Thứ 6, 10/05/2024 01:51:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 05:00, 13/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Nghề báo và những chuyến đi

Thanh Lâm
Thứ 2, 13/06/2022 | 05:00:00 707 lượt xem
BPO - Người ta thường nói nghề báo luôn gắn liền với những chuyến đi, giúp người làm báo được trải nghiệm với nghề, với cuộc sống mà ít công việc nào có được. Đối với tôi, hơn 20 năm gắn bó nghề báo với hàng ngàn chuyến đi xa, gần, dài, ngắn nhưng có lẽ ấn tượng không thể quên được trong đời tôi là những lần đến với Trường Sa thân yêu.

Thành viên đoàn công tác tỉnh Bình Phước trong chuyến thăm, tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa năm 2021

Tự hào được đến Trường Sa

Vinh dự, tự hào, hãnh diện là tâm trạng chung của những ai đã được đến Trường Sa dù chỉ 1 lần trong đời. Nghề báo đã tạo cơ hội cho tôi được đến Trường Sa qua 2 lần tháp tùng đoàn công tác của tỉnh Bình Phước đi thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, Nhà giàn DK1 vào các năm 2019, 2021. Đến với Trường Sa - hành trình tuy gian nan, vất vả nhưng để lại trong ký ức tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng khó phai.

Lễ tiễn đoàn công tác số 4 lên tàu Trường Sa 571 đến với đảo Trường Sa năm 2021

Đối với thành viên đoàn công tác, khó khăn lớn nhất là chuyến đi dài ngày trong điều kiện lênh đênh trên biển, luôn phải đối diện với sóng to, gió lớn và cơn say sóng, cùng với đó là những lần lên, xuống tàu rất nguy hiểm. Đối với tôi, ngoài điều đó còn phải thử thách, độc lập tác nghiệp trong điều kiện máy móc, thiết bị luôn trong tình trạng bị “đe dọa” bởi sóng biển tạt ướt mỗi khi đi xuồng ra, vào đảo. Thế nhưng được đặt chân lên các đảo, tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đầu sóng ngọn gió này thì khó khăn vất vả kia chẳng thấm vào đâu. Qua những chuyến đi, chúng ta sẽ hiểu biết hơn về biển, đảo quê hương và cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, những hy sinh của quân và dân trên các đảo. Từ đó thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Đoàn công tác tỉnh Bình Phước tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Đảo Trường Sa

Hành trình ấn tượng

Một góc nhà giàn DK1 Tư Chính ngày nay

Mỗi chuyến công tác đến với Trường Sa, ban điều hành chuyến đi thường tổ chức cho toàn thể đại biểu được tham dự nghi lễ chào cờ trên một số đảo nổi của quần đảo Trường Sa. Trước cột chủ quyền trên đảo, dưới lá Quốc kỳ đỏ thắm, kiêu hãnh tung bay trong gió, cán bộ, chiến sĩ, người dân và các thành viên đoàn công tác đã chào cờ, hát vang bài Quốc ca. Dù đã được dự rất nhiều buổi chào cờ nhưng chưa bao giờ chúng tôi lại có cảm giác thiêng liêng, xúc động đặc biệt như khi đứng nghiêm, hát Quốc ca giữa biển trời bao la như ở nơi này. Càng cảm động hơn khi được nghe đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam trên đảo.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa Lớn chào đón đoàn công tác

Hoạt động đầy ý nghĩa và để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng mỗi thành viên đoàn công tác khi đến Trường Sa là được tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Buổi lễ được tổ chức trang trọng và đầy xúc động ngay trên boong tàu, là dịp để các thành viên có điều kiện hiểu rõ hơn nữa về những chiến công hiển hách, về lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong không khí trang nghiêm, ca khúc Hồn tử sĩ vang lên bi tráng và da diết. Tất cả đều tưởng nhớ về các anh, những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự bình yên, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Sau buổi lễ, từng thành viên với hoa cúc vàng, hạc giấy trên tay thả xuống biển khơi để tri ân các anh hùng liệt sĩ. Xúc động trước những hy sinh của các liệt sĩ Trường Sa, nhiều thành viêntrong đoàn đã không cầm được nước mắt.

Chiến sĩ đảo Sơn Ca làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác, bảo vệ đảo

Trên mỗi chuyến tàu đến Trường Sa, ban tổ chức chuyến đi luôn sắp xếp, bố trí đội văn nghệ xung kích để hát biểu diễn, giao lưu, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Tất cả điểm đảo, nhà giàn mà đoàn ghé thăm đều được tổ chức buổi giao lưu văn nghệ đặc biệt ấn tượng. Ở những đảo chìm do điều kiện còn khó khăn, sân khấu của buổi văn nghệ là khoảng trống trước các tòa nhà của đảo. Cây đàn, giàn loa rất đơn sơ, giản dị nhưng đã đem đến nhiều tiết mục sôi động và sâu lắng, để lại trong lòng mỗi thành viên đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ nơi đây những kỷ niệm khó phai. Giữa mênh mông biển cả, tiếng hát cùng tiếng sóng, tiếng gió hòa quyện vào nhau. Đối với mỗi thành viên đội văn nghệ, được đến biểu diễn ở Trường Sa là điều vinh dự, để mang lời ca tiếng hát lan tỏa hơi ấm, tình cảm của người dân đất liền đến với biển đảo và để biển đảo - đất liền gần nhau hơn…

Lễ chào cờ trên đảo Song Tử Tây

Chuyến đi cũng đã để lại nhiều ký ức đẹp trong mỗi thành viên đoàn công tác. Ký ức về con tàu và những cán bộ, chiến sĩ trên tàu luôn tận tâm, nhiệt tình, chu đáo phục vụ đoàn trong từng hoạt động, từng bữa cơm, buổi giao lưu văn hóa văn nghệ. Trong suốt hải trình, thành viên đoàn công tác đã được ăn chung, ở chung, công tác chung trên một chuyến tàu. Mỗi người mỗi địa phương khác nhau, công việc, chức vụ khác nhau nhưng đã xem nhau như anh em một nhà, như đồng đội cùng chung chuyến tàu đến làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Để rồi khi chia tay ai nấy đều cảm thấy xúc động dâng trào và hy vọng lại được đến với Trường Sa.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma

Đổi thay nơi đảo xa

Đến với Trường Sa - một hành trình rộn vang tiếng hát

Trong những năm qua, Trường Sa luôn nhận được sự giúp đỡ đặc biệt bằng vật chất, tinh thần của cả nước. Từ sự quan tâm ấy, diện mạo của huyện đảo Trường Sa được đổi mới từng ngày. Sự thay đổi đó khiến ai cũng phải ngỡ ngàng khi được đặt chân đến nơi đây. Ở một số đảo nổi đã xây dựng được công trình âu tàu, khu dịch vụ nghề cá rất khang trang bề thế, làm nơi tránh, trú bão cho tàu thuyền và cung cấp các dịch vụ cho ngư dân đánh bắt.

Âu tàu trên đảo Đá Tây A, điểm tựa cho ngư dân bám biển

Một lớp học trên đảo Trường Sa Lớn

Vườn rau xanh tốt được cán bộ, chiến sĩ trồng trên đảo chìm Cô Lin

Trên các đảo nổi ngày nay, những công trình trường học, trạm xá được xây dựng để phục vụ học tập, khám, chữa bệnh cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng trên đảo. Các công trình tượng đài, các ngôi chùa được xây dựng phục vụ đời sống tâm linh, tinh thần của nhân dân. Khi đặt chân lên các đảo nổi, tôi có cảm nhận như được dạo chơi tại công viên giữa biển khơi. Các đảo được bao phủ màu xanh của những cây bàng vuông, cây tra, cây dừa và rặng phi lao. Dưới tán xanh ấy, đâu đâu cũng hiện hữu các loại rau, quả xen lẫn với sắc thắm của các loài hoa do chính tay các cán bộ, chiến sĩ nơi đây vun trồng, chăm sóc.

Một góc Trường Sa Lớn ngày nay

Cán bộ, chiến sĩ tàu Trường Sa 571 hỗ trợ đưa quà và các thành viên đoàn công tác vào thăm đảo

Màu xanh tươi mát trên đảo Song Tử Tây

Tại các điểm đảo chìm, tuy cơ sở vật chất chưa đầy đủ, tiện nghi nhưng cũng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu công tác, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Các đảo chìm và Nhà giàn DK1 được xây dựng như những lâu đài giữa biển khơi. Mặc dù khó khăn về đất đai, khí hậu khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã khắc phục mọi gian nan thử thách, tích cực tăng gia sản xuất trồng rau xanh, nuôi vịt, gà cải thiện đời sống. Trên các đảo cũng đã được đầu tư nhiều hơn những công trình điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió, các bể chứa nước ngọt để phục vụ sinh hoạt. Hạ tầng viễn thông sóng điện thoại, truyền hình cũng được đầu tư bao phủ để phục vụ sinh hoạt, giải trí cho cán bộ, chiến sĩ. Sự đổi thay này đã giúp mỗi người dân nơi đất liền cảm thấy an tâm hơn, ấm lòng hơn và thêm vững niềm tin về sự kiên trung của những người lính nơi đảo xa.

  • Từ khóa
144237

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu