Thứ 5, 09/05/2024 11:58:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 09:25, 26/09/2023 GMT+7

Để du lịch Bình Phước cất cánh

Thứ 3, 26/09/2023 | 09:25:18 2,019 lượt xem

Bài cuối:
LIÊN KẾT CÙNG PHÁT TRIỂN


Ngọc Bích

BPO - Để phác họa rõ nét hơn về giá trị, vị trí di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh (di tích) của Bình Phước, đồng thời tìm ra giải pháp phát huy hiệu quả nguồn lực này đối với phát triển du lịch của tỉnh, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã phỏng vấn PGS.TS Huỳnh Văn Tới, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.

Bao quát các mặt đời sống và tiến trình phát triển

*PGS.TS đánh giá như thế nào về các di tích trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong hệ thống giá trị của nguồn lực văn hóa vùng Đông Nam Bộ?

Về góc độ chuyên môn, các di tích trên địa bàn tỉnh Bình Phước có các góc nhìn khác nhau và giá trị của di tích bao gồm rất nhiều chuyên ngành như: khảo cổ học, văn hóa học, dân tộc học, tôn giáo học. Ở góc nhìn chủ quan của tôi, di tích lịch sử, văn hóa của Bình Phước rất phong phú, đa dạng và cấu thành hệ thống bao quát các mặt đời sống. Điển hình như hệ thống di tích của người xưa qua khảo cổ học: hệ thống di tích thành đất hình tròn, đàn đá, kiến trúc Pháp cổ trên đất Bình Phước... Đối với di tích văn hóa do các bậc tiền nhân khai mở, đó là các hệ thống của kiến trúc, hệ thống tri thức lịch sử được hình thành từ các phong trào đấu tranh cách mạng qua từng giai đoạn lịch sử; hệ thống các mảng nối lại giữa Trường Sơn với miền Đông Nam Bộ. Điều này minh chứng vì sao Bình Phước là điểm đầu, tiền tiêu của khu vực Đông Nam Bộ trong các cuộc kháng chiến.

PGS.TS Huỳnh Văn Tới, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh trao đổi với phóng viên về phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong phát triển du lịch - Ảnh: Như Nam

Nhìn một cách tổng quan, theo tôi các di tích trên địa bàn Bình Phước về mảng cấu thành có đầy đủ các dạng di tích. Đặc điểm quan trọng là các di tích đó đều có giá trị đặc biệt và tỏa sáng, nó đánh dấu một chuỗi từ khai mở, đấu tranh cách mạng giành chính quyền cho đến xây dựng và phát triển hiện nay. Với vị thế kết nối và gắn liền với khu vực Đông Nam Bộ nên các di tích của Bình Phước không chỉ đại diện cho bản thân nó mà cho cả vùng và kết nối liên vùng. Mỗi di tích đều có ý nghĩa kết nối với các di tích đồng dạng trong khu vực Đông Nam Bộ. Cho nên khi đánh giá vị thế và nghiên cứu hướng phát triển di tích lịch sử, văn hóa của Bình Phước phải có tư duy liên vùng.

Phát huy “4 nguồn lực”

*Với giá trị di tích mang tầm văn hóa không gian rộng lớn trong kết nối vùng, PGS.TS có đánh giá và khuyến nghị như thế nào đối với tỉnh Bình Phước trong phát huy giá trị di tích để phát triển du lịch thời gian tới?

Theo tôi, Bình Phước hội đủ các yếu tố cốt lõi của văn hóa: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, văn thịnh. Cụ thể, tỉnh Bình Phước có địa thế và không gian văn hóa kết nối giữa Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh, tiếp giáp các tỉnh Đắk Nông, Bình Dương, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh; và đường biên giới dài 258,939km tiếp giáp 3 tỉnh Mondulkiri, Kratie, Tbong Khmum của Vương quốc Campuchia. Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Phước phù hợp với trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, tạo nên tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế, nhiều cơ hội vươn cao, bay xa. Dân số tỉnh Bình Phước đến cuối năm 2022 có 1.034.667 người với 41 dân tộc cùng chung sống đoàn kết trên địa bàn 11 đơn vị hành chính cấp huyện là "nhân hòa".

Di tích lịch sử - danh thắng núi Bà Rá (TX. Phước Long), điểm đến hấp dẫn tại Bình Phước - Ảnh: Phú Quý

Trên địa bàn Bình Phước có nhiều di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng cùng nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị. Các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng kết nối từ các chặng đường Trường Sơn đi qua khu vực Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Ấy là “văn thịnh”.

Nếu các lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” được xác định là nguồn lực trong phát triển thì nhân tố “văn thịnh” cũng được xem là nguồn lực văn hóa cần phát huy trong định hướng phát triển ở Bình Phước và toàn vùng Đông Nam Bộ.

Để phát huy các giá trị này, theo tôi phải thực hiện một số nhiệm vụ như: Các di tích ở đâu phải được bảo tồn, định danh và quản lý ở đó; làm cho giá trị di tích tỏa sáng thông qua truyền thông, giáo dục để ý nghĩa, giá trị di tích đi vào trái tim, nhận thức của từng người dân trong tỉnh, khu vực, thậm chí quảng bá sâu rộng ra thế giới. Ngoài ra, phát huy sức mạnh kết nối, liên kết vùng, cần có con đường di sản lịch sử, văn hóa cách mạng với một không gian rộng lớn trong khu vực Đông Nam Bộ, giúp du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu hiểu đúng bản chất, giá trị của di tích.

Xác định mục tiêu trúng và đúng

*Với những ưu điểm, lợi thế về di tích của Bình Phước, PGS.TS có khuyến nghị gì trong ứng xử với các di tích để giữ gìn cho thế hệ mai sau, đồng thời phát huy giá trị di tích trong phát triển du lịch của tỉnh thời gian tới?

Đầu tiên, phải xác định mục tiêu cho trúng và đúng. Mục tiêu phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa không chỉ đóng khung ở địa phương mà góp phần phát triển toàn vùng. Không chỉ thu hút du lịch mà quan trọng là giáo dục truyền thống, làm tăng giá trị văn hóa, lịch sử, quảng bá hình ảnh tỉnh nhà.

Du khách tham quan, chụp hình với cây di sản trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Di tích do các thế hệ tạo ra, vì vậy thế hệ tiếp nối có trách nhiệm làm sao để nhân dân nhận ra giá trị di tích, cùng nhau bảo vệ, tôn tạo, thẩm định, sáng tạo và hưởng thụ. Trong đó, sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất. Phải tạo ra các sản phẩm du lịch để quảng bá, những tour du lịch phải có hệ thống, kết nối các điểm đến thuận lợi tạo sức hút với du khách. Tăng cường đầu tư dịch vụ du lịch, như về thuyết minh, mô hình sinh động; hướng đến du lịch trải nghiệm. Di tích văn hóa, lịch sử không tách rời đời sống văn hóa, lịch sử. Ngoài trùng tu, tôn tạo di tích, cần tái hiện hoạt động văn hóa gắn liền với di tích, thể hiện tinh hoa của nó; tái hiện đời sống kháng chiến, tri thức kháng chiến, nhất là các sáng tạo trong kháng chiến của nhân dân. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để việc quảng bá về di tích vượt không gian và thời gian đạt hiệu quả.

Để làm được những điều này, không chỉ riêng ngành văn hóa và tỉnh Bình Phước mà phải bắt đầu từ tư duy phát triển vùng. Cụ thể, theo Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020.

Như vậy, phải tạo ra thiết chế không gian để cùng nhau đầu tư, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Đầu tiên, là giải pháp về nhận thức; thứ hai là giải pháp về truyền thông giáo dục; thứ ba là giải pháp liên kết. Mỗi giải pháp cần dự án rất chi tiết mang tầm chiến lược dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, có sự chung tay của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ. Từ thực tiễn, việc phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử ở Bình Phước có thể rút ra được nhiều điều bổ ích trong phát huy nguồn lực văn hóa để phát triển toàn vùng Đông Nam Bộ.

Tôi tin rằng với sự quan tâm, đầu tư và tầm nhìn của tỉnh Bình Phước hiện nay, trong tương lai gần chắc chắn sẽ kết nối, liên kết được với vùng phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử, văn hóa.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS Huỳnh Văn Tới!

  • Từ khóa
178228

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu