Chủ nhật, 28/04/2024 14:33:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Y tế 09:45, 25/03/2024 GMT+7

Các tỉnh cụm Đông Nam Bộ: Vượt khó an sinh và y tế, đạt kết quả cao trong giáo dục - đào tạo

Trần Phương
Thứ 2, 25/03/2024 | 09:45:49 1,553 lượt xem
BPO - 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025) với tất cả tỉnh, thành phố cũng như với đất nước nói chung và các tỉnh trong Cụm thi đua miền Đông Nam Bộ nói riêng (Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước). Việc thực hiện các mục tiêu y tế, giáo dục, đào tạo lao động và an sinh xã hội vốn gặp nhiều khó khăn hậu đại dịch Covid-19, càng thêm khó khăn khi năm 2023 tiếp tục chịu áp lực lớn từ khó khăn của lĩnh vực cốt lõi như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, ảnh hưởng của thị trường quốc tế…

Trong bối cảnh có nhiều thách thức, tiếp tục phát huy truyền thống là nơi khởi nguồn của nhiều chính sách hữu hiệu, năm 2023, các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã nỗ lực đạt được những kết quả đáng khích lệ trong các lĩnh vực khó với hầu hết các tỉnh trong thời điểm này.

Vượt chỉ tiêu giải quyết việc làm

Đào tạo lao động và giải quyết việc làm là nền tảng cho an sinh xã hội, năm 2023 các tỉnh Đông Nam Bộ đã chú trọng tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm cũng như thăm hỏi, động viên, tặng quà… Công tác đào tạo lao động, giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm được các tỉnh trong cụm đặc biệt quan tâm thực hiện nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết chỉ tiêu về lao động các tỉnh Đông Nam Bộ đạt kế hoạch đề ra, trong đó chỉ tiêu về giải quyết việc làm của một số tỉnh vượt kế hoạch hơn cả mong đợi.

Giải quyết việc làm năm 2023 một số tỉnh Đông Nam Bộ:

Bình Phước: 46.598 lao động, đạt 116,5% kế hoạch.

Bình Thuận: 22.000 lao động, đạt 110% kế hoạch.

Đồng Nai: 80.292 lao động, đạt 100,37% kế hoạch.

Ninh Thuận: 18.084 lao động, đạt 113% kế hoạch.

Tây Ninh: 19.745 lao động, đạt 123,4% kế hoạch.


Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nên nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu thiếu đơn đặt hàng dẫn đến nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngưng, đóng cửa kéo theo công nhân bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm... Các tỉnh trong cụm đã kịp thời chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, xử lý các vụ việc đình công, lãn công phát sinh, qua đó ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho người lao động trong nhóm người lao động có thu nhập thấp.

Hầu hết chỉ tiêu về lao động các tỉnh Đông Nam Bộ đạt kế hoạch đề ra, trong đó chỉ tiêu về giải quyết việc làm của một số tỉnh thực hiện vượt kế hoạch - Ảnh: Phú Quý

Song song với đào tạo lao động và giải quyết việc làm, công tác chăm lo cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo được các tỉnh trong cụm quan tâm triển khai kịp thời, đúng quy định. Việc tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện chu đáo. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách tín dụng ưu đãi được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. 

Khắc phục khó khăn lĩnh vực y tế 

Sau tàn phá của đại dịch Covid-19, hệ thống y tế của cả nước nói chung và các tỉnh Đông Nam Bộ nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề, cả về nhân lực và hạ tầng y tế. Để vượt qua khó khăn, các tỉnh đã nỗ lực củng cố mạng lưới y tế, biên chế, đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng mọi điều kiện để tiếp nhận, thu dung điều trị. Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Triển khai mô hình điểm khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử thay thế thẻ bảo hiểm y tế. 

Đặc biệt, các tỉnh tiếp tục xử lý, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Các chương trình mục tiêu y tế - dân số khác như phòng, chống suy dinh dưỡng, dân số và phát triển, phòng chống lao, phong, bướu cổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm thực hiện. Các chỉ tiêu cơ bản về y tế đạt kế hoạch đề ra. Một số tỉnh đạt kết quả cao trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, như: Bà Rịa - Vũng Tàu đến cuối năm 2023 các chỉ tiêu về dân số, y tế đều đạt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng dân số tự nhiên đạt 1%, tuổi thọ trung bình đạt 76,7 tuổi; số bác sĩ/vạn dân đạt 9,5 bác sĩ, số giường bệnh/vạn dân đạt 20,4 giường… Bình Dương hoàn thiện đề án Phát triển tổng thể ngành y tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bình Phước kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, không có ổ dịch lớn xảy ra. Bình Thuận thực hiện tốt công tác cấp cứu, khám và điều trị bệnh nhân. 

Đồng Nai tiếp tục thực hiện tốt đề án bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến Trung ương - Đề án 1816 để chuyển giao kỹ thuật, đào tạo chuyên môn cho tuyến dưới trong ngành, triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Ninh Thuận thực hiện hiệu quả công tác vận động các tổ chức từ thiện khám, chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách và trẻ em...

Tây Ninh thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đã kiểm tra 4.272 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Kết quả có 3.924 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh, đạt 91,85%; 580 cơ sở vi phạm.

Giáo dục và đào tạo nổi bật

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), nổi bật trong năm 2023 là hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại tỉnh Bình Dương. Sau hội nghị, các tỉnh trong cụm đã tham gia, từ đó đề ra những mục tiêu cụ thể phù hợp với địa phương mình.

Đào tạo lao động, giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ được các tỉnh Đông Nam Bộ quan tâm trong năm 2023 - Ảnh: Phú Quý

Năm 2023, chất lượng đào tạo, trình độ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học của các tỉnh ngày càng được nâng cao. Các tỉnh cũng đã đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực phục vụ sự nghiệp giáo dục. Tiếp tục hoàn thiện Đề án củng cố, tăng cường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của ngành giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai thực hiện các tiêu chí GD&ĐT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, nội dung. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trường đạt kiểm định chất lượng và đạt chuẩn quốc gia.

Một số kết quả nổi bật của các địa phương trong cụm năm 2023: 

Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi, học sinh THPT công lập và ngoài công lập, học viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên năm học 2023-2024.

Bình Dương tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,75%, điểm trung bình chung các môn thi là 7,082, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Bình Phước có 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 111/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS.

Bình Thuận tỷ lệ học sinh bỏ học năm học 2022-2023 toàn tỉnh là 0,23%, giảm 0,16% (554 học sinh).

Đồng Nai có 59 học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023, trong đó có 14 học sinh đoạt giải nhì, 22 học sinh đoạt giải ba và 23 học sinh đoạt giải khuyến khích.

Tây Ninh tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế...

Ninh Thuận có 148.263 học sinh các cấp đầu năm học 2023-2024, tăng 2,8%


  • Từ khóa
192655

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu