Thứ 5, 09/05/2024 23:15:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:14, 11/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Những suy nghĩ về nghề báo

Thứ 7, 11/06/2022 | 14:14:32 2,969 lượt xem
BPO - “Con gái học báo chí làm gì cực lắm con ơi!”. Đó là lời khuyên của mẹ khi tôi đang phân vân chọn trường theo học. Hơn 10 năm trước, cầm trên tay giấy báo trúng tuyển khoa Sư phạm chính trị của Trường Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh và khoa Báo chí của Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, thật sự trong lòng tôi rất muốn được học báo chí. Vốn thích viết lách, lại hay theo dõi các cô chú phóng viên trên truyền hình được đi đây đi đó, được mọi người ngưỡng mộ, tôi cũng mơ ước một ngày mình trở thành nhà báo. Nhưng cuối cùng tôi chọn sư phạm, gác lại những mộng mơ của một thời học sinh vì những lý do riêng của gia đình.

Những năm tháng rong ruổi của một thời sinh viên, vừa học vừa làm thêm, vừa tham gia các lớp học miễn phí của Nhà văn hóa thanh niên. Nhờ vậy mà tôi có cơ hội được trau dồi khả năng viết lách của mình, tập tành tham gia viết bài và trở thành cộng tác viên của báo Mực tím, Hoa học trò, tạp chí Áo trắng. Thời điểm đó, tôi viết rất nhiều bài thơ, tập thơ, truyện ngắn. Niềm vui mỗi ngày là được thấy tác phẩm của mình xuất hiện trên số ra mới nhất của tờ báo. Tôi hạnh phúc vì như vậy là mình đã trở thành nhà báo.

Nhưng thời gian thấm thoát trôi đi, sau 10 năm học hỏi và trưởng thành, suy nghĩ trong tôi về danh xưng “nhà báo” cũng không còn như trước. Công việc hiện tại giúp tôi có cơ hội được tiếp xúc, làm việc nhiều hơn với những phóng viên, biên tập viên…, những người làm nghề báo và tôi nhận ra nhà báo là phải tạo ra sản phẩm gắn liền với đời, với cuộc sống hiện tại chứ không phải chỉ ngồi một chỗ và viết văn, làm thơ giống như tôi vẫn nghĩ. Đã là nhà báo thì dù có là nam hay nữ, bất kể ngày hay đêm cũng phải cầm máy lên và chạy ngay đến hiện trường để trực chiến, bất kể mưa bão, đường sá khó khăn để thông tin được cập nhật chân thực, nhanh nhất và chính xác nhất. Cô em phóng viên hay tâm sự với tôi bảo “Nhiều lúc nửa đêm mưa gió ầm ầm mà tụi em cũng đi như thường chị ạ. Lúc đầu em cũng sợ lắm nhưng giờ thì quen rồi. Làm nghề gì cũng có những vất vả riêng”. Nghe mà thấy thương làm sao! 

Có lần chứng kiến một anh kỹ thuật viên đi tác nghiệp xa nhà, vợ mới sinh con không người chăm sóc, đến tối muộn vẫn còn phải chuẩn bị máy móc, thiết bị cho chương trình lên sóng vào buổi sáng mai mới thấy đồng cảm với những người làm nghề báo. Để có những phóng sự, bài báo, thông tin mới nhất được lên báo, lên hình thật chỉn chu thì những nhà báo, phóng viên và cả ekip đằng sau đó phải hoạt động miệt mài và cần mẫn không kể thời gian. Tôi tự nhận ra mình đã không hiểu được giá trị sâu sắc của 2 từ “nhà báo” khi đánh đồng tất cả những người có thể viết lách là nhà báo mà không biết rằng có một ranh giới rất đặc biệt để phân biệt “nhà báo” với “người viết” hay nhà thơ, nhà văn… đó là sự sáng tạo và chất đời. Người ta cũng có thể viết rất nhiều tin tức hàng hàng ngày, những sự kiện xảy ra xung quanh mình một cách thuần thục nhưng chủ yếu là dựa vào thông tin, báo cáo hay theo mô tip quen thuộc. Còn để viết được những bài báo hay, sáng tạo với tinh thần đấu tranh và xây dựng thì chỉ có thể là những nhà báo đúng nghĩa, đáp ứng những điều kiện cần và đủ, đó là mắt phải sáng, tâm phải trong và bút phải sắc

Một lần tác nghiệp của những kỹ thuật viên (hình ảnh ghi nhận trong chuyến công tác của Đài PT-TH Hớn Quản tại huyện Phú Riềng)

Mắt sáng là khả năng đặc biệt, nhanh nhạy trước mọi vấn đề của đời sống xã hội. Nhà báo là người nhìn đâu cũng thấy vấn đề có thể viết được. Có người đã từng nói cặp mắt nhà báo phải là cặp mắt của chim ưng, nghĩa là phải thật tinh tường, nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu vào đời sống. Năng lực này đặc biệt quan trọng và gần như là điều kiện tiên quyết để giúp mỗi người trở thành một nhà báo. 

Tâm trong chính là đạo đức, là phẩm chất của người cầm bút. Nhà báo phải đứng trên mọi luồng dư luận từ nhiều phía, để giữ vững quan điểm, phản ánh đầy đủ bản chất sự việc. Tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân mà hướng nội dung bài viết theo ý chủ quan, có lợi cho bản thân hoặc thế lực nào đó. “Tâm trong” đòi hỏi nhà báo phải giữ cái tâm trong sạch, đạo đức nghề nghiệp vững bền. Khi một nhà báo luôn tâm niệm những quy tắc nghề nghiệp thì họ sẽ đứng vững được trước những cám dỗ tầm thường. Đạo đức nghề nghiệp báo chí hay đạo đức người làm báo là việc ứng xử trên cơ sở đạo đức của xã hội, là lương tâm, trách nhiệm xã hội. 

“Bút sắc” chính là sức mạnh của nội dung bài viết tác động đến công chúng, làm thay đổi cuộc sống, xã hội theo hướng tích cực. Bằng những chứng cứ, tài liệu đã thu thập được, nhà báo sử dụng ngôn ngữ sắc sảo, điêu luyện của mình để nêu bật vấn đề cần phản ánh. “Bút sắc” là vũ khí đắc lực để nhà báo trở thành một chiến sĩ chiến đấu chống lại các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta thông qua “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng; đấu tranh với cái sai trái, đi ngược lại với lợi ích nhân dân, làm trì trệ nền kinh tế đất nước đang trên đà phát triển. Đồng thời, dựa trên ngòi “bút sắc”, nhà báo làm nhiệm vụ phơi bày sự thật trước công chúng, chống lại cái xấu xa, làm trong sạch xã hội. Mọi hành động nhằm “bẻ cong ngòi bút”, sử dụng danh nghĩa nhà báo để mưu cầu, vụ lợi cá nhân đều phải được chấn chỉnh thích đáng. Để có năng lực này, nhà báo phải là người thông minh và nhiều vốn liếng: vốn sống dồi dào, vốn văn hóa sâu rộng, vốn tri thức và kinh nghiệm nghề nghiệp chuyên sâu. 

Với tôi, nhà báo luôn là một tên gọi cao quý dành cho những người làm nghề cao quý. Không phải ai cũng có thể trở thành nhà báo và không phải nhà báo nào cũng có thể tồn tại mãi nếu không có đầy đủ “mắt sáng, tâm trong và bút sắc”. Trước khi trở thành một nhà báo thì phải là một người viết có trách nhiệm và xin đừng hời hợt với cuộc đời. 

Dạ Thảo
(dathaophurieng@gmail.com)

  • Từ khóa
144187

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu