Thứ 5, 09/05/2024 19:26:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 08:58, 21/09/2023 GMT+7

Để du lịch Bình Phước cất cánh

Thứ 5, 21/09/2023 | 08:58:36 1,867 lượt xem

Bài 2:
PHÍA SAU LỚP RÊU PHONG
VÀ NHỮNG TRĂN TRỞ


Ngọc Bích

BPO - Phần lớn các di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị xâm lấn; vấn đề môi trường tại các di tích, danh lam thắng cảnh chưa đảm bảo; một số công trình kiến trúc cổ bị xuống cấp trầm trọng, di tích bị xuống cấp chưa được tu bổ kịp thời; các di tích bị phủ rêu phong, hoang phế nên chưa thu hút khách đến tham quan, chưa phát huy được giá trị tương xứng với tầm cỡ của di tích… Đây là “tiếng kêu cứu” của các di tích, cũng là trăn trở của những người yêu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh.

Nhiều di tích xuống cấp

Lộc Ninh được phân cấp quản lý 24 di tích, trong đó có các di tích với công trình kiến trúc cổ, quy mô và phạm vi lớn, nhiều hạng mục công trình đồ sộ có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc, y tế… cao. Tuy nhiên hiện nay, một số di tích đang xuống cấp trầm trọng.

Điển hình là di tích quốc gia đặc biệt Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 tại xã Lộc Quang. Tổng kho nhiên liệu VK98 được xây dựng năm 1974, tọa lạc quanh ngọn đồi 117 (tên một điểm cao trong bản đồ quân sự) thuộc xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, với diện tích 10 ha, gồm 7 bồn. Tổng kho nhiên liệu VK98 có trữ lượng 1.750.000 lít. Các bồn chứa xăng dầu được hàn bằng thép, mỗi bồn có đường kính 10m, cao 3,5m và cách nhau 100m theo hình tam giác, được chôn dưới lòng đất. Một đại đội gồm 30 chiếc xe bồn (xe xitéc), ngày đêm vận chuyển xăng dầu ra chiến trường. Tuy nhiên, qua thời gian di tích này đã bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa có kinh phí tu bổ, tôn tạo.

Di tích quốc gia đặc biệt Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 tại xã Lộc Quang hiện bị xuống cấp

Còn Bệnh viện Lộc Ninh (hay còn có các tên gọi khác là Hopital de Loc Ninh, Bệnh viện Cin gen, Nhà thương làng 5, Bệnh viện Lộc Tấn) là công trình kiến trúc cổ thời Pháp thuộc tại xã Lộc Tấn. Bệnh viện có kiến trúc nhà mái vòm độc đáo và là công trình y tế quy mô lớn của thế kỷ trước, được người Pháp xây dựng năm 1936, là nơi khám, chữa bệnh cho chủ đồn điền, phu cao su và một phần nhân dân do các đồn điền quản lý. Năm 1972, Lộc Ninh được giải phóng, chính quyền tiếp quản, đổi tên thành Bệnh viện Lộc Ninh, đưa vào sử dụng theo mô hình quân - dân y kết hợp, là điểm cứu thương, khám, chữa bệnh cho lực lượng vũ trang, kiều bào Campuchia về lánh nạn diệt chủng Pol Pot trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Sau năm 2008, Bệnh viện Lộc Ninh được đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng tại một địa điểm khác. Nơi đây được giữ làm di tích lịch sử nhưng phần lớn để hoang. Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, mái vòm phủ rêu xanh. Dù xuống cấp nghiêm trọng nhưng Bệnh viện Lộc Ninh không bị thay đổi hình dạng và cấu trúc, thiết kế. Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, y tế, ngày 29-5-2012, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 1070/QĐ-UBND công nhận Bệnh viện Lộc Ninh (công trình kiến trúc thời Pháp thuộc) là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Hiện nay, di tích này bị xuống cấp nghiêm trọng cần được tôn tạo.

Lộc Ninh được phân cấp quản lý nhiều di tích so với các địa phương khác trong tỉnh. Với nhiều công trình đồ sộ, có ý nghĩa lịch sử lớn nhưng một số di tích đang bị xuống cấp, chưa được đầu tư, tu bổ tương xứng. Nếu trong thời gian tới không làm tốt công tác tu bổ, các di tích sẽ bị tổn thất lớn.

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh
Vũ Thanh Ngữ


Cần tháo gỡ “điểm nghẽn”

Hiện nay, với các địa phương khó khăn nhất trong công tác quản lý, tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích là vấn đề về con người và kinh phí; có những di tích muốn được tu bổ, tôn tạo cần đến ý kiến của chuyên gia và cấp có liên quan…

Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, y tế, Bệnh viện Lộc Ninh (công trình kiến trúc thời Pháp thuộc) được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện công trình đang bị rêu phủ, sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Riềng, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Xuân Hòa cho biết: Điểm mạnh của huyện Lộc Ninh là có nhiều di tích lịch sử - văn hóa giá trị. 2 nhiệm kỳ liên tục Lộc Ninh đã đưa nội dung phát triển kinh tế du lịch là mũi nhọn vào nghị quyết của huyện. Điều này chứng tỏ huyện rất quyết tâm, quan tâm lĩnh vực văn hóa, di tích và phát triển du lịch. Lợi thế đã có rồi cần phải xác định được đâu là "điểm nghẽn" trong bảo tồn, tu bổ, phát huy, khai thác… để đầu tư thực sự có hiệu quả. Và việc tu bổ, tôn tạo các di tích cũng cần xác định rõ và thực hiện khoa học, tránh làm mất giá trị các di tích.

Cũng gặp khó khăn về vấn đề nhân lực và kinh phí, huyện Bù Đăng đã có những kiến nghị, đề xuất đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như lãnh đạo tỉnh tháo gỡ để công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa của huyện thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.

Cần quan tâm vấn đề ứng xử với di tích, đặc biệt chú trọng việc duy tu, tu bổ, nhất là các di tích lịch sử. Phải giữ gìn, phát huy và bảo tồn đúng cách đừng để di tích thành phế tích.

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh
NGUYỄN THANH THUYÊN


Ứng xử với di tích

Toàn tỉnh có 45 di tích được xếp hạng các cấp, tuy nhiên, hiện chỉ có 12 di tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại 33 di tích chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa được phân giới, cắm mốc rõ ràng. Điều này dẫn đến tình trạng xâm lấn các di tích, ảnh hưởng và thậm chí phá vỡ cấu trúc tổng thể của di tích.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Thị Lanh cho biết: Việc cắm mốc, khoanh vùng để duy tu, tôn tạo các di tích… cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để hạn chế sự xuống cấp nhanh chóng, nghiêm trọng của một số di tích. Đồng thời, ngành chức năng chủ động phối hợp các đơn vị liên quan đưa ra hướng phát triển, quảng bá giá trị các di tích đến với người dân. Trên thực tế, việc lắp đặt bảng nội quy, bảng thuyết minh tại các di tích chưa được thực hiện tốt. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các di tích dù đã làm tốt hơn so với trước đây nhưng cần quan tâm và thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Anh Dũng nhấn mạnh: Lộc Ninh là vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng với rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Đây là niềm tự hào của người dân Lộc Ninh và tỉnh Bình Phước. Vì vậy, huyện cần có giải pháp cụ thể trong quản lý, bảo tồn, tu bổ để các di tích trường tồn với thời gian và sống mãi trong lòng người dân. Đối với Bù Đăng có thế mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh. Vì vậy, địa phương phải chú trọng công tác quản lý hơn nữa, đặc biệt phải phát huy vai trò, thế mạnh của nhân dân trong phát triển du lịch.

Khó khăn về nhân sự, kinh phí, chính sách; một số người làm văn hóa chưa hiểu hết giá trị của các di tích và chưa có niềm đam mê cũng như tình yêu đủ lớn đối với công việc, lĩnh vực phụ trách… Đó là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc quản lý, tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Sự phát triển của hiện tại và tương lai phải dựa trên nền tảng của lịch sử mới được gọi là phát triển bền vững. Phía sau lớp rêu phong là những mốc son lịch sử hào hùng có giá trị lớn trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, kiến trúc, văn hóa, kinh tế - xã hội, y tế… được các thế hệ đi trước chắt lọc và qua sự lắng đọng của thời gian còn lưu lại. Vì vậy, việc tu bổ, tôn tạo và giữ gìn giá trị các di tích là trách nhiệm của thế hệ hiện tại đối với lịch sử, những người đi trước và các thế hệ mai sau.

  • Từ khóa
177833

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu