nhiều, nhưng khiến một số người “có tật” phải giật mình. Liên quan đến vụ án này, sau đó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Hoa Lư (ở xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh) lúc đó là Phan Công Anh bị khởi tố về tội buôn lậu. Sự việc đã làm chấn động ngành hải quan Bình Phước.

Hơn 8 năm trôi qua, vụ án liệu đã có thể kết thúc sau khi hai “nhân vật chính” bị tuyên án tù giam, còn “nhân vật gây chú ý” Phan Công Anh từng được tuyên vô tội, nhưng cuối tháng 9 vừa qua đã bị tuyên phạm tội buôn lậu và bị phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo?

NÚP BÓNG
DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐỂ BUÔN LẬU

Công ty Thương mại lâm sản Hà Nội (Công ty lâm sản Hà Nội), nay là Công ty cổ phần Thương mại Lâm sản Hà Nội được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập năm 1995, do Phan Anh Sơn làm giám đốc, có chức năng kinh doanh các ngành nghề nông, lâm sản, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản... Năm 2002, Công ty lâm sản Hà Nội ký hợp đồng mua bán gỗ với Công ty Fluor Manufacturing của Campuchia do bà Sok Sovan làm giám đốc, mua 2.000m3 gỗ xẻ nhóm I, đơn giá tùy theo từng chủng loại gỗ từ 320 đến 510 USD/m3, tổng giá trị hợp đồng 994.000 USD, địa điểm giao hàng tại Km số 0 ở các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia, gồm: Đức Cơ, tỉnh Gia Lai và Hoa Lư ở Bình Phước.

Trạm kiểm soát Liên hợp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư

Tháng 7-2003, Bộ Thương mại hai nước Việt Nam và Campuchia có công văn đồng ý cho Công ty lâm sản Hà Nội được nhập khẩu 1.500m3 gỗ đã qua chế biến (quy cách dày, rộng tối đa 25cm) từ Campuchia qua cửa khẩu Hoa Lư.

Tháng 8-2003, Phan Anh Sơn cùng với Nguyễn Văn Coi (Quyền cửa hàng trưởng cửa hàng kinh doanh lâm sản của công ty) đến làm việc với UBND tỉnh Gia Lai xin được nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Lệ Thanh nhưng không được chấp thuận. Sau đó, Sơn và Coi đến UBND tỉnh Bình Phước gặp các cơ quan chức năng, trong đó có gặp Phan Công Anh đề nghị được hướng dẫn làm thủ tục xin nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Hoa Lư. Lợi dụng tình huống này, Phan Công Anh trao đổi với Sơn và Coi hỏi xin “nhập ké một ít” về làm nhà, được Sơn và Coi đồng ý.

“Đầu xuôi đuôi lọt”, tháng 8-2003, Công ty lâm sản Hà Nội được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận cho nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Hoa Lư theo giấy phép của Bộ Thương mại. Theo kết quả điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, từ đó, những mánh khóe buôn lậu được Nguyễn Văn Coi, Phan Công Anh và một số “tay chân” triển khai thực hiện.

CHI CỤC TRƯỞNG
HẢI QUAN ĐÃ BUÔN LẬU
THẾ NÀO?

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 9-2003 đến tháng 3-2004 khi vụ việc bị khởi tố, được sự tiếp tay của Phan Công Anh, Nguyễn Văn Coi cùng với Phạm Quang Hải, là nhân viên cửa hàng do Coi là cửa hàng trưởng, đã phù phép bằng nhiều cách như làm giả hồ sơ, khai khống, khai man khối lượng hoặc chủng loại... để nhập lậu về 68,644m3 gỗ xẻ hộp quý nhóm I, như cẩm lai, gõ đỏ... Số gỗ này khi ở Campuchia cũng không hợp pháp, được Coi, Hải, Anh cùng “tay chân” móc nối mua rồi đem về Km số 0 tại cửa khẩu Hoa Lư, sau đó lập số liệu kích thước, khối lượng, chủng loại để làm hồ sơ giả nhằm hợp thức hóa.

Để “lót tay” thủ tục hải quan, Nguyễn Văn Coi đã “bo” riêng cho Phan Công Anh chỉ tiêu 10m3 gỗ trong chỉ tiêu 1.500m3 được phép nhập khẩu. Chỉ qua một đợt nhập lậu, Phan Công Anh nhờ “tay chân” đưa về được 7,642m3 gỗ xẻ cẩm lai và gõ đỏ không có giấy tờ hợp pháp của một số đối tượng ở Campuchia. Phan Công Anh trực tiếp đứng ra nhận gỗ do người Campuchia đem đến giao tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoa Lư.

Sau đó, Coi lấy pháp nhân của Công ty lâm sản Hà Nội tiếp tục làm hợp đồng mua bán gỗ xẻ với bên thứ ba để vận chuyển đi tiêu thụ toàn bộ số gỗ đã nhập về. Trong số đó có 7,642m3 của Phan Công Anh được đem về tận nhà mẹ vợ Phan Công Anh ở khu phố 5, phường Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, tổng giá trị hàng hóa phạm pháp tại thời điểm kết luận điều tra là 1,023 tỷ đồng. Số gỗ tang vật thu giữ 24,826m3 đã tổ chức bán đấu giá được 580 triệu đồng.

Sau phiên sơ thẩm thứ nhất, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh không đồng ý với quyết định của Hội đồng xét xử và kháng nghị lên Tòa án Nhân dân tối cao. Sơ thẩm lần thứ hai, Hội đồng xét xử của Tòa án Nhân dân tỉnh đã tuyên phạt Nguyễn Văn Coi 6 năm tù (tăng 1 năm so với sơ thẩm lần thứ nhất), Phạm Quang Hải giữ mức án cũ 2,5 năm tù giam. Đặc biệt là lần này Phan Công Anh bị tuyên phạm tội buôn lậu và phải nhận bản án 1 năm tù, trừ thời gian đã bị tạm giam, còn lại 9 tháng 20 ngày, nhưng cho hưởng án treo.

Sự không thống nhất quan điểm của cơ quan truy tố và cơ quan xét xử đã khiến vụ án kéo dài hơn 8 năm qua. Liệu kết quả xét xử lần này đã có thể khép lại vụ án? Câu trả lời chỉ có thể có sau ngày 18-10-2012, ngày hết thời hạn kháng nghị bản án sơ thẩm lần thứ hai.

Trần Phương

  • Từ khóa
92143

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu