Thứ 5, 09/05/2024 16:07:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 17:22, 12/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

"Thu trên đồi, nói trên loa"

Chủ nhật, 12/06/2022 | 17:22:00 916 lượt xem
BPO - Trong những ngày đầu tháng 6-2022 - hướng về kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi gặp lại các anh em ở Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bù Đăng trong một đợt công tác... Gặp nhau, thăm hỏi về hoạt động ngành..., chúng tôi đã cùng nhau nhắc những kỷ niệm xưa với niềm hạnh phúc và tự hào nghề báo...

Chuyện "thu trên đồi"...

"Cứ gặp lại anh, là Phước nhớ cái kỷ niệm mấy anh em mình ngồi thu trên đồi!..." Nắm chặt tay tôi, anh Phước nói...

Tác giả (bên trái) và Anh Trương Văn Phước, cán bộ kỹ thuật của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bù Đăng

... Vậy là 2 mái đầu bạc kề nhau nhắc lại cho mọi người nghe...

Anh Trương Văn Phước, cán bộ kỹ thuật của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bù Đăng kể...

Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bù Đăng

...Đó là một buổi trưa, có lẽ vào năm 1990... Hôm đó, anh (nói về tôi) vừa lên công tác, tôi và Thư (chị Nguyễn Thị Kim Thư - nguyên là phát thanh viên của Đài Bù Đăng) có nhờ anh thu giọng nam cho chương trình phát sáng hôm sau... Mấy anh em kéo nhau… lên đồi phía sau Đài để đọc!... Anh và Thư đọc, còn tôi thì ngồi bấm cassette thu... Tính tranh thủ giữa trưa, im vắng thu cho "ngon", ai ngờ phải xóa tới xóa lui mấy bận mới xong vì lọt tiếng chó sủa, gà gáy trưa!...

Nói đến đây, anh Phước, tôi và các anh em ngồi bên cùng bật cười....

Ngẫm lại chuyện "làm nghề phát thanh viên" ngày xưa quá cực mà cũng lắm chuyện khôi hài...

Chuyện đã hơn 30 năm, kể từ khi tôi vào ngành và đi công tác cơ sở biết được anh Phước.

Tôi biết anh từ khi anh còn là một kỹ thuật truyền thanh ở Đài Truyền thanh Phước Long, sau khi chia tách huyện, anh về đài huyện Bù Đăng và công tác cho đến nay. Anh hơn tôi vài tuổi và có lẽ là người gắn bó lâu nhất ở các đài cấp huyện mà tôi từng biết...

Anh tâm sự: "... Năm sau Phước sẽ nghỉ hưu... Kim Thư thì đã nghỉ rồi, nhưng có dịp gặp, Thư cũng hay hỏi thăm anh..., nhắc lại chuyện mấy anh em mình ngồi thu thanh trên đồi!...".

Cô Phùng Thị Mỹ Hiệp, hiện là phóng viên, vừa làm phát thanh viên của Đài Bù Đăng, nói thêm: "Em vào Đài sau, nhưng rất thích chuyện này... Đúng là phải rất yêu nghề mấy anh chị mới có một kỷ niệm đẹp như vậy!...".

Những năm trước 1990, các đài cấp huyện vẫn còn hệ thống truyền thanh hữu tuyến; mạng lưới dây, loa co cụm và cơ sở vật chất kỹ thuật, trụ sở làm việc còn nghèo nàn, thiếu thốn... Hầu như các đài huyện chỉ thực hiện truyền thanh 1-2 buổi trong ngày; người "làm phát thanh viên" ở đài huyện nếu muốn thu chương trình thì thường thu trực tiếp ngay phòng máy vào giữa trưa hoặc đêm hôm tĩnh lặng để tránh tạp âm... Tuy vậy, do không có phòng thu cách âm nên việc thu âm khá khó khăn, mất nhiều thời gian và nhiều lúc vẫn lọt những âm thanh không mong muốn trên loa!...

Tác giả (thứ hai bên trái) trong lần trao tặng hệ thống truyền thanh công nghệ IP cho xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập

Việc chọn được người "làm phát thanh viên" ở đài cấp huyện cũng rất khó khăn và thường họ cũng không được đào tạo trường lớp bài bản như ngày nay. Tìm được một giọng đọc "nghe được" đã khó, nên hiếm khi nghe được 2 giọng đọc trong 1 chương trình truyền thanh lúc đó... Đó cũng là lý do mà mỗi khi tôi có dịp đi công tác dài ngày ở các huyện, đều được "mời" tham gia thu thanh.

Xuất thân từ một cán bộ kỹ thuật quản lý truyền thanh cơ sở, nhưng tôi cũng đã "ngẫu nhiên" được chọn vào nghề phát thanh viên của Đài tỉnh Sông Bé nhiều năm, nên các đài huyện lúc bấy giờ rất quý trọng khi tôi đến công tác. Đó cũng là dịp để tôi chia sẻ kinh nghiệm làm nghề phát thanh viên cho các đài cấp huyện...

...Đến chuyện "nói trên loa"

Đối với các đài truyền thanh cấp huyện trước đây, ngoài việc thu thanh (qua băng cassette) cho một chương trình truyền thanh để phát sóng vào khung giờ quy định (thường là sáng hoặc chiều tối) thì còn có những bản tin, thông báo đột xuất được truyền tải trên hệ thống loa. Những lúc đó, người làm phát thanh viên đài huyện chỉ biên tập nhanh nội dung thông báo và đọc thẳng trên hệ thống loa nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho người dân địa phương nắm bắt...

Những thông tin đó thường được người dân lắng nghe vì tính nhanh, kịp thời và cấp thiết đối với họ. Do vậy, người dân địa phương mỗi khi chia sẻ thông tin cho nhau hay nói với nhau rằng: "cái này loa nói!", "cán bộ trên loa nói đó"... Còn anh em làm nghề thì hay nói vui nhau là làm nghề "nói qua loa"...

Trong sản xuất chương trình phát thanh truyền thống, bên cạnh các chương trình được tổ chức biên tập, thu - dựng chỉn chu để phát sóng; còn có các chương trình phát thanh trực tiếp hay có những bản tin, nội dung được "phát thẳng" qua quy trình xử lý nội dung nhanh và chuyển cho phát thanh viên đọc trực tiếp, nói trực tiếp nhằm đáp ứng tính nhanh, kịp thời của vấn đề, sự kiện vừa mới xảy ra...

Thực tế cho thấy, ngay từ khi mới ra đời, trong điều kiện phương tiện kỹ thuật còn vô cùng nghèo nàn, chưa có máy ghi âm thì các chương trình của đài phát thanh hay các đài truyền thanh cấp huyện đều được làm trực tiếp kết hợp với phương thức đọc thẳng. Với phương thức đó, các vấn đề, sự kiện thời sự luôn được truyền đi trên sóng một cách nhanh nhất, đảm bảo tính thời sự. Những chương trình phát thanh đầu tiên được thực hiện ở Đài Tiếng nói Việt Nam trước đây, trong điều kiện của một đài quốc gia mới thành lập, còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất kỹ thuật, thì những người làm phát thanh khi đó đã thực hiện được nhiều chương trình như thế.

Những năm đó, tôi cũng từng có nhiều dịp tham gia cùng các anh chị em đồng nghiệp của đài cấp huyện "đọc thẳng" qua nhiều chương trình, sự kiện ở địa phương... Mỗi lần như vậy, tôi lại được dịp hướng dẫn cho đồng nghiệp các kỹ năng về nghề phát thanh viên mà mình đã được đào tạo cũng như chia sẻ kinh nghiệm mà chính mình trước đó cũng học được từ chú Tư Trung, anh Phước Tường, chị Tư Yểm, chị Thanh Phương... những lớp người phát thanh viên trước của Đài Sông Bé...

Và… thổi hồn vào chuyện kể

Ngày nay, trong xu thế số hóa của "thế giới phẳng", công chúng không chỉ nghe (thụ động), mà họ có quyền lựa chọn các kênh thông tin khác nhau để tiếp nhận. Vì vậy: "nhanh" (tính thời sự, kịp thời); "hay" (nội dung chính xác, được quan tâm) chưa đủ, mà còn cần "hấp dẫn" (cách thể hiện). Tính hấp dẫn đó, không chỉ nói đến kết cấu chương trình, cách thức tổ chức sản xuất mà còn là sự chuyển tải của cơ quan truyền thông đến công chúng qua giọng nói, giọng đọc của người phát thanh viên - người sẽ chuyển tải ngôn ngữ viết sang ngôn ngữ nói để đưa thông tin đến với công chúng.

Các phát thanh viên: Mỹ Duyên, Hữu Trung, Hằng My, Minh Tuyết trong chương trình Cà phê sáng và Thời sự BPTV

Rõ ràng, đối với truyền hình yêu cầu luôn cao chính là hình ảnh, đối với phát thanh chính là giọng nói. Nếu không có giọng nói chuẩn, hay, sự hiểu biết và "nghệ thuật" nói, thì chắc chắn câu chuyện sẽ thiếu đi tính hấp dẫn.

Các biên tập viên, phát thanh viên BPTV trong chương trình phát thanh trực tiếp “Ngôi nhà khởi nghiệp" - Ảnh: Minh Huệ

Dẫu biết rằng, việc tuyển chọn được người làm phát thanh viên chuyên nghiệp như ở đài tỉnh, thành phố hay không chuyên như ở các đài cấp huyện đều rất khó khăn; nhưng cũng không dễ để có 1 phát thanh viên thành công, nếu thiếu đi lòng yêu nghề, sự học hỏi nâng cao trình độ mọi mặt và sự khổ luyện trong nghề. Bởi lẽ họ chính là những người "thổi hồn" cho câu chuyện kể đến người nghe!...

Nhớ chuyện xưa, kể lại, để tự hào với nghề mình đã chọn; để chia sẻ kỷ niệm cùng các cô chú, anh chị em đã và đang tham gia công tác ngành từ tỉnh đến huyện - những người đã "thổi hồn" cho biết bao câu chuyện trên sóng phát thanh, truyền hình những năm qua...

Nhắc chuyện xưa, để tự hào và tin tưởng vào những phát thanh viên trẻ hôm nay sẽ vững tin với nghề; sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ...

Để kể tiếp những câu chuyện hay!...

Tháng 6-2022

Lê Thảo

  • Từ khóa
144225

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu