Thứ 5, 09/05/2024 23:45:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 18:00, 15/10/2023 GMT+7

Không còn “hạ cánh an toàn”

Lg: Diệp Viên
Chủ nhật, 15/10/2023 | 18:00:22 5,049 lượt xem
BPO - Ngày 20-9-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18-9-2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, Nghị định 71/2023/NĐ-CP đã gộp các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức ở 4 nghị định khác nhau về chung một nghị định, tạo sự thống nhất, thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật. Đặc biệt, các chế tài trong nghị định này được áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương tới địa phương; kể cả đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Với chế tài trong nghị định này đã chính thức khai tử tư duy “hạ cánh an toàn”.

Quyết định kỷ luật có hiệu lực 12 tháng

Cụ thể, Nghị định 71/2023/NĐ-CP đã bổ sung khoản 9 vào Điều 2 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP với nội dung: Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành; đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp đã có quyết định kỷ luật về đảng thì hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về đảng có hiệu lực. Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật trong thời gian đang thi hành quyết định xử lý kỷ luật thì nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành. Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ và phải ghi vào lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức.

Vi phạm kỷ luật ở cơ quan cũ khi chuyển cơ quan khác vẫn bị kỷ luật

Tiếp theo đó, Nghị định 71/2023/NĐ-CP đã bổ sung khoản 10 vào Điều 2 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức khi chuyển cơ quan khác làm việc được xử lý như sau: Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ đến khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì cấp có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định pháp luật tương ứng với vị trí cán bộ, công chức, viên chức hiện đang đảm nhiệm. Đối với trường hợp này, cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ có trách nhiệm cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm và cử người phối hợp trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật. Các quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng và các quy định khác có liên quan được tính ở đơn vị cũ.

Đồng thời, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP đã bổ sung khoản 11 vào Điều 2 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP với chế tài, thành viên Hội đồng kỷ luật không được là người thân của người bị xem xét kỷ luật. Cụ thể, không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm.

Thay đổi hình thức kỷ luật Đảng phải thay đổi hình thức kỷ luật hành chính

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật về đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có), trừ trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật. Hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm tương xứng với kỷ luật về đảng. Trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng bằng hình thức cao nhất thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất. Nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý.

Trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc xác định hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hình thức xử lý kỷ luật về đảng cao nhất thì cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật để tham mưu; tham khảo ý kiến bằng văn bản của tổ chức Đảng ra quyết định xử lý kỷ luật đảng viên trước khi quyết định. Trường hợp có thay đổi về hình thức xử lý kỷ luật về đảng thì phải thay đổi hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương xứng. Thời gian đã thi hành quyết định xử lý kỷ luật cũ được trừ vào thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật mới. Trường hợp cấp có thẩm quyền của Đảng quyết định xóa bỏ quyết định xử lý kỷ luật về đảng thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính.

Trong thời gian mang thai vẫn có thể bị kỷ luật

So với quy định trước, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP đã bổ sung trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật thì vẫn có thể bị kỷ luật người đang trong thời gian mang thai. Nghị định số 71 còn bổ sung trường hợp hai trường hợp chưa xem xét kỷ luật, gồm: Công chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi và công chức đang bị khởi tố.

Ngoài ra, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP cũng đã bổ sung trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời và công chức được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ.

  • Từ khóa
179802

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu