Thứ 2, 20/05/2024 03:21:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 00:00, 04/09/2011 GMT+7

Điều tra theo đơn thư bạn đọc

Chủ nhật, 04/09/2011 | 00:00:00 154 lượt xem

Hai lần được tuyên vô tội, nhưng vẫn phải... ở tù

Đi đám cưới và vô tình vướng vào vụ ẩu đả của các “trai làng”, một thanh niên sinh năm 1982 bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Chơn Thành truy tố trước tòa về hành vi “cố ý gây thương tích”. Hai lần Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành đưa vụ việc ra xét xử và đều tuyên thanh niên này vô tội. Nhưng thật nghiệt ngã, thanh niên trụ cột của gia đình nghèo ấy, ba năm qua vẫn trong trại giam - có lẽ là khoảng thời gian còn nhiều hơn so với nếu có bị kết án về hành vi tự vệ khi bị đám đông đuổi đánh. Người mẹ già đơn thân đã cạn nước mắt vì con trai và cả vì vườn cây cảnh trị giá hàng trăm triệu đồng không người chăm sóc, nay đã tan hoang.

Nhận được đơn thư của bạn đọc phản ánh, phóng viên Báo Bình Phước đã tìm hiểu vì đâu và vì ai mà người mẹ già và chàng trai trẻ phải khốn khổ như thế?

OAN NGHIỆT KHI ĐI DỰ ĐÁM CƯỚI

Căn nhà cấp 4 xây tạm bợ, tường chưa tô, trong nhà, ngoài vườn không có tài sản gì đáng giá ngoài những gốc cây cảnh chết khô, chúng tôi đã hiểu lời đồn đại về vụ án rằng các thẩm phán xét xử được “chung” 2 ha cao su để tuyên vô tội cho thanh niên nghèo kia là sự tung tin bịa đặt cay độc. Ẩn sau vụ án này, người trong cuộc mới hiểu rõ.

Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 18-11-2005, sau khi đi dự tiệc cưới tại ấp 4, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Nguyễn Văn Kiên chạy xe máy chở Hồ Khắc Việt cùng nhóm bạn bè là Hồ Sỹ Lợi, Đinh Vững, Nguyễn Văn Nam (Nam còi), Hồ Thị Nga đi về xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản. Do có mâu thuẫn từ trước nên nhóm thanh niên xã Minh Hưng gồm: Nguyễn Văn Cao, Hồ Trung, Hồ Sư Quang, Hồ Văn Nam (Nam Bằng) và Thân Văn Tâm có ý định chặn đường nhóm thanh niên xã Đồng Nơ để đánh.

Khi xe Kiên đi khỏi đám cưới được 30m thì bị Cao chặn, kéo xe lại làm Kiên và Việt Ngã xuống đường. Ngay lúc đó, Cao, Trung, Quang, Nam, Tâm chạy đến đánh Kiên và Việt. Kiên, Việt bỏ chạy về hướng xã Minh Hưng thì Quang, Trung, Cao, Tâm đuổi theo được một đoạn thì thấy Kiên, Việt, Vững. Khi còn cách nhóm của Quang khoảng 10m, Kiên lượm một cục gạch ống ném về phía Quang nhưng không trúng ai. Vững cầm cây xông đến đánh Trung một cái làm cây bị gãy... Kết cục của vụ ẩu đả này là Tâm bị thương ở đầu và mất 26% sức lao động tạm thời.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Chơn Thành, sau khi ném cục gạch ống không trúng ai, Kiên nhặt được một khúc cây ném về phía Quang nhưng Quang kịp ngồi thụp xuống nên khúc cây trúng vào đầu Tâm đi phía sau, làm Tâm bị thương, ngã xuống đường ngất xỉu.

VÌ NỖI LO BỒI THƯỜNGTHIỆT HẠI?

Ngày 26-11-2007, trong phiên xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành đã tuyên không đủ chứng cứ buộc tội Nguyễn Văn Kiên “cố ý gây thương tích” và khôi phục lại đầy đủ quyền công dân đối với Kiên. VKSND huyện Chơn Thành không đồng tình với quyết định của TAND huyện Chơn Thành nên đã kháng nghị, yêu cầu TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm. Bản án hình sự phúc thẩm ngày 18-7-2008 của TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên hủy án sơ thẩm trả hồ sơ điều tra lại. Tháng 9-2008, Nguyễn Văn Kiên bị bắt trở lại trại giam chờ phán quyết mới.

AI LÀM, AI CHỊU?

Tại hai phiên tòa sơ thẩm và hai phiên phúc thẩm, Nguyễn Văn Kiên đều phủ nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo buộc của VKS. Lời khai của nhân chứng trong suốt quá trình điều tra và tại các phiên tòa cũng đều thay đổi. Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh cũng cho thấy: Việc đánh giá khách quan lời khai của nhân chứng chưa được làm rõ. Việc xác minh, đối chất, nhận dạng chưa được tiến hành. Biên bản vụ việc đánh nhau gây thương tích gồm nhiều nhân chứng, tuy nhiên cơ quan điều tra lại chưa thu thập đủ lời khai. Việc thu thập biên bản để xác định vật chứng trong vụ án chưa được tiến hành. Biên bản thực nghiệm điều tra của cơ quan điều tra không thể hiện đầy đủ hành vi của bị cáo như lời khai của nhân chứng để chứng minh cho lời khai là đúng sự thật...

Đây là những nội dung rất quan trọng trong một vụ án, nhưng các cơ quan tố tụng ở huyện Chơn Thành đã bỏ qua hoặc “quên” và là nguyên nhân dẫn tới vụ án tưởng như đơn giản nhưng lại kéo dài tới 6 năm, để lại bao hậu quả đáng tiếc. Đó là sự tan hoang của một gia đình, sự mất niềm tin vào năng lực, đạo đức của cán bộ và uy tín của các cơ quan cầm cán cân công lý, tham gia tố tụng trong vụ án này.

Ngày 13-1-2009, VKSND huyện Chơn Thành ra bản cáo trạng tiếp tục truy tố Nguyễn Văn Kiên tội “cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự như bản cáo trạng trước đó. Ngày 23-7-2009, phiên xét xử sơ thẩm lần hai, TAND huyện Chơn Thành tiếp tục tuyên bố Nguyễn Văn Kiên không phạm tội, trả tự do ngay tại phiên tòa cho Kiên. Vẫn không đồng ý với phán quyết của tòa án, VKSND huyện Chơn Thành kháng nghị. Ngày 11-5-2010, TAND tỉnh xét xử phúc thẩm lần thứ hai và... tiếp tục tuyên hủy án sơ thẩm trả hồ sơ điều tra lại. Tháng 8-2010, Nguyễn Văn Kiên bị bắt trở lại trại giam lần thứ tư.

Trong hơn hai năm, cùng một vụ án, Nguyễn Văn Kiên đã phải “hầu tòa” tới... 4 lần (2 lần sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm) và hai lần được tuyên vô tội rồi được trả tự do, nhưng cả hai lần đều bị bắt lại vào trại giam. Nguyễn Văn Kiên đã phải ngồi trong trại giam hơn 24 tháng - khoảng thời gian mà nếu có bị buộc tội trong vụ việc này, Kiên cũng không bị mức án cao đến như vậy cho một vụ xô xát và nguyên nhân là do tự vệ khi bị một nhóm đuổi đánh. Cay đắng hơn, khu vườn cây cảnh trị giá hàng trăm triệu đồng của Kiên cũng tan hoang theo chủ nó bởi không người chăm sóc. Người mẹ già đôi mắt đã lòa đi vì khóc con và xót xa cho bao công lao của gia đình đã cuốn theo những phán quyết của các cơ quan thực thi pháp luật, những bản kháng nghị, trả hồ sơ...

6 năm trôi qua kể từ khi sự việc xảy ra, hai lần VKSND huyện Chơn Thành điều tra nhưng vẫn không đủ chứng cứ để kết tội Nguyễn Văn Kiên và Nguyễn Văn Kiên có hành vi “cố ý gây thương tích” hay không, câu trả lời dành cho các cơ quan thực thi pháp luật, cụ thể là Công an huyện Chơn Thành, VKSND huyện Chơn Thành và TAND tỉnh. Cũng xin được gửi đến các cơ quan thực thi pháp luật những dòng nước mắt của bà Hồ Thị Mậu, mẹ của Nguyễn Văn Kiên, sau nhiều lần xin cho con tại ngoại, xin xét xử sớm không được: “Con tôi có phạm tội hay không, tôi không cần nữa. Họ muốn buộc tội nó để khỏi trách nhiệm hay họ muốn làm gì tùy họ. Xin hãy đưa nó ra phán quyết, nếu nó có tội, giờ này cũng không phải ngồi tù nữa. Nó còn tương lai trước mắt nữa chứ”.

Trần Phương - Nhất Sơn

  • Từ khóa
111505

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu